Đà Nẵng và câu chuyện 'theo đuôi doanh nghiệp' trong quy hoạch

06/12/2019 - 11:23

PNO - "Chính quyền không theo đuôi doanh nghiêp, theo đuôi doanh nghiệp có nghĩa là lợi ích nhóm ở đấy”, ông Trương Quang Nghĩa - Bí thư Thành ủy kiêm Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng nói tại buổi tiếp xúc cử tri Đà Nẵng.

Đầu tháng 12/2019, tiếp xúc cử tri, ông Trương Quang Nghĩa - Bí thư Thành ủy kiêm Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng - nói: “Bây giờ, mọi thứ phải được rõ ràng từ công tác quy hoạch. Chính quyền không theo đuôi doanh nghiệp, theo đuôi doanh nghiệp có nghĩa là lợi ích nhóm ở đấy”.

Tại sao ông Nghĩa lại đề cập chuyện “chính quyền theo đuôi doanh nghiệp”? Nhìn lại diễn biến trong thời gian qua, sẽ thấy ngay sự “theo đuôi” này. 

Thông báo số 354/TB-TTCP ngày 18/3/2019 của Thanh tra Chính phủ (kết luận thanh tra việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác ở TP.Đà Nẵng) xác định, dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng (Marina Complex) được chính quyền TP.Đà Nẵng giao đất mà không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, vi phạm điều 58 Luật Đất đai năm 2013.

Dự án này cũng chưa kịp thời xác định bổ sung tiền sử dụng đất đối với diện tích đất tăng thêm do điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết dự án. Dự án cũng đã được điều chỉnh 5 lần với rất nhiều nội dung, các lần điều chỉnh đều xuất phát từ đề nghị của chủ đầu tư với mục đích thu lợi cao hơn, cho thấy công tác quản lý nhà nước về quy hoạch của UBND TP.Đà Nẵng còn bị động, chạy theo chủ đầu tư, thậm chí có những bất cập ảnh hưởng đến lợi ích của người dân thành phố.

Dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng với hạng mục lấn cửa sông Hàn đã làm dư luận và các chuyên gia lên tiếng dữ dội đầu năm 2019. Để “giải nguy” khi đã lỡ bổ sung quy hoạch cho doanh nghiệp, chính quyền TP.Đà Nẵng buộc phải điều chỉnh lại phần lấn sông thành một phần công viên và giảm bớt các hạng mục xây dựng tại đây, đồng thời thương lượng để có sự bù đắp khác cho doanh nghiệp. Nhưng dù làm gì, quy hoạch cũng đã bị phá vỡ, dòng sông đã vĩnh viễn bị lấn dòng.

Da Nang  va cau chuyen  'theo duoi  doanh nghiep'  trong quy hoach
Hạng mục lấn sông của dự án Marina Complex vẫn được cho tồn tại và chuyển một phần thành công viên, thực tế thì cửa sông đã bị lấn

Biến mọi chuyện thành sự đã rồi dường như là một “bài” được áp dụng rất nhiều với các dự án trước đây. Tại hội nghị phản biện hai dự án bất động sản và bến du thuyền Marina Complex và Olalani do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Đà Nẵng tổ chức vào tháng 5/2019, kiến trúc sư Hoàng Sừ - nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Quảng Nam - đã tiết lộ một phần về việc này.

Theo ông Hoàng Sừ, quy hoạch chung của TP.Đà Nẵng được Thủ tướng phê duyệt năm 2003 là quy hoạch từ năm 2000-2020. Trong quy hoạch năm 2003, hoàn toàn không có dự án nào được lòi ra mặt sông cả. Tất cả dự án đa phần đều thực hiện rầm rộ từ năm 2005-2012. Đến năm 2013, UBND TP.Đà Nẵng trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, và sự điều chỉnh này đã hợp thức hóa tất cả dự án được triển khai một cách không đúng quy hoạch từ đầu.

Mới đây nhất, tháng 10/2019, Thanh tra Chính phủ đã ra thông báo kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai tại bán đảo Sơn Trà. Kết luận chỉ ra hàng loạt sai phạm của UBND TP.Đà Nẵng. Cũng tại TP.Đà Nẵng, Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) đã thao túng hàng loạt đất vàng và nhà công sản với sự liên quan của hàng loạt quan chức, cán bộ, trong đó có hai cựu chủ tịch Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến. Hiện những người này đã bị bắt.

Sai phạm đất đai, sai phạm quy hoạch khiến hàng loạt quan chức TP.Đà Nẵng dính chàm, làm môi trường hành chính ở đây ngột ngạt trong thời gian dài. Lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng từng nói, việc giải quyết hậu quả của các sai phạm này rất nặng nề và cán bộ nhiều khi không dám tham mưu gì vì sợ sai.

Từ những hậu quả đó, nói với cử tri tại Nhà hát Trưng Vương, ông Trương Quang Nghĩa đã đưa ra một thông điệp về hướng phát triển của thành phố trong tương lai: “Chúng ta thiết kế đô thị xong, sau đó mới làm. Như chúng tôi đã nói hồi đầu năm là mời các doanh nghiệp vào đầu tư các dự án theo quy hoạch của chính quyền thành phố chứ chính quyền thành phố không đi theo các doanh nghiệp, không điều chỉnh quy hoạch của mình theo doanh nghiệp”.

Với một đô thị, quy hoạch chung mang tính khoa học và tầm nhìn lâu dài là xương sống để phát triển bền vững. Quy hoạch manh mún, phục vụ một nhóm lợi ích sẽ gây tổn hại cho cộng đồng và lợi ích chung lâu dài, việc giải quyết hậu quả cũng rất khó khăn. Bài học nhãn tiền đã có, mong rằng chính quyền TP.Đà Nẵng có những thay đổi về quy hoạch để phát triển bền vững, như lời ông Trương Quang Nghĩa đã nói với cử tri.

Hoàng Thanh Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI