Đà Nẵng mới mưa sơ sơ đã ngập là không ổn

26/10/2022 - 13:55

PNO - Dù là đô thị sau núi trước biển, sông ngòi không ít, nhưng Đà Nẵng ngày càng ngập lụt nghiêm trọng với tần suất dày hơn.

Ngày 25/10, người dân Đà Nẵng lại một phen hốt hoảng khi sau trận mưa, đường phố lại biến thành "sông". Chuyện Đà Nẵng ngập lụt như dần đã thành quen khi tần suất và số điểm ngập càng tăng. 

Cơn mưa ngày 25/10 gây ngập úng nhiều nơi, cản trở việc đi lại của người dân - - Ảnh: Lê Đình Dũng
Cơn mưa ngày 25/10 gây ngập úng nhiều nơi, cản trở việc đi lại của người dân - Ảnh: Lê Đình Dũng

Về nguyên nhân chính gây ra trận ngập sâu ngày 14/10 trước đó, ông Nguyễn Thành Tiến - Trưởng ban Đô thị HĐND TP. Đà Nẵng nhận định: Thứ nhất, do triều cường kết hợp mưa to. Thứ hai, thủy điện xả lũ, vỡ đập hồ Hố Sấu. Thứ ba, các yếu tố chủ quan như: hệ thống trạm bơm bị tê liệt; ao hồ điều tiết bị thu hẹp so với trước đây... Trong khi đó, khu vực vùng ven như Hòa Vang, một số tuyến đường cao tốc, đường vành đai tạo bờ đê ngăn thoát nước giữa thượng lưu và hạ lưu, làm ngập úng cục bộ. Việc này do đầu tư xây dựng tính toán thoát nước có thể chưa đạt yêu cầu.

Theo ông Nguyễn Thành Tiến, thời gian qua Đà Nẵng đã đầu tư nhiều dự án thoát nước đô thị với kinh phí hơn 13.300 tỷ đồng. Hiện nay, một số tuyến thoát nước chính vẫn đang thi công, như: tuyến Liên Chiểu - Thanh Khê, Phan Thành Tài đi Thăng Long, tuyến hồ Thạc Gián ra Nguyễn Tất Thành, hay các tuyến gom nước xả về sông Hàn… Nếu hoàn thành thì cơ bản thành phố sẽ giải quyết được câu chuyện thoát nước. 

"Sở Xây dựng phải tham mưu cho thành phố đánh giá lại tình trạng ngập úng vừa qua, có những quan trắc môi trường từ nhiều năm để lập bản đồ ngập úng toàn thành phố, xác định từng điểm ngập úng theo từng cấp độ. Ví dụ với lượng mưa này, thời gian này, khu vực nào sẽ ngập ở mức độ bao nhiêu, sau đó tuyên truyền cho người dân được biết để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Thành phố cần có hệ thống quan trắc môi trường, cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị vận hành hồ đập thủy điện đầu nguồn để có dự báo chuẩn về tình trạng ngập úng cho người dân", ông Nguyễn Thành Tiến nói.

Về hạ tầng, cần sớm hoàn thiện các dự án cống thoát nước chính, đấu nối vào hệ thống thoát nước chung đô thị. Thời gian qua việc thi công kéo dài đã làm hạn chế dòng chảy.

Đường Nguyễn Sinh Sắc bên vịnh Đà Nẵng ngập cao ngày 25/10 - Ảnh: Lê Đình Dũng
Đường Nguyễn Sinh Sắc bên vịnh Đà Nẵng ngập cao ngày 25/10 - Ảnh: Lê Đình Dũng

Trong khi đó, KTS Hoàng Sừ - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị Quảng Nam - quan ngại: “Tôi đã xem kỹ quy hoạch thoát nước mưa trong quy hoạch chung TP. Đà Nẵng và thực sự lo ngại cho tương lai Đà Nẵng trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan. Mạng lưới thoát nước này chỉ chịu đựng nổi những trận mưa có tổng lượng cỡ 100-150mm. Lớn hơn thì úng ngập cục bộ sẽ xảy ra tại các rốn ngập. Còn gặp các trận mưa lịch sử như 1999, 2018, 2022 thì ngập lụt diện rộng là chắc.

Muốn tình trạng ngập úng của Đà Nẵng được giải quyết một cách cơ bản, cần có một cuộc "cách mạng" về tư duy chỉ đạo và thực hiện quyết liệt để bổ sung năng lực thoát nước tối đa toàn hệ thống. Điển hình, cơn mưa sáng 25/10 mới sơ sơ mà đã ngập úng nhiều đường, vậy làm sao có thể cho rằng hệ thống thoát nước của thành phố là ổn?”.

Hầm chui Điện Biên Phủ dù đầu tư hơn 100 tỷ nhưng luôn bị ngập khi xảy ra mưa lớn - Bài, ảnh: Lê Đình Dũng
Hầm chui Điện Biên Phủ dù đầu tư hơn 100 tỷ nhưng luôn bị ngập khi xảy ra mưa lớn - Ảnh: Lê Đình Dũng

Theo KTS Hoàng Sừ, Đà Nẵng có ưu thế địa hình dốc, có thể thoát nước từ núi ra sông, ra biển. Trên địa bàn thành phố lại có đến 5 con sông: sông Hàn, sông Cu Đê, sông Cẩm Lệ, sông Điện Bàn, sông Cổ Cò cực kỳ thuận lợi cho tiêu thoát nước.

Vậy, tồn tại của hệ thống thoát nước TP. Đà Nẵng là không triệt để tận dụng được các lợi thế về địa hình, hệ thống sông, kênh thoát nước. Hệ thống cống thoát nước chủ yếu có kích thước nhỏ, manh mún, thiếu các trục tiêu thoát nước chính đủ lớn, đủ quy mô để đẩy thẳng nước ra sông, ra biển. Cấu tạo cống hộp và các cửa thu nước bất hợp lý về số lượng, kiểu cách nên dễ bị rác chắn gây tắc nghẽn.

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI