Đà Nẵng ngập: Quy hoạch chưa ổn, thoát nước lạc hậu

18/11/2023 - 10:36

PNO - Ngoài các yếu tố khách quan từ biến đổi khí hậu thì có rất nhiều nguyên nhân chủ quan từ quy hoạch, hệ thống thoát nước lạc hậu… khiến Đà Nẵng ngập liên tục trong thời gian qua.

Một báo cáo chi tiết được Ban Đô thị, HĐND TP Đà Nẵng vừa hoàn thiện sau quá trình giám sát, đánh giá thực trạng hệ thống thoát nước đô thị thành phố, nhận diện các nguyên nhân gây ngập, cũng như đề xuất các giải pháp về thoát nước đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Theo đó, từ năm 2010 đến nay, TP Đà Nẵng có 3 đợt mưa đặc biệt lớn gồm: đợt mưa từ ngày 8 đến 12/12/2018 với lượng mưa trong 1 giờ lớn nhất đạt 103,4mm, tổng lượng mưa trong 24 giờ liên tục đạt tới 771,8mm.

Đợt mưa từ ngày 13 đến 15/10/2022, cao điểm là ngày 14/10/2022. Theo số liệu thống kê thì cường độ của trận mưa này chưa từng xuất hiện trong lịch sử thành phố Đà Nẵng với lượng mưa trong 1 giờ lớn nhất đạt 165,2mm; tổng lượng mưa trong 24 giờ liên tục đạt tới 774,8mm.

Đợt mưa từ ngày 13 đến 16/10/2023 với lượng mưa trong 1 giờ lớn nhất đạt 72,8mm; tổng lượng mưa trong 24 giờ liên tục đạt tới 484,4mm. Ngoài ra, cứ hễ mưa hơi lớn thì rất nhiều điểm ngập cục bộ liên tục xuất hiện ở đô thị này.

Hệ thống thoát nước lạc hậu, đô thị hoá nhanh...khiến nhiều khu vực ở Đà Nẵng hễ mưa là ngập
Hệ thống thoát nước lạc hậu, đô thị hóa nhanh... khiến nhiều khu vực ở Đà Nẵng hễ mưa là ngập

Ông Nguyễn Thành Tiến - Trưởng ban Đô thị, HĐND TP Đà Nẵng - nhận định: “Có thể khẳng định tình trạng ngập của khu vực trung tâm thành phố hiện nay chủ yếu là ngập cục bộ do các trận mưa lớn, lượng mưa tăng cực đoan và kéo dài thời gian mưa hơn. Đồng thời, công tác quản lý, đầu tư, vận hành hệ thống thoát nước đô thị trong thời gian qua còn bất cập, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu biến đổi khí hậu như hiện nay”.

Ngoài các nguyên nhân khách quan như biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, hệ thống thoát nước của thành phố quá tải và lạc hậu…, ông Tiến cho rằng có rất nhiều nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng Đà Nẵng ngập úng liên tục như hiện nay.

Đó là việc đô thị hóa nhanh dẫn đến tình trạng bê tông hóa trên hầu hết diện tích bề mặt, làm suy giảm đáng kể khả năng thấm, dẫn đến toàn bộ lượng nước mưa đều chảy theo bề mặt, tập trung về cống gây quá tải.

Một loạt trạm bơm trọng yếu ở Đà Nẵng cũng được phát hiện không phát huy hiệu quả như: Trạm bơm Thuận Phước thiết kế xử lý chắn rác chưa phù hợp, tủ điện bố trí thấp, thường bị ngập làm vô hiệu hóa trạm bơm gây ngập diện rộng khu vực Đầm Rong, đường Đống Đa - Lý Tự Trọng. Trạm bơm Trương Chí Cương không còn tác dụng do gần đây mực nước sông không tăng cao, không tràn bờ như trước đây, hệ thống cống có thể tự chảy ra sông mà không cần bố trí bơm này. Trạm bơm cuối tuyến đường Ông Ích Khiêm: thiết kế công suất chưa tương thích với khẩu độ tuyến cống dẫn về. Các trạm bơm chưa bố trí máy phát điện dự phòng, chưa được định kỳ kiểm tra nên bị động khi cần thiết.

Cũng theo ông Nguyễn Thành Tiến, nhiều dự án thoát nước chính, công tác khảo sát, lập hồ sơ thiết kế có nhiều bất cập, điều chỉnh nhiều lần, triển khai thi công chậm, dẫn đến thoát nước kém hiệu quả, gây tắc nghẽn ở hạ lưu. 

Mạng lưới thoát nước chính chưa khai thác hết lợi thế địa hình tự nhiên để chuyển nước nước mưa hợp lý, sớm thoát nước ra sông, ra biển và vịnh Đà Nẵng. Các tuyến thoát nước được dẫn kéo dài, lòng vòng, tập trung về cùng cửa xả dẫn đến xung đột dòng, cản trở dòng lẫn nhau làm giảm hiệu quả thoát nước.

Đợt mưa tháng 10/2023, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có tổng cộng khoảng 50 vị trí ngập úng cục bộ
Đợt mưa tháng 10/2023, trên địa bàn TP Đà Nẵng có tổng cộng khoảng 50 vị trí ngập úng cục bộ

Theo ông Nguyễn Thành Tiến, hệ lụy này liên quan trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị như Sở Xây dựng, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải và các quận, huyện, các ban quản lý dự án, ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế…

Ông Nguyễn Thành Tiến - Trưởng ban Ban Đô thị, HĐND TP.Đà Nẵng
Ông Nguyễn Thành Tiến - Trưởng ban Đô thị, HĐND TP Đà Nẵng

Do đó, Ban Đô thị đề nghị trước mắt cần tuyên truyền người dân chủ động ứng phó với mưa lũ, ngành chức năng tăng cường nạo vét hệ thống thoát nước, đẩy nhanh các dự án đang triển khai và khắc phục hệ thống trạm bơm…

Về lâu dài, chính quyền Đà Nẵng cần sớm hoàn thành đồ án quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị; xây dựng bản đồ ngập úng và hệ thống cảnh báo tự động, tiên tiến, kịp thời thông tin đến người dân.

Đồng thời, triển khai cắm mốc ranh giới và quản lý tốt hành lang thoát lũ tại lưu vực các sông trên địa bàn TP Đà Nẵng; tính toán đầu tư xây dựng bổ sung hồ điều tiết tại một số khu vực như: chân núi Phước Tường, Phước Lý, Thanh Vinh…

Đà Nẵng cũng cần nghiên cứu đầu tư một số tuyến cống chính có hướng thoát nước mới ra sông, vịnh để phân lưu các hướng thoát hiện trạng và khai thác các lợi thế giáp sông, giáp biển của thành phố. Mở rộng khẩu độ các cầu/cống qua đường không còn phù hợp.

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI