Đà Nẵng: Sao phải lên kịch bản ứng phó kiện cáo?

26/04/2019 - 07:08

PNO - Nhìn vào những diễn biến trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cho rằng, họ lệ thuộc hên xui khi đầu tư vào TP.Đà Nẵng, vì chính quyền “nay đúng mai sai, hết sai lại đúng”.

Tại TP.Đà Nẵng, sự bất nhất trong điều hành của chính quyền khiến không ít doanh nghiệp lao đao. Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Đà Nẵng cho biết, đã đề ra nhiều phương án xử lý, trong đó có cả việc xây dựng kịch bản ứng phó với tình huống bị doanh nghiệp kiện.

Hiện nhiều doanh nghiệp tại TP.Đà Nẵng đang hoạt động lay lắt, bởi 10 năm trước, họ được lãnh đạo thành phố mời gọi đầu tư, nhưng bây giờ, cũng chính lãnh đạo thành phố “làm khó” họ. Đơn cử, hai nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc từng được chính quyền duyệt cho xây ngay sát khu dân cư, nhưng khi người dân phản đối ô nhiễm, chính quyền lại tuýt còi.

Da Nang: Sao phai len kich ban ung pho kien cao?
Người dân trong nhiều năm liền bao vây phản đối nhà máy thép gây ô nhiễm

Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Đà Nẵng - thông tin: ngày 22/11/2018, UBND TP.Đà Nẵng ra hai quyết định xử phạt hai nhà máy trên, chủ yếu về môi trường, không thực hiện đúng báo cáo tác động môi trường (ĐTM), thiếu phương án xử lý chất thải nguy hại. Theo đó, nhà máy thép Dana Úc bị phạt 740 triệu đồng, nhà máy Dana Ý bị phạt 400 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động trong 6 tháng. 

“Qua kiểm tra, hai nhà máy này chấp hành nghiêm túc quyết định tạm dừng hoạt động. Họ vẫn chưa nộp tiền xử phạt” - ông Hùng nói và cho biết thêm, sở đang xây dựng kịch bản ứng phó, kể cả tình huống khởi kiện của doanh nghiệp. 

Cũng ở TP.Đà Nẵng, có một thời, chính quyền thành phố cấp đất vô tội vạ, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều trường hợp cấp sai thời hạn sử dụng đất, tính thiếu khoản tiền thu hồi, thu hồi tiền giảm 10%... Theo kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ, có khoảng 20 dự án bị cấp phép sai. Doanh nghiệp bị liên lụy khi lãnh đạo chính quyền đương nhiệm xử lý hậu quả của những người tiền nhiệm. Nhưng đất đã cấp, tiền đã thu, bây giờ xử lý, họ kiện ra tòa, ai “phơi trắng bụng”, biết liền.

Dọc con sông Hàn, ngay trung tâm TP.Đà Nẵng, cũng tồn tại những chuyện chướng tai gai mắt, khiến dân xì xầm. Dự án bến du thuyền trên sông Hàn của Vũ “nhôm” án ngữ trước thành Điện Hải, được chính quyền thành phố này cấp phép xây dựng. Sau khi Vũ bị bắt mới lòi ra sai phạm của dự án. Mới đây, khi dự án Marina Complex bị dư luận phản ứng dữ dội vì lấp cửa sông Hàn, giới chức TP.Đà Nẵng bèn cho tạm dừng dự án để rà soát lại và lấy ý kiến phản biện. Nhưng động thái này là thực hiện theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Đà Nẵng chứ không phải do UBND TP.Đà Nẵng chủ động thực hiện. 

Da Nang: Sao phai len kich ban ung pho kien cao?
Dự án của tập đoàn Sun Group đang triển khai phía trên dự án Marina Complex nhìn xéo qua trung tâm hành chính Đà Nẵng

Ngay tại cuộc họp báo được tổ chức ngày 24/4 mới đây, khi được hỏi “hiện có bao nhiêu dự án lấn sông Hàn”, ông Đặng Việt Dũng - Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - nói “không trả lời được vì đang rà soát”. Con sông Hàn rất ngắn, ngồi trên tòa nhà hành chính TP.Đà Nẵng, có thể nhìn hết con sông này; muốn lấn, không phải dễ, phải tầm dự án của Vũ “nhôm” hay Sun Group họa may. Vậy mà có bao nhiêu dự án, lãnh đạo cấp cao của thành phố không nói được!

Lãnh đạo cấp cao nói không được, nên không khó hiểu khi chúng tôi gửi câu hỏi phỏng vấn Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng về các dự án trên sông Hàn mà hết tuần này qua tuần khác vẫn bặt vô âm tín.

Và nhiều dự án, công trình khác tại Đà Nẵng cũng tương tự. Ngay với việc mở lối xuống biển dọc các khu resort, thật khó để dùng quyền lực nhà nước cưỡng chế khi mà chính quyền trước đây đã quyết định giao đất cho doanh nghiệp bằng giấy trắng mực đen. Nếu làm quá, doanh nghiệp buộc phải kiện ra tòa, thậm chí là tòa án quốc tế.

Nhìn vào những diễn biến trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cho rằng, họ lệ thuộc hên xui khi đầu tư vào TP.Đà Nẵng, vì chính quyền “nay đúng mai sai, hết sai lại đúng”.

Chính ông Đặng Việt Dũng phải thừa nhận trước báo giới: “Thời gian vừa qua, Đà Nẵng phát triển tốt, mức sống người dân tăng nhưng trong quá trình làm, có cả sai sót, khuyết điểm, thậm chí là vi phạm pháp luật. Vừa rồi có nhiều chuyện đau lòng của thành phố nhưng do tồn tại từ trước và phải qua một giai đoạn phát triển mới nhận thấy được nên phải rà soát lại. Nhiều chỉ đạo của UBND thành phố không được nhanh, như lối xuống biển chẳng hạn, cần cân đối hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, người dân và chính sách pháp luật nữa. Phải làm sao đó để phát triển bền vững, mang lại lợi ích cộng đồng, từng bước điều chỉnh lại những cái trước đây làm chưa phù hợp, đảm bảo điều kiện sống của người dân ngày càng tốt hơn”. 

Chính quyền TP.Đà Nẵng luôn kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào địa phương này, nhưng với việc lên kịch bản ứng phó như tiết lộ của ông giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, nhà đầu tư không khỏi giật mình. Nếu chính quyền đường hoàng làm đúng theo hiến pháp và pháp luật, sẽ không có chuyện nay đúng mai sai; nếu không có vun vén lợi ích nhóm thì không có chuyện cả dàn lãnh đạo thành phố bị khởi tố và bắt giam như vừa rồi. 

Hoàng Thanh Nhân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI