Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng vừa ban hành công văn yêu cầu các ban ngành thực hiện các giải pháp phòng, chống mưa lớn, ngập lụt trên địa bàn thành phố.
Theo đó, từ cuối tháng 9/2022 đến nay, thành phố chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4, bão số 5 và 2 đợt mưa, lũ lớn trong tháng 10 đã gây ra nhiều thiệt hại đối với thành phố.
Đặc biệt là trận mưa, lũ, ngập lụt diễn ra vào ngày 14 và 15/10 làm 52/56 phường, xã thuộc 7 quận, huyện và hầu hết các tuyến đường đều bị ngập, nhiều tầng hầm, một số trụ sở công trình quan trọng của nhà nước, doanh nghiệp và nhà dân ngập sâu từ 0,5- 1m, có nơi ngập sâu đến 2m.
|
Ngập lụt diện rộng đêm 14/10 gây thiệt hại về người và tài sản rất lớn cho người dân Đà Nẵng |
Để chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt trên địa bàn thành phố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng đề nghị Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương rà soát lại phương án chống ngập đô thị, nhất là khu vực trung tâm thành phố cho phù hợp hơn với thực tiễn hạ tầng, đô thị của thành phố.
Cụ thể, Sở Xây dựng tổ chức khảo sát, xác định cụ thể, các vị trí, điểm ngập, độ sâu ngập, thời gian ngập tại các khu vực, khu dân cư trong trận mưa lịch sử ngày 14/10/2022; cần đánh giá mức độ ngập và khả năng chịu đựng tối đa của các khu dân cư, khu vực trũng thấp đối với từng trận mưa để hoàn thiện phương án ứng phó.
Đồng thời, đánh giá lại tổng thể hiện trạng, quy hoạch hệ thống thoát nước, tiêu thoát lũ của thành phố và các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình thoát nước, trong đó khẩn trương tiến hành khảo sát toàn bộ các bất cập hiện nay về hệ thống cống thoát nước, đặc biệt tại khu vực đô thị cũ (khẩu độ cống khớp nối, cửa thu nước…) và đề xuất phương án cải tạo phù hợp.
Rà soát tình hình vận hành các trạm bơm chống ngập, nêu rõ các hạn chế hiện nay (nếu có) và đề xuất giải pháp phù hợp để tăng cường khả năng thoát nước, chống ngập khu vực đô thị, trung tâm thành phố; nghiên cứu giải pháp tổng thể chống ngập trước mắt và lâu dài như: đầu tư nâng cấp hệ thống công trình thoát cũ và xây dựng mới hệ thống thoát nước cống, trạm bơm, tuyến tiêu thoát nước, nghiên cứu đầu tư mới, mở rộng các hồ điều tiết, tích trữ nước khu vực đô thị và nông thôn.
Sở Xây dựng lưu ý, trong quá trình thẩm định các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt trong thời gian tới theo hướng ưu tiên dành quỹ đất để bố trí hành lang thoát lũ; hình thành các hồ điều hòa và tăng diện tích hành lang xanh, mảng xanh đô thị; hạn chế tối đa việc bê tông hóa nếu không thật sự cần thiết và lựa chọn chu kì lặp lại trận mưa tính toán cao hơn (tần suất mưa lớn) trong đồ án quy hoạch cao độ nền và thoát nước mưa và các dự án mới.
|
Nhiều khu đô thị ở Đà Nẵng được điều chỉnh quy hoạch cho các vệt biệt thự ôm sát bờ sông |
|
Một dự án lấn sông Hàn đang được chạy quảng cáo trên mạng |
Giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các địa phương rà soát các công trình giao thông, khu đô thị, dân cư lấn sông, lấn chiếm hành lang thoát lũ, chắn ngang các tuyến thoát lũ để có giải pháp khắc phục, như: đường ADB5 Hòa Tiến - Hòa Phong, đường vành đai phía nam Hòa Phước - Hòa Khương, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường vành đai phía tây...
UBND các quận, huyện phối hợp với Sở Xây dựng, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố cùng các ngành, đơn vị rà soát kỹ lại phương án phòng chống thiên tai nói chung và ngập lụt đô thị, ngập lũ ven sông nói riêng để hoàn thiện phương án của địa phương và phương án tổng thể của thành phố.
Trong đó, tổ chức đánh dấu vết lũ (mực nước ngập cao nhất), nghiên cứu khoanh vùng và lập bản đồ vùng ngập thấp trũng để cập nhật vào phương án ứng phó của địa phương; bổ sung các khu vực ngập và các điểm ngập mới vào phương án, lưu ý các khu vực trũng thấp, khu nhà liền kề, quy hoạch “treo” chờ giải tỏa.
Các địa phương cũng được yêu cầu lập danh sách và số điện thoại người dân vùng thấp trũng để cảnh báo sớm khi có tin cảnh báo mưa, lũ; lập danh sách và công bố rộng rãi số điện thoại cứu hộ cứu nạn của các cấp địa phương và lực lượng vũ trang; rà soát phương án hiệp đồng, phối hợp giữa các lực lượng của địa phương và lực lượng vũ trang thành phố, phân công nhiệm vụ, địa bàn cụ thể để chủ động, kịp thời tổ chức triển khai phòng chống thiên tai, sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có thiên tai xảy ra.
Đồng thời trang bị, cấp phát thiết bị cứu hộ, cứu nạn cho các lực lượng vũ trang và lực lượng tại cơ sở đảm bảo theo phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm lực lượng túc trực và hỗ trợ người dân; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xây dựng trên địa bàn, xử lý nghiêm trường hợp đổ chất thải xây dựng vào hệ thống thoát nước...
Các đơn vị lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện, các sở, ngành kiểm tra, rà soát, báo cáo các khu vực đã sạt lở và có nguy cơ sạt lở, đồng thời rà soát các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các đơn vị, tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, đồi núi, lũ quét, chủ động sơ tán đến nơi an toàn...
Lê Đình Dũng