Đa số người mắc COVID-19 chưa khỏi bệnh sau 5 ngày

19/08/2022 - 11:32

PNO - Theo một nghiên cứu toàn diện, 2/3 số người mắc COVID-19 vẫn còn virus trong cơ thể sau 5 ngày kể từ khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng.


 

bệnh nhân COVID-19 có thể phát tán virus lâu hơn nhiều so với những gì được nêu ra trong các hướng dẫn hiện tại
Bệnh nhân COVID-19 có thể phát tán virus lâu hơn nhiều so với những gì được nêu ra trong các hướng dẫn hiện tại

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng các xét nghiệm kháng nguyên nhanh cho kết quả âm tính không chính xác trong khoảng 1/3 thời gian đầu bệnh nhân mắc COVID-19. Kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh sẽ chính xác hơn khi bệnh nhân không còn bị nhiễm virus vào cuối giai đoạn mắc bệnh.

Seran Hakki tại Đại học Hoàng gia London và các đồng nghiệp đã nghiên cứu một số người đã trải qua các giai đoạn trước, trong và sau khi mắc COVID-19, trong khoảng thời gian từ tháng 9/2020 - 10/2021. Các nhà nghiên cứu yêu cầu những người đã có tiếp xúc gần với các ca nhiễm thường xuyên lấy mẫu dịch qua đường mũi họng và ghi lại các triệu chứng hàng ngày.

Các mẫu dịch đã được xét nghiệm bằng phương pháp PCR và kháng nguyên nhanh. Sau đó, các mẫu cho kết quả dương tính bằng phương pháp PCR sẽ được thực hiện thêm một xét nghiệm nữa để đo lường hàm lượng virus lây nhiễm có trong dịch nhầy (tải lượng virus của một bệnh nhân được xem là thước đo chính về khả năng lây nhiễm). 

Trong số hơn 700 trường hợp có tiếp xúc gần, 42 người đã được xác định thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc của quá trình bị nhiễm virus. “Chúng tôi muốn tính toán khoảng thời gian kể từ khi nhiễm virus đến khi không còn virus, tức không còn khả năng lây nhiễm cho người khác”, Hakki giải thích. 

Khoảng 1/5 trong số 42 người này được phát hiện đã bị nhiễm virus, dựa trên kết quả xét nghiệm tải lượng virus, ngay cả trước khi họ phát triển các triệu chứng. Các xét nghiệm kháng nguyên nhanh cho kết quả dương tính với độ chính xác 67% trong thời gian đầu nhiễm bệnh. Vì vậy, Hakki cho biết, cũng không nên quá tin vào các kết quả xét nghiệm âm tính theo phương pháp này nếu một người có các triệu chứng của COVID-19.

Các nhà nghiên cứu cho biết, 2/3 người mắc COVID-19 vẫn còn virus trong cơ thể sau 5 ngày kể từ khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng, mặc dù tải lượng virus thấp hơn trong dịch nhầy ở mũi và cổ họng sau thời gian này. 1/4 vẫn còn virus sau 7 ngày. Trong các giai đoạn sau của bệnh, khi tải lượng virus giảm xuống, các xét nghiệm kháng nguyên nhanh cho kết quả dương tính với độ chính xác 92%.

Trên thực tế, một số quốc gia, trong đó có Anh, khuyến nghị bệnh nhân COVID-19 có thể ngưng cách ly sau 5 ngày, mặc dù vẫn nên tránh tiếp xúc với những người dễ bị nhiễm virus này trong 10 ngày. Ở Anh và Scotland, những người dưới 18 tuổi được khuyên có thể tự cách ly chỉ trong 3 ngày.

Stephen Griffin, nhà virus học tại Đại học Leeds ở Anh, người không tham gia nghiên cứu, cho biết: “Nghiên cứu này cho thấy bệnh nhân COVID-19 có thể phát tán virus lâu hơn nhiều so với những gì được nêu ra trong các hướng dẫn hiện tại”.

Tuy nhiên, Hakki cũng cho biết thêm, kết quả có thể hơi khác đối với biến thể phụ BA.5 của Omicron vốn đang phổ biến. Những tình nguyện viên tham gia nghiên cứu nói trên bị nhiễm biến chủng SARS-CoV-2 ban đầu, hoặc các biến thể Alpha và Delta. Một nghiên cứu trước đây cho thấy, những người bị nhiễm Omicron thường có tải lượng virus thấp hơn.

Do đó, giáo sư Adam Kleczkowski tại Đại học Strathclyde (Glasgow, Anh) cho rằng, việc yêu cầu bệnh nhân COVID-19 cách ly lâu hơn sẽ giúp hạn chế sự lây lan của virus, nhưng việc này cũng có mặt trái là khiến mọi người bị gián đoạn các công việc. “Cá nhân tôi cho rằng thời gian cách ly 5 ngày là hợp lý”, ông nói.

Nhất Nguyên (theo New Scientist)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI