|
Biển Đà Nẵng đông người sau khi UBND TP. Đà Nẵng cho phép hoạt động trở lại. Dự kiến đến tháng 10/2020, Đà Nẵng mới có khách du lịch. |
Đón khách nội địa và chờ Giáng sinh
Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng - cho biết, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ tháng 2/2020 đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng về du lịch. Đặc biệt, dịch bệnh bùng phát trở lại vào cuối tháng 7/2020 đã tác động nặng nề đối với hoạt động du lịch.
“Bắt đầu từ ngày 28/7, các đơn vị kinh doanh du lịch gồm 398 hãng lữ hành, 16 khu, điểm du lịch, 955/1.080 cơ sở lưu trú, 350 đơn vị vận chuyển, 27 tàu du lịch đã tạm dừng kinh doanh, chỉ còn 38 khách sạn phục vụ y, bác sĩ, người nước ngoài phòng, chống dịch, khoảng 87 cơ sở lưu trú đang phục vụ các khách dài hạn, khách công tác” - ông Bình thông tin.
Ông Bình nhận định, tâm lý e ngại lây nhiễm dịch bệnh của du khách vẫn là rào cản lớn, ngay cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Do đó, ngoài các biện pháp đã triển khai, ngành sẽ đẩy mạnh giải pháp công nghệ du lịch thông minh, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh về một Đà Nẵng an toàn, đủ khả năng chăm sóc sức khỏe, y tế cho du khách, nhất là điều trị dịch bệnh cho cộng đồng.
Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng - nói về ảnh hưởng của dịch bệnh: “Trong tháng Tám, có khách nào đến đâu. Dự kiến, đến hết tháng Chín, vẫn chưa có khách đến. Năm ngoái thu 10 đồng thì năm nay thu được khoảng 2 đồng. Nói thế để thấy ngành du lịch đang kiệt quệ như thế nào. Cho nên, doanh nghiệp không có dòng tiền trong khi vẫn phải trả hàng loạt chi phí như khấu hao, lãi vay, thuê đất, tiền điện, nước, thuế, bảo hiểm. Rất khó khăn”.
Trước bối cảnh trên, ngành du lịch TP. Đà Nẵng phải lên nhiều kịch bản để cứu ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Kịch bản lạc quan nhất là từ nay đến cuối năm, không xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng. “Theo kịch bản này, chúng tôi đang kêu gọi doanh nghiệp mở lại các dịch vụ cơ bản phục vụ du khách địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng trong tháng Chín này, nhằm chứng minh cho du khách thấy điểm đến an toàn” - ông Dũng cho hay.
Theo ông Dũng, đến nửa cuối tháng 10/2020, nếu trong 28 ngày không có dịch, ngành sẽ triển khai một số sản phẩm để khai thác du khách hai đầu đất nước về Đà Nẵng và nhấn mạnh thông điệp “điểm đến an toàn”. Du khách sẽ có những trải nghiệm mới và đương nhiên, các cơ sở dịch vụ đều đưa ra mức giá hấp dẫn, chất lượng, đặt an toàn chống dịch lên hàng đầu. Còn với khách quốc tế, lạc quan nhất là tới dịp Giáng sinh, hy vọng sẽ đón được một số khách từ các nước nếu Chính phủ cho phép.
Đăng cai nhiều lễ hội trong năm 2021
Theo Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, đơn vị này sẽ triển khai chương trình kích cầu du lịch Đà Nẵng năm 2021 để khôi phục hoạt động kinh doanh, tái lập các thị trường khách du lịch, tập trung thu hút khách nội địa.
Cụ thể, sở sẽ tham mưu UBND thành phố xem xét, đăng cai hoặc tổ chức một số lễ hội, sự kiện, hội nghị lớn tầm quốc gia và quốc tế trong năm 2021 để kết hợp quảng bá, xúc tiến du lịch; tổ chức các lớp đào tạo miễn phí hỗ trợ doanh nghiệp, chuẩn bị về nghiệp vụ, chiến lược ứng phó sau đại dịch…
Bà Nguyễn Thị Hoài An - phụ trách Trung tâm Xúc tiến du lịch TP. Đà Nẵng - cho biết, dịch COVID-19 đợt 2 kéo dài khiến một số hoạt động xúc tiến du lịch tại chỗ và trực tiếp tại một số tỉnh, thành dự kiến vào tháng 8/2020 bị hủy.
Do đó, với sự tác động của đại dịch, Trung tâm Xúc tiến du lịch TP. Đà Nẵng đã có những thay đổi trong việc kết nối, kích hoạt lại các hoạt động. Đơn cử, trung tâm đã phối hợp với mạng lưới các hãng lữ hành tổ chức chuỗi hội thảo trực tuyến (webinar) dành cho hàng trăm đơn vị lữ hành tại Ấn Độ, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản; xây dựng kế hoạch xúc tiến, truyền thông du lịch trong 4 tháng cuối năm phù hợp với tình hình mới.
Trung tâm này cũng thực hiện các chiến dịch truyền thông trực tuyến với nhiều hình thức nhằm truyền tải thông điệp Đà Nẵng đã mạnh mẽ vượt qua dịch bệnh, ngành du lịch đã thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách và sẵn sàng chào đón du khách quay trở lại. “Đặc biệt, ứng dụng du lịch thông minh trong thời gian tới hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả duy trì hình ảnh điểm đến an toàn đối với khách du lịch, nhất là khách quốc tế trong giai đoạn chưa thể nối lại các đường bay do dịch COVID-19” - bà An nhận định.
Ông Lý Đình Quân - Tổng giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn - cũng cho rằng, phát triển du lịch thông minh là chìa khóa quan trọng trong bối cảnh có dịch và nền kinh tế số đang được thúc đẩy mạnh mẽ: “Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp, doanh nhân ngành du lịch chưa có nhiều đầu tư, hỗ trợ trong việc tiếp cận thị trường, nên cần phải có sự thay đổi mạnh hơn. Nhà nước cần tạo ra sự điều phối, hỗ trợ về hạ tầng, chính sách và khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới; phối hợp với các trường đại học tạo những công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới và ứng dụng vào ngành kinh tế du lịch”.
Hàng trăm khách sạn bị rao bán do ế ẩm
Do ảnh hưởng của dịch, một số cơ sở lưu trú đã làm thủ tục mua bán, chuyển nhượng bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn, căn hộ. Hiện ở TP. Đà Nẵng, có khoảng 250-260 khách sạn, căn hộ, biệt thự đang được rao bán, chiếm 24,7% tổng số khách sạn (1.080 khách sạn).
Trong tám tháng đầu năm 2020, tổng khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 1,9 triệu lượt, giảm 55,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 644.000 lượt (khách còn lưu lại từ nhiều tháng trước), giảm 60,3% so với cùng kỳ năm 2019; khách nội địa ước đạt hơn 1,3 triệu lượt, giảm 53,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo số liệu của Cục Thống kê TP. Đà Nẵng, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt gần 2.444 tỷ đồng, giảm 47,8% so với cùng kỳ năm 2019.
|
Bốn nhóm giải pháp cứu doanh nghiệp
Theo ông Cao Trí Dũng, để cứu ngành du lịch, Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng đã có các kiến nghị với lãnh đạo thành phố và Chính phủ. Sắp tới, hiệp hội tiếp tục có những đề xuất, tập trung vào mấy nhóm chủ yếu để cứu các doanh nghiệp.
Theo đó, đối với các doanh nghiệp đang nợ ngân hàng, hiệp hội đề xuất giảm sâu lãi vay, khoanh nợ, giãn nợ, cho vay mới.
“Các ngân hàng cần phải giảm sâu lãi vay chứ như đợt vừa rồi giảm ít quá, 5% trên lãi vay thì không ăn thua; phải giảm 50% lãi vay hoặc không thu lãi vay, mới giúp được doanh nghiệp. Vừa giảm lãi vay, vừa giãn nợ cho họ chậm trả hoặc trả ít lại thì họ mới sống được. Các hiệp hội đã kiến nghị việc đó. Cách đây mấy ngày, Thủ tướng chủ trì họp Chính phủ, đã giao cho Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu để đưa ra chỉ thị mới thay cho chỉ thị 01. Doanh nghiệp đang trông chờ cái đó” - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, nhóm giải pháp thứ hai liên quan đến thuế. “Hiệp hội kiến nghị Chính phủ giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) chứ đợt trước, không giảm VAT mà chỉ giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp thì không có ý nghĩa mấy. Ít nhất, trong năm 2020, Chính phủ cho giảm hoặc miễn luôn VAT, còn thuế thu nhập doanh nghiệp thì chả ai có lãi mà nộp. Như công ty chúng tôi, đầu năm nộp VAT khoảng 1 tỷ đồng, nếu được giảm một nửa thì vẫn còn 500 triệu đồng để trang trải tiền lương, bảo hiểm cho nhân viên” - ông Dũng đề xuất.
Nhóm giải pháp thứ ba mà Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng đề xuất là miễn giảm hoặc cho chậm nộp các loại phí như tiền điện, nước, tiền thuê đất, bảo hiểm. Nhóm giải pháp thứ tư là nới điều kiện tiếp cận các gói cứu trợ của Chính phủ.
Ông Dũng dẫn chứng: “Rất khó tiếp cận gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ, trong đó có điều kiện người lao động bị doanh nghiệp cho nghỉ việc mà doanh nghiệp đó không phát sinh doanh thu thì người lao động mới tiếp cận được tiền hỗ trợ. Rất ít doanh nghiệp đạt được điều kiện này. Doanh nghiệp còn hoạt động đương nhiên phải có vài đồng doanh thu chứ, nhưng với vài đồng phát sinh đó, vẫn lỗ chỏng gọng, mà người lao động vẫn không tiếp cận được gói cứu trợ đó thì không hợp lý”.
|
Lê Đình Dũng