Đà Nẵng lên phương án gộp 3- 5 người trong gia đình vào một mẫu xét nghiệm COVID-19

05/08/2020 - 13:45

PNO - Sáng 5/8, bác sĩ Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng - cho hay, thành phố sẽ triển khai xét nghiệm COVID-19 theo nhóm gia đình để tăng tốc độ xét nghiệm.

Ca nhiễm ngày càng nhiều, Đà Nẵng đang tăng tốc xét nghiệm rộng
Ca nhiễm ngày càng nhiều, Đà Nẵng đang tăng tốc xét nghiệm 

Cụ thể, nhân viên y tế sẽ lấy mẫu bệnh phẩm của 3 - 5 người trong một gia đình rồi bỏ chung vào một ống để xét nghiệm. Nếu gia đình nào có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, ngành y tế sẽ xét nghiệm lại từng mẫu của mỗi thành viên trong gia đình đó để xác định chính xác ai là người mắc bệnh.

Xét nghiệm theo nhóm không phải lấy 5 ống bệnh phẩm rồi trộn vào, vì như thế thể tích tăng lên gấp 5 lần, nồng độ có thể bị giảm, gây âm tính giả. Do đó, các nhóm sẽ được lấy mẫu cùng lúc và cho chung vào một ống ngay từ đầu. Việc lấy bệnh phẩm của một nhóm 3 - 5 người vào chung một ống vẫn đảm bảo kết quả xét nghiệm. 

Dự kiến trong ngày hôm nay, 5/8, ngành y tế Đà Nẵng sẽ tập huấn và triển khai cách lấy mẫu theo nhóm này.

PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (đội trưởng đội xét nghiệm -  1 trong 3 đội gồm các chuyên gia hàng đầu do Bộ Y tế thành lập khẩn hỗ trợ Đà Nẵng chống dịch) chia sẻ: “Có nhiều bài báo khoa học trên thế giới đã công bố cách gộp mẫu kiểu gì, như thế nào, đặc biệt đối với vấn đề của xét nghiệm SARS-CoV-2. Vì vậy, Việt Nam cũng đã có những chuẩn bị bước đầu cho tình huống sắp tới nếu như chúng ta phải xét nghiệm quá nhiều.

Chúng ta cần phải có chính sách, chiến lược xét nghiệm để đảm bảo. Thứ nhất, chất lượng của xét nghiệm vẫn phải đặt lên hàng đầu, tiếp đến là độ tin cậy, chính xác của xét nghiệm. Thứ hai là đảm bảo tiết kiệm nhân lực, tiết kiệm về sinh phẩm hóa chất, tiết kiệm tất cả các vật tư tiêu hao cũng như nguồn dự trữ để chúng ta có thể làm việc lâu dài.

Tuy nhiên, gộp như thế nào và cách tiến hành với những đối tượng nào cũng đang được xây dựng nên một quy trình để chúng ta có thể thực hiện một cách sớm nhất”.

Bà cho biết thêm: "Chúng tôi cũng đã thử nghiệm và nhận thấy kết quả của việc gộp mẫu xét nghiệm và xét nghiệm đơn lẻ hầu như không có sự khác biệt. Chỉ có khác biệt về vấn đề thời gian".

Tuy nhiên, trong trường hợp mẫu gộp có kết quả dương tính, sẽ phải mất thời gian để tách rời mẫu đó ra xét nghiệm riêng lẻ, tìm xem chính xác mẫu nào nhiễm SARS-CoV-2. Hiện nay, chưa có chứng cứ về việc sai lệch giữa 2 phương pháp gộp và đơn lẻ.

Theo PGS.TS Mai, bất kỳ một chiến lược nào cũng cần phải suy xét từng điều kiện mới tiến hành thực hiện. Với Đà Nẵng, nếu gặp trường hợp ở cộng đồng thì có thể áp dụng gộp mẫu, còn với những bệnh nhân nghi ngờ, cần thiết phải cách ly thì nên làm từng mẫu. Khi làm gộp phải chia rõ ràng đối tượng nào và áp dụng như thế nào...

Từ 25/7 đến 3/8, Đà Nẵng đã thực hiện lấy 22.670 mẫu, trong đó 21.101 mẫu có kết quả âm tính, 159 mẫu xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Toàn thành phố đã xác định được 8.656 đối tượng F1, 6.512 đối tượng F2 liên quan đến các trường hợp nhiễm SAR-CoV-2.

Hiện đang cách ly 4.241 trường hợp F1 tại các cơ sở y tế; 4.315 trường hợp F1 tại khu cách ly tập trung; 100 trường hợp F1 cách ly tại nhà; 562 trường hợp nhập cảnh.

Quân đội đang được huy động phun khử khuẩn nhiều khu vực trên địa bàn thành phố
Quân đội được huy động phun khử khuẩn nhiều khu vực ở TP Đà Nẵng

UBND TP Đà Nẵng đã có kế hoạch về khử trùng và xử lý môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao để phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Theo đó, sẽ phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tiến hành khử khuẩn, tẩy độc các khu vực không để dịch lây lan, bùng phát trên diện rộng, hạn chế đến mức thấp nhất lây nhiễm chéo trong cộng đồng.

Trong ngày 5/8, các địa điểm sau sẽ được khử khuẩn: quận Hải Châu có 4 khu vực, huyện Hòa Vang với 3 khu vực, quận Ngũ Hành Sơn có 5 khu vực, quận Cẩm Lệ có 4 khu vực, quận Thanh Khê là 2 khu vực, quận Liên Chiểu đến 8 khu vực.

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI