PNO - Thời tiết khô lạnh của miền Bắc khiến nhiều bệnh về da như mề đay, sẩn ngứa, vảy nến… bùng phát mạnh mẽ. Nhiều bệnh nhân nhập viện muộn trong tình trạng da đỏ, lột toàn thân khiến việc điều trị khó khăn, kéo dài.
Mệt mỏi, sẩn ngứa toàn thân sau đợt không khí lạnh
Vốn có tiền sử viêm da cơ địa, gần đây, khi thời tiết miền Bắc ngày càng lạnh, độ ẩm cao, tình trạng ngứa, sần của ông N.P.M. (60 tuổi, Hà Nam) ngày càng nghiêm trọng. Những vết ngứa rộ lên thành từng mảng, đặc biệt ở khu vực cánh tay, chân, đùi khiến ông vô cùng khó chịu trong sinh hoạt hằng ngày, đêm không thể ngủ ngon… Càng gãi, vùng ngứa càng sưng đỏ và lan rộng. E ngại tới bệnh viện thăm khám có thể lây nhiễm COVID-19, nghe lời khuyên của bạn bè, ông đun các loại nước lá (trà xanh, khế, kinh giới…) để tắm với hy vọng làm dịu vết ngứa, điều trị các tổn thương trên da. Tuy nhiên, tình trạng này chẳng những không thuyên giảm mà càng thêm trầm trọng.
Nhiều bệnh nhi bùng phát viêm da cơ địa trong thời tiết khô lạnh
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Quang Minh - Phó trưởng khoa Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu Trung ương) - cho biết bệnh nhân M. tới bệnh viện khi toàn thân đã “đỏ như tôm lột”. Bệnh nhân mang hai tổn thương: đỏ da toàn thân do viêm da cơ địa, mất nước nghiêm trọng trong điều kiện thời tiết khô hanh và da bị chà xát do dùng bã, nước lá để tắm tạo thành các mảng sần trên da. Dù không có bệnh lý khác, do bệnh nhân ở giai đoạn chuyển nặng nên phải nằm điều trị nội trú.
Tương tự bệnh nhân M., da có bệnh lý nền trước đó, anh T.T.P. (45 tuổi, Hà Nội) luôn khổ sở khi gặp thời tiết khô lạnh. Anh P. được xác định mắc bệnh vảy nến cách đây mười năm. Trước kia, anh vẫn đi lấy thuốc ở phòng khám nhưng gần đây, do dịch bệnh nên anh không đi đầy đủ, dưỡng ẩm ít. Sau đợt không khí lạnh vừa qua, bệnh nhân chuyển nặng, vào viện trong tình trạng da đỏ lợt, diện tích trên 90% cơ thể. Khi tới viện, toàn bộ gương mặt bệnh nhân đều đỏ, ngứa dữ dội, da nứt kẽ, dày sừng. Bệnh nhân mệt mỏi do bị mất nước và protein qua da. “Bệnh nhân chuyển đỏ da toàn thân do chăm sóc chưa đúng cách, sử dụng nước quá nóng khi tắm khiến cho da càng mất nước mạnh. Bên cạnh đó, dù có bệnh nền vẩy nến, bệnh nhân không dưỡng ẩm đầy đủ dẫn tới tình trạng trên” - bác sĩ Minh lý giải.
Ngoài các trường hợp lột đỏ toàn thân, bác sĩ Minh cho hay, bệnh viện liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp phải thăm khám, điều trị do ảnh hưởng của thời tiết khô lạnh trong mùa đông như bệnh mề đay, sẩn ngứa, bùng phát viêm da cơ địa, vảy nến…
Viêm da cơ địa rầm rộ ở trẻ
Thời tiết hanh khô cũng tác động mạnh đến trẻ em mắc bệnh viêm da cơ địa. Khoa Da liễu, Bệnh viện Nhi Trung ương liên tục tiếp nhận nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng da khô đỏ, ngứa trên diện rộng. Điển hình là trường hợp bé trai T.P. (14 tháng tuổi, Hà Nội) bị nổi mảng rát đỏ, da khô sần, ngứa ở lưng, ngực, hai tay, chân. Do e ngại dịch bệnh, gia đình không cho con đi khám mà tự mua thuốc về nhà điều trị. Tuy nhiên, các tổn thương trên da tiếp tục lan ra toàn thân khiến bé ngứa ngáy khó chịu, quấy khóc, ăn kém. Tại bệnh viện, bé được chẩn đoán viêm da cơ địa (còn gọi là chàm thể tạng - eczema), là bệnh mãn tính và có liên quan tới cơ địa dị ứng.
Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Thị Mai Hương - phụ trách Khoa Khám bệnh Đa khoa, kiêm Trưởng khoa Da liễu (Bệnh viện Nhi Trung ương) - cho hay bình thường da có một lớp màng ngăn nước trong da bốc hơi và bảo vệ da khỏi các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Tuy nhiên, ở người viêm da cơ địa, lớp màng bảo vệ bị tổn thương, da khô, mất nước, các vi khuẩn bên ngoài xâm nhập và làm xuất hiện các nốt mẩn đỏ, mụn nước ngứa ngáy trên da. Bệnh này xuất hiện khá sớm, có tới 60% trẻ viêm da cơ địa phát bệnh trong năm đầu đời, 30% trong 5 năm đầu và chỉ có 10% phát bệnh sau 5 tuổi.
