Đà Nẵng loay hoay xử lý rác thải xây dựng

15/06/2022 - 18:01

PNO - “Tối tối, chúng tôi đi rình, vây đuổi đuối luôn nhưng rất khó để bắt hết. Họ thấy đoàn kiểm tra thì chạy vòng vòng, không đổ rác xuống nên mình không bắt quả tang được” - bà Hồ Thị Cẩm Nhung, Chủ tịch UBND P. Hòa Xuân, Q. Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng, nói về việc xử lý nạn đổ trộm chất thải xây dựng.

Phạt không xuể

Trên con đường Thăng Long nối dài từ trung tâm TP. Đà Nẵng về hướng Q. Cẩm Lệ, rất nhiều đoạn đường bị biến thành bãi rác thải xây dựng. Tình trạng đổ lén xà bần diễn ra lâu nay từ P.Khuê Trung đến P. Hòa Thọ Đông, Q. Cẩm Lệ.

Tuyến đường Thăng Long ven sông Cẩm Lệ thường xuyên bị đổ lén rác thải xây dựng - ẢNH: ĐÌNH DŨNG
Tuyến đường Thăng Long ven sông Cẩm Lệ thường xuyên bị đổ lén rác thải xây dựng - Ảnh: Đình Dũng

Ông Bùi Thanh Sang - cán bộ địa chính P. Hòa Thọ Đông - thừa nhận, Thăng Long là con đường bẩn nhất phường do nhiều người lén đổ rác thải xây dựng. Tuy nhiên, do đường này vắng người, không có camera giám sát, việc đổ trộm diễn ra vào buổi tối hoặc ngoài giờ hành chính nên lực lượng chức năng không thể ngăn chặn được.

Ông cho hay: “Mới đây, chúng tôi mật phục, bắt tại trận ông Nguyễn Văn Cảm - 49 tuổi, ở trú tỉnh Quảng Ngãi - đổ trộm rác thải xây dựng ở đường Thăng Long. UBND phường đã ra quyết định xử phạt ông này 3,5 triệu đồng”.

Trên đường Thăng Long, P. Hòa Thọ Đông, có dự án xây dựng khu dân cư Phong Bắc 4 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị TP. Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Khi san lấp mặt bằng, chủ đầu tư không xây dựng hàng rào để bảo vệ dự án nên nơi đây bị biến thành bãi tập kết rác thải xây dựng. 

Theo Xí nghiệp Quản lý bãi và xử lý chất thải, thuộc Công ty cổ phần Môi trường đô thị TP. Đà Nẵng, rác thải xây dựng phải được đưa đến bãi xử lý rác ở khu vực chôn lấp rộng khoảng 2.000m2, riêng cát, đá thì phân loại để san lấp mặt bằng công trình hoặc làm gạch không nung. Khối lượng rác thải xây dựng ở TP. Đà Nẵng lớn, nhưng hằng ngày, chỉ có vài xe chở rác đến bãi, còn lại đổ chui. 

Thừa nhận đổ trộm rác thải xây dựng là một vấn nạn, bà Hồ Thị Cẩm Nhung - Chủ tịch UBND P. Hòa Xuân, Q.Cẩm Lệ - cho hay: “Tối tối, chúng tôi đi rình, vây đuổi đuối luôn, nhưng rất khó bắt hết được. Họ thấy đoàn kiểm tra thì chạy vòng vòng, mà họ không đổ thì mình không bắt quả tang được hành vi. Rồi sáng mai, thấy một bãi đó thì UBND phường phải chi tiền dọn. Họ không đổ lộ liễu ngoài đường mà đổ chui ở các bãi đất trống trong sâu”.

Đang nghiên cứu hướng xử lý

Cũng theo bà Cẩm Nhung, P. Hòa Xuân có diện tích khoảng 1.200ha với khoảng 12.000 hộ dân. Số hộ xây dựng nhà cửa rất lớn do đây là khu đô thị mới. Do đó, cần quy hoạch bài bản về nơi đổ rác chứ không nên xử lý ở phần ngọn là đi bắt người đổ trộm rác hoặc đi dọn rác. “Nếu cấp thành phố có quy hoạch điểm đổ, có công ty thu gom bài bản, có hợp đồng rõ ràng thì việc quản lý rác thải xây dựng không khó khăn như hiện nay”.

Để giải quyết rác thải xây dựng, UBND TP. Đà Nẵng cho phép UBND các quận, phường tự chọn các khu đất trống làm bãi tập kết rác rồi cho doanh nghiệp tham gia xử lý. Nhưng người dân ở các quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Hải Châu đã phản ứng việc tập kết rác gần khu dân cư. 

Bà Hồ Thị Cẩm Nhung nói: “Tôi đã từng góp ý cho đề án môi trường của UBND TP. Đà Nẵng. Khi làm một cái nhà, người dân phải có hợp đồng với đơn vị xử lý rác thải xây dựng. Cần phải đấu thầu hoặc chỉ định một công ty thu gom rác thải xây dựng, sau đó yêu cầu các hộ muốn hoàn thiện hồ sơ cấp phép xây dựng thì phải có hợp đồng với công ty này. Việc quản lý như vậy sẽ giải quyết triệt để được rác thải xây dựng vốn đang là vấn đề chung của toàn thành phố chứ không riêng phường, quận nào”.

Ông Võ Nguyên Chương - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng - cho rằng, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành nhiều quyết định, quy định về bảo vệ môi trường, trong đó có xử lý rác. Riêng việc xử lý chất thải rắn xây dựng thì sở đang làm đề tài nghiên cứu. 

Lê Đình Dũng

 

 

 

UBND phường, xã chịu trách nhiệm về rác thải xây dựng
UBND TP.Quảng Ngãi vừa ban hành văn bản yêu cầu UBND các xã, phường thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho người dân phân loại, xử lý chất thải rắn xây dựng theo quy định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng. Địa phương nào thiếu trách nhiệm, để xảy ra tình trạng vi phạm về quản lý chất thải rắn xây dựng, để phát sinh, hình thành mới các điểm tập kết chất thải rắn xây dựng trái phép, đặc biệt là các bến bãi phục vụ hoạt động mua bán, vận chuyển cát trái phép thì chủ tịch UBND xã, phường đó phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND thành phố.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI