Đã nghe bước tết xôn xao…

06/02/2024 - 06:13

PNO - Cứ tầm cuối tháng 11 đầu tháng Chạp, có thể cảm nhận được tết đã đến rất gần, bắt đầu từ những buổi chợ.

Nếu ở phố, không khí chuẩn bị tết khá rộn ràng và bắt đầu từ… các hàng tạp hóa khi hàng về nhiều hơn, chất tràn ra đường, với các loại bia, nước ngọt, kẹo bánh sặc sỡ đủ màu sắc. Nhưng cái gấp gáp đón tết ở phố nhìn không rõ ràng, vì người phố ngày thường vốn đã… gấp, bước tết cũng vì thế mà nhòe lẫn vào bước quay ngày thường của những vòng xe qua phố. Vì vậy mà bước tết ở quê cũng trở nên đậm nét hơn với nhịp sống bình lặng ngày thường, làm rực rỡ lên những vòm sung trút lá đổi màu, tươi thắm những chiếc chăn phơi, giòn cái nắng thơm trên liếp bánh tráng phơi trước sân.

Mớ rau mỡ màng sau mùa đông dài luôn là những điều gợi nhớ nhất trong những phiên chợ tết
Mớ rau mỡ màng sau mùa đông dài luôn là những điều gợi nhớ nhất trong những phiên chợ tết

Ngày giáp tết, với gia đình tôi nghĩa là, mẹ sẽ thức khuya hơn, dậy sớm hơn mới kịp dọn hàng ra chợ. Chưa kể, càng về cuối tháng chợ càng đông, đi muộn sẽ không chen được vào bên trong. Đêm trước, lấy hàng về, mẹ phải cặm cụi xếp đặt đến khuya. Còn bà thì đốt lên những lò than hồng, bắc lên đó hết chảo gừng đến chảo dừa, và cái tết bắt đầu thơm cay. Đêm, tiếng xe chạy ngoài đường cũng dày thêm chứ không thưa vắng sau 8g tối.

Đến sáng ngày, gương mặt chợ bừng lên, không phải vì cái nắng của tháng Chạp đã qua khỏi những mưa gió dầm dề, mà còn bởi cái tươi non, thơm thảo của làng quê tựu về, san sát, tăm tắp, dồi dào. Chợ tết quê tôi, chỉ có vài sạp hàng lớn bán quần áo, tạp hóa, trái cây, còn lại các quầy hàng nhỏ nhỏ. Chỗ này là mớ rau mới hái xanh mỡ màng sau những ngày mùa đông. Chỗ khác, là hàng bánh, mứt bày gọn trong một cái mâm được kê cao. Với tôi, đây là nơi hương vị tết đậm đà nhất. Bởi hàng bánh mứt phần lớn là do các cụ, các mẹ, các chị tự tay làm, nên dấu ấn của những thức quà cổ truyền cũng lưu lại rõ ràng hơn hẳn.

Thời đại của sự tiện lợi đã sinh ra những cơ sở sản xuất bánh mứt chuyên nghiệp, sản phẩm đẹp, bắt mắt được bày bán khắp nơi. Nhưng không hiểu sao, tôi vẫn xao lòng trước những mẹt bánh nho nhỏ chỉ có ở những phiên chợ quê. Có những món quen thuộc như bánh in, mứt gừng, mứt dừa… nhưng hương vị mang đầy khác biệt, nhất là mùi thơm của bánh mứt mới làm, màu sắc giản mộc gợi nhớ tết của những ngày xưa. Nhưng cũng có những món đặc thù của từng vùng miền mà chỉ ở phiên chợ quê ngày tết mới gặp lại. Đó là bánh tro, món bánh làm từ gạo nếp được ngâm vào tro, bánh mềm thơm, chấm đường hay nước mắm ăn đều được. Còn có mứt thập cẩm đủ màu sắc, gồm dừa, gừng, đu đủ, chuối, đậu phộng bên trong, được nặn thành từng cây, ăn thì xắt ra từng khoanh, đủ màu sắc rất đẹp, lại thơm ngon mà không ngấy. Là món cốm đậu đen, hạt sen trần, bánh thuẫn… 

Những loại bánh mứt quê là nơi lưu giữ ký ức
Hàng bánh mứt quê là nơi lưu giữ vùng ký ức mà không cơ sở sản xuất công nghiệp nào làm ra được

Càng gần tết, chợ quê cứ vậy mà càng đầy lên, đầy lên những hàng hóa, những vất vả mưu sinh, những giọt mồ hôi lẫn những nụ cười. Tôi đã thấy nụ cười sáng lên trên gương mặt cụ bà khi nhận tờ tiền tôi trả để mua vài phong bánh đậu đen. Rồi từ hàng bánh, dạo qua hàng củ quả, lướt qua hàng thịt cá, ăm ắp những sản vật được thiên nhiên ban tặng lẫn những sản phẩm được làm nên bởi sự nhẫn nại, cần cù của con người. Đã nghe bước tết xôn xao trong những vạt quần áo sặc sỡ tung lên theo gió, lẫn ánh mắt lấp lánh của đứa trẻ cầm mân mê chiếc cài mẹ mới mua, ngước lên những bộ quần áo mà sắp tới đây, bé sẽ mặc chúc tết ông bà và ra đường tung tăng cùng bè bạn…

Duyên An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI