Đà Nẵng: Người dân cần xác định sống chung với ngập lụt

10/11/2022 - 14:54

PNO - Giới chức Đà Nẵng cho rằng, ngoài các giải pháp chống ngập của chính quyền thì người dân thành phố cần xác định phải sống chung với ngập úng.

Sáng 10/11, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP. Đà Nẵng tổ chức chương trình HĐND với cử tri lần thứ 3 do Thường trực HĐND thành phố tổ chức.

Rất nhiều cử tri chất vấn chính quyền thành phố về tình trạng ngập úng đô thị ngày càng diễn biến phức tạp, đồng thời yêu cầu đề ra giải pháp trong ngắn hạn và lâu dài. Đặc biệt, sau đợt ngập lịch sử ngày 14/10 và đợt ngập kế tiếp ngày 25/10, người dân ngày càng quan ngại về năng lực xử lý thoát nước của thành phố.

 

Đà Nẵng ngập sau 1 trận mưa, xe đặc chủng ra đường cứu dân

 Cử tri Trần Vĩnh Thái, phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu), cho biết hiện tại khu vực trung tâm thành phố có rất nhiều hố ga, cống thoát nước đang bị rác thải, xà bần… làm tắc nghẽn khiến nhiều khu vực ngập úng. Người dân kiến nghị cần công khai và có kế hoạch quét mương cống hàng năm. Qua đó, nhân dân biết và giám sát các hệ thống và thực hiện, phát huy hệ thống cống trong mùa mưa lũ

Cử tri Bùi Xuân Sơn (phường Hòa Khê, quận Thanh Khê), đặt câu hỏi TP đã có phương án, kế hoạch "sống chung" với úng ngập lâu dài chưa. Qua đó, ông Sơn đề nghị TP nghiên cứu phương án nâng cấp tuyến cống, nạo vét mương cống để thoát nước nhanh.

"Tôi nhận thấy có những tuyến đường khi mưa lớn thì nước chảy trên đường chứ không chảy xuống cống. Chúng tôi đề nghị cần kiểm tra, nạo vét thường xuyên và định kỳ chứ không chờ úng ngập mới làm… Ngoài ra, cần xây dựng thêm các trạm thoát nước ngập úng cục bộ, trang bị các thiết bị chuyên dụng để ứng phó trong mùa mưa bão…", ông Sơn nói.

Đà Nẵng đợt ngập lụt lịch sử ngày 14/10/2022
Đà Nẵng trong đợt ngập lụt lịch sử ngày 14/10/2022

Nhận định về thực trạng này, ông Nguyễn Thành Tiến - Trưởng ban Đô thị, HĐND TP.Đà Nẵng - cho rằng, ngoài các tồn tại đã được rà soát như việc nạo vét chưa đồng bộ, mưa lũ lịch sử… thì thiết kế hệ thống trạm bơm chống ngập của thành phố có vấn đề. Đơn cử như thiết kế tủ điện ngay ở vị trí ngập, đến khi ngập thì hệ thống điện bị tê liệt. Điển hình là hầm chui Điện Biên Phủ liên tục bị ngập khi mưa lớn.

Hệ thống thoát nước thành phố về lâu dài đã có những tuyến quá tải. Ông Tiến kiến nghị cần phân lưu thoát nước qua các tuyến kênh cho phù hợp.

Ở khu vực trung tâm Đà Nẵng, ông Tiến cho rằng: “Phải xác định sống chung chứ trong khu vực trung tâm không thể nâng lên được nữa”.

Ông Phùng Phú Phong - Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng - đồng ý việc công khai kế hoạch nạo vét các hệ thống thoát nước quận huyện hằng năm. Hiện toàn TP.Đà Nẵng có hệ thống mương thoát nước dài 1.800km, trong đó 30km mương hở. Sở Xây dựng sẽ công khai để cử tri giám sát việc nạo vét. Đồng thời hoàn chỉnh quy trình thực hiện và giám sát vấn đề thoát nước.

Về giải pháp, ông Phong cho rằng, trước mắt sẽ tạm thời tập trung nạo vét gắn liền giám sát của khu dân cư, khẩn trương khảo sát toàn bộ hệ thống thoát nước, đặc biệt là ở khu đô thị cũ để phân kỳ đầu tư. Vận động kêu gọi người dân chung tay để xây dựng cơ chế thích nghi sống chung với mưa lũ và ngập úng cục bộ.

Còn ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - cho rằng: “Ngập úng là vấn đề đô thị đối mặt trong tương lai, nhất là những khu đô thị cũ. Một số khu vực đô thị cũ có hạ tầng chưa đồng bộ trong lịch sử dẫn đến ngập úng. Chúng tôi đã có những giải pháp khắc phục, để hạn chế tối đa việc ngập úng trên địa bàn”.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết - Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng - yêu cầu UBND TP.Đà Nẵng rà soát lại kế hoạch quản lý phát triển hệ thống thoát nước trong giai đoạn 2019 - 2025 để xem xét thứ tự ưu tiên, có thể điều chỉnh lại so với năm 2019 để có ưu tiên đầu tư. Cùng với đó, xây dựng quy hoạch tổng thể thoát nước đô thị phù hợp với điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch phân khu sắp tới.

Ông Triết cũng đề nghị Sở Xây dựng sớm lập bản đồ ngập úng và cảnh báo ngập úng để giúp người dân trong những tình huống bất khả kháng ít bị ảnh hưởng. Đồng thời, UBND TP cần quan tâm sâu sắc vấn đề cứu hộ cứu nạn; ưu tiên nguồn lực mua sắm, bố trí sử dụng hợp lý để phục vụ công tác cứu nạn cứu hộ phù hợp. Đặc biệt, cần quan tâm chống sạt lở ở khu vục ven núi.

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI