Cấp 4 là mức cảnh báo nguy cơ rất lớn, được đưa ra trong trường hợp dự báo lượng mưa 200-400mm trong 24 giờ kéo dài trên 4 ngày ở khu vực trung du, vùng núi trong phạm vi nhiều tỉnh khác nhau.
Ngoài ra, mức độ rủi ro thiên tai này cũng được áp dụng trong trường hợp dự báo lượng mưa trên 400mm trong 24 giờ, kéo dài từ trên 2 ngày ở trung du, vùng núi hoặc kéo dài trên 4 ngày ở khu vực đồng bằng, ven biển trong phạm vi nhiều tỉnh khác nhau.
|
Nhiều địa phương vùng trũng Thừa Thiên - Huế hiện còn ngập nặng |
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, ông Đặng Văn Hòa - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đến sáng 14/10 trên địa bàn vẫn còn một số tuyến đường bị ngập từ 0,3-0,5cm, gây chia cắt cục bộ. Các hồ đập vẫn đang được theo dõi sát sao và đảm bảo an toàn. "Dự báo mưa lớn ở Huế vẫn còn kéo dài trong nhiều ngày. Chúng tôi vẫn đang theo dõi sát tình hình thực tế để có cảnh báo, phát lệnh cho các địa phương thực hiện di dời dân cư đến nơi an toàn", ông Hòa nói.
|
Cứu sống 2 mẹ con ở xã Quảng Phước (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) khi đi qua vùng ngập nước nguy hiểm |
Để ứng phó với phương án cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) đã lên phương án để tổ chức di dời 15 hộ, 21 khẩu ở xã Phong Hiền dân ở vùng thôn thấp trũng, cô lập đến nơi an toàn; ngoài bố trí các lực lượng và lực lượng xung kích cũng như phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khí có các tình huống xảy ra. Bên cạnh đó chủ động như lương thực, nhu yếu phẩm như mì tôm, nước uống... chuyển về các thôn vùng thấp trũng, cô lập như Ma nê xã Phong Chương và thôn Tân Bình, thôn Vân Trình, thôn Đông Phú xã Phong Bình.
|
Ông Đoàn Kỳ Côi - Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Phong Điền kiểm tra vùng thấp trũng các xã Phong Bình, Phong Hòa, Phong Chương huyện Phong Điền |
Ông Đoàn Kỳ Côi - Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Phong Điền cho biết, mưa lớn sẽ kéo dài và gây ngập lụt trong nhiều ngày đặc biệt là vùng thấp trũng xã Phong Bình, Phong Chương do đó đề nghị địa phương chủ động ứng phó với phương châm "4 tại chỗ", lên phương án tổ chức di dời các hộ dân ở các vùng thôn thấp trũng, cô lập lên cao, trong đó chú trọng các công trình nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú vừa được đưa vào sử dụng tại thôn Phú Lộc (xã Phong Chương) và thôn Đông Phú (xã Phong Bình) tại chỗ đảm bảo an toàn tính mạng.
|
Sạt lở bờ biển uy hiếp cuộc sống của người dân xã Phú Diên huyện Phú Vang |
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia dự báo từ ngày 13 đến ngày 14/10 tại khu vực Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng có khả năng cao sẽ xảy ra một đợt mưa lớn, tổng lượng mưa cả đợt phố biến từ 200-400mm, có nơi trên 700mm; giai đoạn từ ngày 15/10 đến ngày 16/10 có mưa lớn 150-300mm, có nơi trên 500mm; sau ngày 17/10 mưa lớn ở miền Trung còn kéo dài và có diễn biến phức tạp.
Để chủ động ứng phó cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 ông Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và TP Huế khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại ven sông, suối, ven biển, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn; kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng (chú ý các đối tượng dễ bị tổn thương, phụ nữ đang mang thai, người già yếu,…). Nhất là những hộ dân sinh sống ở khu vực đồi núi, khu vực có nguy cơ sạt lở cao như: A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc; các hộ dân ven sông Hương, sông Bồ.
