Đã ở riêng nhưng không thoát khỏi sự 'kiểm soát' của mẹ chồng

01/12/2018 - 13:55

PNO - Dù đã ra ở riêng nhưng mỗi ngày, mẹ chồng sang nhà tôi 4 đến 5 lần để "kiểm soát" tình hình. Bởi thế, tôi cảm thấy tù túng và vô cùng mệt mỏi.

Tôi lấy chồng được 5 năm và mới ra ở riêng được vài tháng. Trước đây, khi sống chung với ba mẹ chồng, tôi cảm thấy rất ngột ngạt. Một phần vì công việc không ổn định, thỉnh thoảng tôi lại phải nghỉ ở nhà.

Mẹ chồng là người hay xét nét và bắt bẻ, bóng gió về chuyện tôi không làm ra tiền. Bà không cho con trai đụng tay vào việc gì cả. Nếu tôi nhờ anh lau nhà hay rửa bát, bà lại giằng lấy rồi mắng: “Đàn ông không phải làm những việc này”. Nhưng em gái chồng đã 25 tuổi, bà cũng không cho làm việc nhà mà đổ hết cho con dâu.

Da o rieng nhung khong thoat khoi su 'kiem soat' cua me chong
Mẹ chồng muốn mọi việc trong nhà tôi đều phải sắp xếp theo ý của bà. (Ảnh minh họa)

Thậm chí, em chồng chỉ mới đau bụng, sổ mũi, nhức đầu là bà bảo nằm yên một chỗ trên lầu không cho xuống, bắt tôi phục vụ cơm nước lên đến tận phòng dù bụng mang dạ chửa. Hầu như, mọi việc trong nhà đều do tôi quán xuyến. Buổi sáng, tôi phải dậy sớm nấu ăn cho cả nhà, vừa chăm con dọn dẹp tới khuya mới được ngủ.

Bởi thế, khi chồng đồng ý ra ở riêng, tôi đã rất vui mừng. Nhà của vợ chồng tôi xây trên đất ba mẹ chồng cho cách nhà ông bà khoảng 1 km. Ngôi nhà cấp bốn, lợp tôn nhưng ấm cúng vô cùng. Tôi nghĩ mình sẽ thoải mái khi không phải chịu cảnh sống chung nữa.

Nhưng cuộc sống riêng không như tôi tưởng tượng khi mẹ chồng vẫn tìm cách kiểm soát. Tôi mới sinh con thứ hai được 5 tháng nên còn nghỉ ở nhà. Mẹ chồng lấy lý do “mày ở nhà trông con chứ có làm gì đâu” nên hàng ngày vẫn qua giao việc cho tôi làm.

Đi chợ về là bà xách nguyên giỏ thức ăn qua nhà tôi, bảo tôi chế biến theo ý bà rồi bỏ vào hộp và túi bóng mang về nhà nấu. Bà thường xuyên mua gà sống, chim bồ câu đem qua nhờ tôi làm giúp. Thậm chí, có ai nhờ làm gà vịt, bà đều tống qua cho tôi làm rồi mang về.

Hàng ngày, bà đi qua nhà tôi khoảng 4,5 lần để kiểm tra tiến độ công việc, chỉ tôi phải làm cái này, cái kia. Tôi bận bù đầu với con mà phải làm thêm việc của bà. Bà nói tôi cuốc đất trước nhà để bà trồng rau nữa. Đến mùa sen, bà nhận mấy chục ký hạt sen tươi về mang sang giao tôi tách vỏ nhưng chẳng trả tiền công.

Chưa hết, việc đầu tiên của bà khi đến nhà tôi là mở tủ lạnh, nồi niêu xem ăn cái gì, có lãng phí không. Hay có ăn cái gì ngon mà không mang biếu ông bà. Có lần, em gái tôi có cho mấy ký nhãn lồng, tôi chưa kịp đem sang nhà chồng thì bà tới.

Bà trách, có hoa quả tươi mà ăn một mình rồi lấy túi bỏ vào tự mang về. Tôi không tiếc mấy quả nhãn nhưng rất ngán cách cư xử như thế dù sao đây cũng là nhà riêng của tôi.

Đồ đạc trong nhà, bà muốn phải sắp xếp theo ý của bà, bắt đặt cái này ở chỗ này, bỏ cái kia ở chỗ kia. Từ phòng khách, phòng ngủ đến nhà vệ sinh, bà kiểm tra không thiếu chỗ nào.

Tôi mới về ở, mấy chị em có con nhỏ ở gần hay đưa con sang chơi, bà đến là bà mắng vốn. Bà bảo, tụi này lười làm việc, túm tụm nhau lại để nói xấu. Nghe thế, hàng xóm cũng chẳng dám sang chơi nữa.

Nhiều lúc, tôi tìm cách từ chối khéo việc bà nhờ vì con còn nhỏ. Nhưng bà cứ kể công: “Mày có hai đứa con, tao chăm cho một đứa rồi còn kêu ca gì”. Thực tế, con gái ba tuổi học mẫu giáo cả ngày. Bà đón về, đưa sang cho tôi tắm rửa và cho ăn rồi đem về ngủ thôi.

Da o rieng nhung khong thoat khoi su 'kiem soat' cua me chong
Ở nhà mình mà tôi luôn lo lắng mẹ chồng sẽ đến bất cứ lúc nào rồi phán xét phàn nàn. (Ảnh minh họa)

Hôm qua, bà lại sang như thường lệ, tôi mặc bộ áo quần ở nhà mới mua. Thế là, bà lại mát mẻ: “Dạo này mua sắm nhiều nhỉ, liệu đường không có gạo mà ăn”. Tôi không  hiểu bà nghĩ mà lại nói như thế trong khi gạo bà ngoại cho, thỉnh thoảng bà vẫn mang bao sang trút đem về với lý do “ăn giùm không để lâu nó mốc”. Ở nhà mình nhưng làm gì tôi cũng lo ngay ngáy vì mẹ chồng có thể đến bất cứ lúc nào rồi phàn nàn phán xét.

Giờ tôi chỉ mong con lớn chút nữa để đi làm lại, không ở nhà nữa chắc mẹ chồng sẽ ít sang lại. Chứ mẹ chồng cứ như thế, tôi thấy rất bức bối dù đã mang tiếng ra ở riêng. Còn nếu nói thẳng, thể nào bà cũng nói: “Nhà này được xây trên đất của tao, ai cấm tao qua”, tôi lại càng mệt mỏi.  

Bảo Trân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI