Đà Nẵng trước cơn bão

30/07/2020 - 19:22

PNO - Nắng vẫn còn rực rỡ, nhưng cơn áp thấp đầu tiên đang đến, mùa mưa bão miền Trung đang về. Đợt dịch trước, ta có thiên thời, địa lợi, nhân hòa mà vẫn vất vả vô cùng, lần này, không biết bao nhiêu người còn trụ lại.

Tôi thức dậy trong tiếng xôn xao của hàng xóm về những thông tin sáng nay: 13g 30/7, Đà Nẵng - thành phố nơi tôi đang sống - dừng việc kinh doanh tại các cửa hàng ăn uống, giải khát, kể cả bán hàng qua mạng, bán mang về.

Bệnh viện Đà Nẵng chỉ cách khu nhà tôi chừng 400m, cộng thêm thông tin về 8 ca mắc mới, trong đó có 3 ca trong cộng đồng, đặc biệt là ca 456 ở rất gần chúng tôi, chỉ 1km đường chim bay, mọi đề tài của hàng xóm chỉ còn quay quanh việc dịch bệnh đang mất kiểm soát như thế nào. Tiệm tạp hóa/cà phê ở trong hẻm nhà tôi, hôm qua vẫn còn khá đông người ngồi, sáng nay thì vắng lặng, không ai còn tâm tình.

Đường phố Đà Nẵng vắng người - Ảnh: Lê Đình Dũng
Đường phố Đà Nẵng vắng người - Ảnh: Lê Đình Dũng

Ban đầu thì tôi không hiểu tại sao, dịch bệnh leo thang, số điểm nóng tăng lên theo từng bản tin y tế, lẽ nào không ai quan tâm? Nhà hết gạo nên phải ra đường, tôi vẫn nghĩ đường phố chắc vắng lắm. Nhưng không, đông hơn cả ngày thường. 

Không phải vậy. Dịch càng sát sườn, mọi người càng cần chuẩn bị, cho nên, quầy thuốc, tiệm tạp hóa, lò bánh mì, chợ… là điểm đến của rất nhiều người. Không phải ai cũng đủ điều kiện tích trữ từ những ngày trước, nên hôm nay, đành phải “nước tới chân mới nhảy”.

Người lo lắng đương nhiên phải tranh thủ bổ sung lương thực thuốc men, mà người không lo lắng cũng đành phải bổ sung theo, lỡ đâu hết hàng thì sao?

Tiệm gạo tôi hay mua đã đóng cửa. Chủ tiệm bảo tôi để lại số điện thoại với cam kết sẽ giao hàng tận nhà và cam đoan “không thiếu gạo”.

Trước cửa khá đông người, nhiều người bấm số, rồi lắc đầu ái ngại trả lời đám đông đang ngóng chờ. Một số người chạy đến các địa điểm khác, không quên báo cho đám đông đi theo.

Tôi cũng đi vài nơi và may mắn kịp mua 2 bao gạo 10kg ở một tiệm gạo gần khu cách ly. Tiệm khá vắng, chị chủ bảo: “Chị vừa đi mua đồ về, mở cửa vào nhà thì chú vào, chứ mấy nay chị đâu dám bán hàng”.  

Thế này thì không ổn. Dù thành phố thông báo cụ thể về thể thức giãn cách, quy định về bảo hộ, nhưng trong hoàn cảnh này, không ai nhớ cả. Tiệm tạp hóa gần nhà tôi, mọi người đứng rất gần nhau, chờ đợi đến lượt nhận hàng và trả tiền, người tiếp người, chẳng hề có khoảng cách.

Rồi tiệm thuốc cũng vậy, rồi chợ cũng vậy, không người giám sát, ý thức của vài người dân không đủ bảo vệ một đám đông.

Hôm nay phố phường sao mà yên ắng quá. Không một tiếng còi xe, không một lời í ới. Người đến người đi, không quá vội vàng, cũng không chậm rãi.

Tôi biết, đấy không phải là sự bình tĩnh. Phía sau những chiếc khẩu trang, tôi thấy được sự hoang mang trong mắt từng người. Ai cũng đang kiềm chế, ai cũng đang giữ gìn, vì dù sao, sinh hoạt vẫn phải tiếp tục. Hy sinh một phần cái riêng để bảo toàn cái chung, ở một chừng mực nhất định thì ai cũng hiểu, ai cũng làm được.

Chỉ là, tôi tự hỏi, sáng nay chính quyền Đà Nẵng đang làm gì vậy? Với sinh hoạt đột biến lần này, chẳng may có ai đó bị nhiễm mà không biết, thì những tiệm thuốc, tạp hóa, chợ này sẽ là những ổ dịch tiềm năng mới. Rồi làm sao duy trì sinh hoạt tối thiểu một khi các nguồn cung ứng này cũng bị phong tỏa vì “có ca dương tính mới”?

Thật khó thực hiện giãn cách ở những nơi như thế này, trong thời điểm như thế này
Thật khó thực hiện giãn cách ở những nơi như thế này, trong thời điểm như thế này

Tôi biết, các ban ngành của thành phố đang rất bận rộn trước diễn biến dịch ngày càng phức tạp. Chính tôi vốn định đánh dấu các điểm “nguy hiểm” trên bản đồ, nhưng đánh dấu để làm gì khi quanh khu vực tôi ở đều đã “đỏ”.

Thiết nghĩ rằng trong tình hình hiện tại, nên chăng chính quyền cần phân bố lại nguồn lực, cập nhật phương án phòng chống phù hợp với diễn tiến dịch, vì đã quá muộn để khoanh vùng, cô lập bộ phận ở Đà Nẵng.

Nắng vẫn còn rực rỡ, nhưng cơn áp thấp đầu tiên đang đến, mùa mưa bão miền Trung đang về. Đợt dịch trước, ta có thiên thời, địa lợi, nhân hòa mà vẫn vất vả vô cùng, lần này, không biết bao nhiêu người còn trụ lại.

Thường Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI