Hôm nay, 10/9, TP. Đà Nẵng ghi nhận 30 ca mắc COVID-19, trong đó có 4 ca cộng đồng. Hiện, ngành y tế Đà Nẵng đánh giá dịch COVID-19 vẫn đang trong giai đoạn nguy cơ.
Do đó, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho rằng thành phố phải vừa chống dịch vừa chống bão để giữ an toàn tính mạng người dân; bởi nếu không phòng chống dịch tốt thì sẽ bùng phát lại, rất nguy hiểm.
Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng cho hay nếu bão số 5 đổ bộ vào Đà Nẵng sẽ ảnh hưởng đến cảng Tiên Sa, âu thuyền Thọ Quang và các quận ven biển. Các hồ đập, vùng sạt lở và nguy cơ sạt lở tại huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ cũng sẽ chịu ảnh hưởng mạnh của bão. “Các quận, huyện cần chủ động lên phương án, kịch bản để di dân đến nơi an toàn”, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu.
Trong đó, những vùng xanh cần chủ động trong việc di dân. Khi cần di dân, các địa phương làm việc với ngành y tế để có biện pháp phòng chống dịch kèm theo. Còn ở các vùng đỏ, cách ly tuyệt đối thì địa phương phải đảm bảo công tác phòng chống dịch và an toàn trong mưa bão.
|
Các phường ven biển hỗ trợ ngư dân đưa ghe, thuyền thúng lên bờ |
Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cũng yêu cầu sáu tiếng trước và sau khi bão đổ bộ, các chốt kiểm soát dịch không cử lực lượng trực chốt mà di chuyển vào các vị trí an toàn. Đối với các chốt kiểm soát cửa ngõ của thành phố, ông Minh đề nghị công an, các địa phương liên hệ Sở GTVT để mượn xe buýt hoặc container đặt ở các vị trí này để có nơi kiểm soát đảm bảo an toàn. Tất cả những công việc này phải hoàn thành trước 9g sáng mai (11/9).
Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng cũng chỉ đạo Sở Xây dựng lưu ý cấp phép cho các đơn vị quản lý cây xanh, thoát nước, công trình xây dựng… để người lao động ra đường xử lý công việc chống bão.
Sở GTVT chỉ đạo các đơn vị quản lý đảm bảo an toàn tại các công trình giao thông, cầu cống. Sở NN-PTNT đảm bảo an toàn tại âu thuyền Thọ Quang và tàu thuyền trên sông.
Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho hay khả năng cao bão sẽ ảnh hưởng khu vực ven biển Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng. Các ngành, địa phương cần triển khai ngay nhiệm vụ chống bão số 5, đăng ký ngay số lượng người cần ra đường. “Vì công tác phòng chống thiên tai phải ưu tiên đảm bảo số lượng người ra đường nhằm xử lý, không gây ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp”.
|
Dân quân, dân phòng hỗ trợ ngư dân đưa tài sản lên bờ |
Trong ngày 10/9, Đà Nẵng đã bắt đầu có mưa, gió nhẹ. Lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng ở các phường ven biển đã được huy động hỗ trợ ngư dân kéo thuyền thúng lên bờ; việc sơ tán tài sản của ngư dân tiến hành khẩn trương. Ông Hồ Nhơn (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho hay, sáng nay ông được các chốt kiểm soát tạo điều kiện để ra biển thu dọn thuyền thúng, mua các vật dụng chèn chống nhà cửa trước bão. Vừa ra biển, ông được lực lượng dân phòng, dân quân hỗ trợ nhiệt tình.
Một số thuyền thúng lớn đang neo đậu ngoài biển được kêu gọi vào cầu cảng của Trạm biên phòng K15 (Bộ đội Biên phòng TP. Đà Nẵng) để tránh trú bão. Phường Thọ Quang hiện có hơn 500 tàu, thuyền các loại; địa phương tạo điều kiện để người dân ra ngoài sơ tán tài sản tránh bão theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo thành phố.
|
Người dân khẩn trương chèn chống nhà cửa |
Tại tuyến đường ven biển Võ Nguyên Giáp, người dân khẩn trương dùng sắt, thép, thanh gỗ chèn chống cửa kính, chuẩn bị nhiều bao cát gia cố mái nhà. Ông Trần Thắng Lợi - Bí thư Quận ủy Sơn Trà - cho biết, năm nào ngư dân cũng phải phòng, chống bão nên địa phương đã có sự chủ động hỗ trợ với phương châm “4 tại chỗ”, nỗ lực bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp.
“Sơn Trà có đến 6 phường là vùng xanh nên công tác phòng chống bão của người dân có phần thuận lợi hơn những địa phương khác”, Bí thư Quận ủy Sơn Trà cho hay.
|
Nông dân huyện Hòa Vang gặt lúa chạy bão |
Tại các xã Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) từ sáng sớm, nông dân mang theo bao ra đồng gấp rút thu hoạch lúa. Chị Nguyễn Thị Loan (ngụ thôn La Bông, xã Hòa Tiến) cho biết: “Gia đình tôi trồng hơn 4ha lúa, hiện nay còn 1,5ha chưa thu hoạch. Ngày hôm nay chúng tôi khẩn trương thuê máy để gặt lúa”.
Ông Lê Đình Ca, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hòa Vang, cho biết trên địa bàn còn hơn 200ha lúa vào vụ thu hoạch. Các địa phương đang huy động phương tiện để gặt lúa.
Trong diễn biến khác, ông Nguyễn Thúc Dũng - Phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang - cho hay huyện đã chỉ đạo xã Hòa Bắc đưa gần 100 lao động đang ở trong rừng tràm đến nơi an toàn để tránh bão. “Những người này đang được xã Hòa Bắc vận động, đưa đến các trường học để tránh bão”, ông Dũng thông tin.
Theo ông Thái Văn Hoài Nam - Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), qua thống kê, có 97 người vẫn đang ở trong rừng thuộc địa bàn xã. Những người này là đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương như Quảng Ngãi, Kon Tum, Nghệ An... đến làm thuê cho các chủ rừng trồng tràm. Họ bị mắc kẹt trong rừng từ khi TP thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19.
Thời gian qua, chính quyền xã Hòa Bắc đã hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho nhóm người này. Hiện, có 59/97 người xin được về quê, UBND xã Hòa Bắc đã có văn bản báo cáo UBND huyện Hòa Vang kiến nghị TP có phương án hỗ trợ.
|
Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 của tỉnh Quảng Ngãi, cơ sở 1 sẵn sàng đảm bảo an toàn cho bệnh nhân mắc COVID-19 - Ảnh: Thanh Vạn |
Tại Quảng Ngãi, chiều 10/9, bác sĩ Võ Hùng Viễn, Giám đốc Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 của tỉnh Quảng Ngãi (cơ sở 1) cho hay, cơ sở điều trị khá kiên cố, 5 tầng, có khả năng đảm bảo an toàn cho 162 bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị tại đây. Tuy nhiên, nếu trường hợp ảnh hưởng bão số 5 quá mạnh, phải di dời bệnh nhân, bệnh viện sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch.
Bác sĩ Cao Phúc, Phó giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi - nơi điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 thứ 2 của tỉnh Quảng Ngãi cho biết bệnh viện đã tổ chức triển khai, kiểm tra, đôn đốc các biện pháp thực hiện phòng, chống bão số 5 thuộc phạm vi quản lý được giao như chủ động chèn chống, gia cố các cửa ra vào, cửa sổ, bảo vệ máy móc thiết bị, vật tư, tài liệu… Bệnh viện hiện đang điều trị cho 36 bệnh nhân mắc COVID-19 có triệu chứng nặng, phải theo dõi sát, chăm sóc tích cực.