Phân công lực lượng cảnh giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở, ngập lụt; cảnh giới, hướng dẫn phương tiện giao thông tại các ngầm, tràn khi xảy ra lũ lụt; quản lý chặt chẽ các ghe, thuyền bãi ngang ven biển, đầm phá và trên các sông; nghiêm cấm người dân đi vào rừng khi có mưa lũ. Kiểm tra công tác chuẩn bị, triển khai phương án ứng phó mưa lũ tại cấp xã theo phương châm 4 tại chỗ “ Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Phương tiện, vật tư tại chỗ; Hậu cần tại chỗ”.
|
Lực lượng vũ trang TP Đà Nẵng nỗ lực cứu người trong đêm |
Tại TP Đà Nẵng để chủ động lên phương án cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 trong những ngày tới Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị các địa phương, đơn vị, lực lượng vũ trang tập trung sơ tán nhân dân ở các khu vực bị ngập sâu đến nơi cao ráo, an toàn.
|
Người dân cùng chính quyền địa phương quận Liên Chiểu TP Đà Nẵng giúp dân di chuyển đồ đạc lên cao để tránh lũ |
Đồng thời, bảo đảm các điều kiện sinh hoạt thiết yếu, nhu yếu phẩm cho nhân dân. Các lực lượng chức năng khẩn trương rào chắn, quyết liệt ngăn chặn, không cho người dân, nhất là trẻ em đi lại ở các đoạn đường, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết để bảo đảm an toàn, tránh sa vào các hố sâu cũng như xảy ra tai nạn đáng tiếc.
|
Lực lượng vũ trang TP Đà Nẵng triển khai ứng cứu giúp đỡ người dân bị ngập lụt trong tối 13/10 |
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cũng lưu ý các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện các giải pháp xử lý thoát nước, chống ngập úng để nước nhanh rút, giảm ngập. Cùng với đó, theo dõi các điểm ngập để đề xuất giải pháp xử lý tổng thể. Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh lưu ý các đơn vị và địa phương về công tác chống ngập, đảm bảo an toàn cho nhân dân tại các khu ngập sâu trước tình hình mưa lớn dự báo còn kéo dài.
|
Lãnh đạo TP Đà Nẵng kiểm tra công tác PCLB, giúp dân vùng lũ tại địa phương |
Trước dự báo còn mưa lớn, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - yêu cầu các quận huyện tiếp tục duy trì số lượng người dân đã sơ tán, đồng thời mở rộng hơn nữa. Người dân nào chưa sơ tán thì phải đi trước 16 giờ hôm nay (14/10). Ông Chinh giao Chủ tịch UBND quận huyện điều hành tổng chỉ huy các lực lượng trên địa bàn như quân đội, công an, các đội “cứu hộ 0 đồng”. Đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự TP điều lực lượng đóng tại các điểm then chốt như Khe Cạn, Mẹ Suốt, Nguyễn Nhàn trước 16 giờ. Yêu cầu Sở Du lịch huy động 50 cán bộ thuộc lực lượng cứu hộ cứu nạn của sở trước 16 giờ lên các quận Cẩm Lệ, Thanh Khê, Hải Châu, Liên Chiểu. Tuyệt đối không cho phép lặp lại tình trạng bị động trong ứng phó như đợt mưa lịch sử ngày 14/10/2022. Bộ Chỉ huy Quân sự TP đã điều động 433 cán bộ chiến sĩ (CBCS) ứng trực tại các địa bàn trọng điểm về ngập lụt.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng đã điều động 200 lượt CBCS hỗ trợ công tác khắc phục tại khu vực biên giới biển, các điểm sạt lở đường đèo Hải Vân. Công an TP Đà Nẵng cũng huy động 100% quân số ứng trực với hơn 4.000 cán bộ chiến sĩ. Qua đó đã hỗ trợ sơ tán dân, di dời tài sản tại đường Mẹ Suốt, Hoàng Văn Thái, ứng cứu người dân tại các khu vực ngập sâu. Hiện toàn TP Đà Nẵng có 11 vị trí ngập từ 1m trở lên. Cụ thể là năm vị trí tại phường Hòa Minh, 6 vị trí tại phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu). Tại huyện Hòa Vang có 381 hộ bị ngập.
Tính đến 9g30 ngày 14/10, có 3.763 người dân được sơ tán đến nơi an toàn. Phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) nhiều nhất với 3.190 người được sơ tán. Về thiệt hại, ghi nhận ban đầu có 9,5ha rau màu bị ngập. Một điểm sạt lở tại Km905 đường đèo Hải Vân.
Thuận Hóa- Lê Đình Dũng