Thông thường, 95% bệnh ổn định sau 2 tuổi, 5% chuyển thành viêm da cơ địa ở trẻ lớn. Tuy nhiên, một số trường hợp viêm da cơ địa tái đi tái lại nhiều lần cho tới khi trưởng thành gây nhiều bất tiện và ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.
Cũng theo bác sĩ Hương, môi trường là yếu tố quan trọng làm khởi phát bệnh. Trong đó, khí hậu hanh khô là một trong những vấn đề thường gặp nhất. Ở điều kiện thời tiết này, bệnh của trẻ thường có xu hướng nặng lên do độ ẩm không khí thấp khiến da mất nước. Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ vì sợ con lạnh nên tắm nước quá nóng khiến bề mặt da càng khô hơn. Tương tự tình trạng bé P., nếu mắc viêm da cơ địa, bệnh nhi có thể gặp các tình trạng phiền toái như ngứa ngáy, khó ngủ, kém ăn, chậm lớn, ảnh hưởng đến chất lượng sống của trẻ. Đặc biệt, các thương tổn ở da có thể bị bội nhiễm vi khuẩn (tụ cầu), vi-rút (HSV), nấm… làm bệnh trầm trọng hơn, khó điều trị cũng như tiên lượng.
Chăm sóc da mùa lạnh sao cho đúng?
Căn nguyên khiến các bệnh về da bùng phát trong mùa khô lạnh là do tình trạng mất nước qua da, có hiện tượng tăng lớp sừng, dày sừng trên da khiến da khô ráp… Theo các chuyên gia, việc quan trọng để chăm sóc da trong điều kiện thời tiết này là giữ ẩm cho da nhằm chống khô da, tránh ngứa và hạn chế tái phát.
“Việc dưỡng ẩm cần thực hiện hằng ngày và duy trì lâu dài sau khi triệu chứng bệnh đã được cải thiện. Tùy vào mức độ của bệnh để lựa chọn các chế phẩm giữ ẩm: dạng lỏng, kem hoặc mỡ. Tùy theo tính chất của bệnh (mãn tính hay cấp tính) mà có hình thức điều trị phù hợp” - tiến sĩ - bác sĩ Phạm Thị Mai Hương khuyến cáo.
Đối với một số bệnh như viêm da cơ địa, thuốc chống viêm corticosteroid dạng bôi rất hiệu quả. Tuy nhiên, việc sử dụng lâu dài không đúng liều lượng, nồng độ… của thuốc sẽ gây ra một số tác dụng phụ như teo da, giãn mạch... Do vậy, khi dùng thuốc nhóm này, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc mà cần có sự chỉ định chặt chẽ của bác sĩ. Ngoài ra, tùy thuộc tình trạng bội nhiễm hay mức độ ngứa, bác sĩ sẽ có những chỉ định thuốc phối hợp kèm theo như thuốc kháng sinh, thuốc kháng vi-rút, thuốc chống nấm, chống ngứa…
“Vào thời tiết khô lạnh, để bảo vệ da của trẻ, đặc biệt đối với bệnh nhi mắc viêm da cơ địa, cha mẹ nên cho trẻ mặc quần áo chất liệu cotton mềm, dễ thấm hút; hạn chế để đồ len, dạ tiếp xúc trực tiếp vào da của trẻ. Người chăm sóc trẻ cũng cần hạn chế mặc đồ len, dạ thô ráp khi bế trẻ. Nên loại bỏ các yếu tố kích ứng làm cho tình trạng của bệnh nặng lên như bụi, phấn hoa, lông súc vật… Không nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng hoặc thực phẩm lạ. Lựa chọn các loại sữa tắm dịu nhẹ, ít kích ứng và có tính chất dưỡng ẩm; tắm nước không quá nóng, không nên ngâm trẻ quá lâu” - chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương lưu ý thêm.
Có nên tắm bằng lá cây? “Một trong những sai lầm thường gặp của cả người lớn và trẻ em khi gặp các vấn đề khô da, nứt nẻ… là thường dùng các loại lá để tắm. Nhiều người tin rằng việc dùng nước lá sẽ hạn chế da tiếp xúc với các loại hóa chất có trong sữa tắm, làm sạch và dịu nhẹ da, thậm chí có thể làm lành vết thương. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là những lời truyền miệng thiếu căn cứ. Các loại lá cây, đặc biệt như trà xanh, dù kháng khuẩn nhưng lại khiến da khô, tạo môi trường bất lợi cho da, khiến bề mặt da vốn đã mất nước càng thêm nghiêm trọng. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân còn dùng lá chà xát lên da khiến da bị tổn thương nặng nề”.
Trước thực trạng quản lý, kiểm định nước sinh hoạt ở chung cư còn nhiều bất cập khiến chất lượng nước chưa bảo đảm, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp.