Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 52 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 25 điều, quy định mới 27 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, sau 14 năm thực hiện (kể từ ngày 29/6/2006), bên cạnh những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung.
Lãnh đạo bộ cho rằng, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) bảo đảm phù hợp với các luật hiện hành của Việt Nam và cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trong hoạt động điện ảnh.
|
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng |
Để đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số, bộ trưởng đề nghị cần tạo dựng hành lang pháp lý quy định và hỗ trợ việc áp dụng thành tựu công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ tiên tiến khác nhằm quản lý và hỗ trợ công nghiệp điện ảnh phát triển.
Cũng tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) phù hợp với bốn chính sách đề xuất trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua. Gồm: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; Hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; Đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.
Trong quá trình xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau như: quy định về sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước; phổ biến phim trên không gian mạng.
Về sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước, dự thảo đưa ra hai phương án. Thứ nhất, sản xuất phim theo hình thức giao nhiệm vụ và đặt hàng; song, phương án này đang có những vấn đề chưa phù hợp với các quy định của Nhà nước về việc sử dụng vốn ngân sách và các quy định về đấu thầu, đặt hàng dịch vụ công. Thứ hai, giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu.
Đa số thành viên Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất với phương án thứ nhất. Cơ quan chủ trì soạn thảo mong muốn các Bộ, ngành, các cơ quan ủng hộ phương án này để khắc phục những bất cập trong thời gian qua khi phải xin cơ chế đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước.
Về việc phổ biến phim trên không gian mạng, dự thảo Luật cũng đưa ra hai phương án. Một là, phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Điều 33 Luật này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim. Hai là, chỉ được phổ biến phim khi có Giấy phép phân loại phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND cấp tỉnh cấp hoặc Quyết định phân loại của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình thì được phép phổ biến trên không gian mạng. Đối với phim chưa được cấp phép phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phân loại trước khi phổ biến trên không gian mạng.
Đa số thành viên Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất phương án đầu tiên. Chính phủ sẽ trình Quốc hội cả hai phương án để xem xét, quyết định.
|
Truyền thuyết về Quán Tiên nằm trong số ít phim truyện được nhà nước đặt hàng trong thời gian qua |
Cũng tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh, để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Đồng thời, cũng lưu ý, cần khắc phục tình trạng “luật khung”, “luật ống”; bảo đảm phù hợp, đồng bộ, khả thi; tuân thủ Hiến pháp, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội, huy động các nguồn lực phát triển ngành điện ảnh.
Theo đó, Luật Điện ảnh hiện hành mới bao quát được trên các nền tảng truyền thống chứ chưa bao quát được sự phát triển của điện ảnh trên nền tảng số.
Luật chủ yếu tiếp cận điện ảnh như một loại hình nghệ thuật nhưng trên thực tế, điện ảnh thuộc ngành công nghiệp văn hóa, mang lại hiệu quả rất cao và được một số quốc gia có nền điện ảnh phát triển coi là một ngành nghề kinh doanh mới nổi.
Các thành viên Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Luật Điện ảnh phải tạo ra hành lang pháp lí để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp điện ảnh kết hợp với các hoạt động du lịch để đem lại hiệu quả kinh tế, vừa góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, vừa góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu bổ sung các chính sách để xây dựng, phát triển hệ sinh thái sản xuất phim. Khuyến khích xã hội huy động các nguồn để các thành phần kinh tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện ảnh, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển điện ảnh trong nước. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát quy định về công tác quản lý nhà nước, nhất là các vấn đề liên quan đến thẩm định, cấp phép, phân loại phim.... Những quy định nào đã được kiểm chứng, có tính ổn định cao trong thực tiễn thì cần bổ sung, quy định rõ ngay trong luật, chỉ giao cho Chính phủ quy định những nội dung có thể còn biến động trong thực tiễn để bảo đảm tính linh hoạt trong thực thi luật.
Đậu Dung