Hơn 16.000 người dân xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi) đang thực hiện nghiêm giãn cách xã hội "ai ở đâu, ở yên đó". "Nếu trường hợp ảnh hưởng bão số 5 quá mạnh thì chính quyền sẽ sơ tán người dân đến nơi tránh trú an toàn, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch COVID-19", Chủ tịch UBND xã Nghĩa An nói.
|
Hơn 16.000 người dân vùng đỏ Nghĩa An đang "ai ở đâu ở yên đó" sẽ được sơ tán khi ảnh hưởng bão số 5 quá mạnh nhưng đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: Thanh Vạn |
Ông Võ Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn - một huyện ven biển của tỉnh Quảng Ngãi thông tin: Chính quyền huyện đã khảo sát các khu cách ly, phong tỏa, chưa cần thiết phải di dời người dân ở khu vực này. Đồng thời, huyện cũng đã kiểm tra thực tế công tác phòng, chống lụt, bão tại các xã Bình Đông, Bình Hải... Tuy nhiên, phương án ứng phó là phải di dời người dân khi tình hình bão số 5 phức tạp hơn. Huyện đang xây dựng phương án di dời tránh bão nhưng bảo đảm nguyên tắc phòng chống dịch COVID-19.
Đến 15g ngày 10/9, Quảng Ngãi ghi nhận 18 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 11 ca mắc ở xã Nghĩa An, đã được cách ly tập trung, nâng tổng số ca mắc lên 907.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 5, hàng trăm tàu thuyền, ngư dân trong tỉnh đang hoạt động trên các ngư trường Hoàng Sa, Đà Nẵng, Quảng Nam và vùng biển Quảng Ngãi khẩn trương vào tránh trú, neo đậu tại huyện Bình Sơn.
Phú Yên: Ổ dịch COVID-19 còn lại ở TP. Tuy Hòa được kiểm soát
Ngày 10/9, ông Huỳnh Lữ Tân – Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, cho biết tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Tuy Hòa đã được khống chế.
Dự kiến đến 12/9, tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, TP. kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên cho áp dụng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 trên toàn địa bàn.
|
Lực lượng chức năng nhắc nhở người dân trong khu phong tỏa phường Phú Thạnh thực hiện các quy định phòng dịch. |
Tính đến ngày 10/9, địa phương duy nhất của tỉnh Phú Yên còn trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 ngoài cộng đồng là phường Phú Thạnh (TP. Tuy Hòa). Đây là địa phương duy nhất của tỉnh Phú Yên còn ổ dịch COVID-19 ngoài cộng đồng. Tại đây vào ngày 8/9, ghi nhận 6 F0 liên quan đến một gia đình, đã tiến hành phong tỏa 49 hộ với 153 nhân khẩu. Qua truy vết và điều tra dịch tễ đã xác định được 22 F1 và đưa đi cách ly tập trung theo quy định.
|
Kiểm soát người ra vào phường Phú Thạnh, TP. Tuy Hòa |
Ông Trương Anh Dũng – Chủ tịch UBND phường Phú Thạnh (TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), cho biết khi có chùm F0 mới, địa phương đã tổ chức các tổ tuần tra, lập các chốt kiểm soát ở vị trí phù hợp. Chính quyền cũng vận động người dân chấp hành tốt các quy định để nỗ lực phòng chống dịch.
Ngoài phường Phú Thạnh có các trường hợp F0 ngoài cộng đồng, TP. Tuy Hòa còn 18 khu phong tỏa với hơn 3.940 nhân khẩu. Các khu vực này đã được kiểm soát dịch COVID-19. Bên cạnh đó, hiện có 310 người là F1 đang cách ly tập trung và 122 người F1 đang cách ly tại nhà. Qua đánh giá mức độ kiểm soát dịch COVID-19, TP Tuy Hòa đã đạt 4/7 tiêu chí, trong đó có 6/16 xã, phường đạt trạng thái “bình thường mới”.
Ngày 10/9 Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên, cho biết từ 19g ngày 9/9 đến 8g ngày 10/9, tỉnh này không có ca nhiễm mới SARS-CoV-2.
|
Chốt vùng xanh ở TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên |
Đến nay, trong đợt dịch thứ tư, Phú Yên đã ghi nhận 2.837 ca nhiễm SARS-CoV-2.
|
Lê Đình Dũng - Thanh Vạn - Út Nam