Y học cổ truyền chinh phục khách Tây
Bà Martine Young kể, bà bị trào ngược dạ dày và tiêu chảy không kiểm soát mạn tính. Bà đã khám, chữa nhiều nơi ở Pháp theo phương pháp điều trị hiện đại nhưng không khỏi bệnh. Tháng 4/2024, trong chuyến đi du lịch Việt Nam, bà đã tìm đến phòng khám 2, Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) Đà Nẵng để khám, chữa. Sau 18 lần được châm cứu, cho uống thuốc nam, bà đã khỏi bệnh. “Tôi cảm thấy sức khỏe tốt hơn rất nhiều và nguồn năng lượng đã quay trở lại. Cảm ơn các bạn Việt Nam rất nhiều” - bà phấn khởi.
Từ năm 2017, Bệnh viện YHCT Đà Nẵng đã thành lập đơn vị “du lịch chữa bệnh” nhằm phục vụ khách du lịch và người nước ngoài, điều trị bằng phương pháp kết hợp YHCT với y học hiện đại, gồm cơ sở chính trên đường Đinh Gia Trinh, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ và phòng khám 2 ở số 51 Trần Quốc Toản, quận Hải Châu. Từ năm 2023 đến nay, riêng phòng khám 2 đã đón gần 1.600 lượt khách quốc tế đến khám và điều trị, nhiều nhất là du khách Hàn Quốc, Mỹ.
 |
Đài Truyền hình Fuji TV của Nhật Bản thực hiện phóng sự về Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng đầu năm 2025 |
Bác sĩ Ngô Đức Hải - Phó chủ tịch Hội Y học TP Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bệnh viện Thiện Nhân Đà Nẵng - cho biết, ngay từ những ngày đầu thành lập, bệnh viện đã xác định hướng phát triển là kết hợp phục vụ cộng đồng và hội nhập quốc tế. Bệnh viện đã chủ động kết nối với Hiệp hội Du lịch lữ hành TP Đà Nẵng (DTA) để hình thành mô hình du lịch y tế (chăm sóc sức khỏe kết hợp nghỉ dưỡng và trải nghiệm), tập trung phát triển các sản phẩm y tế chuyên sâu, đặc biệt là các gói tầm soát sức khỏe toàn diện, phát hiện sớm ung thư, nguy cơ đột quỵ với chất lượng quốc tế, chi phí hợp lý và quy trình tối ưu cho du khách.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Đức Nhân - Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng - thông tin, từ năm 2019, bệnh viện này đã thành lập phòng khám quốc tế để khám, tư vấn và điều trị cho bệnh nhân có bảo hiểm quốc tế, bảo hiểm dịch vụ hoặc có nhu cầu khám, chữa bệnh theo diện dịch vụ quốc tế. Đến năm 2021, bệnh viện thành lập Khoa Quốc tế với 20 giường bệnh đạt chuẩn bệnh viện 3 sao. Tất cả nhân viên y tế của khoa đều có trình độ chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm, giao tiếp tốt bằng tiếng Anh. Năm 2024, khoa đón gần 650 bệnh nhân điều trị nội trú, gần 500 bệnh nhân điều trị ngoại trú.
Định hình mô hình "du lịch y tế"
Chiều 15/4, Hội Y học TP Đà Nẵng phối hợp Sở Du lịch, Sở Y tế và Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Phát triển du lịch y tế Đà Nẵng”. Tại hội thảo, bà Trần Thị Thanh Thủy - Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng - cho biết, TP Đà Nẵng có 14/29 bệnh viện có khu vực điều trị chất lượng cao, có 9 bệnh viện liên thông thanh toán với hơn 60 cơ quan bảo hiểm quốc tế, nhiều cơ sở y tế đạt được một số tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như JCI (Mỹ), ACHSI (Úc), HAS (Pháp), DNV GL (Na Uy), ISO, CAS (Canada), CHKS (Vương quốc Anh), Temos (Đức)…
Theo bà, khách quốc tế đánh giá cao một số dịch vụ y tế ở TP Đà Nẵng, như tầm soát sức khỏe định kỳ, kiểm tra sức khỏe chuyên sâu, tầm soát ung thư, khám và điều trị răng, phục hồi chức năng bằng vật lý trị liệu và YHCT kết hợp với nghỉ dưỡng, dịch vụ hỗ trợ sinh sản... TP Đà Nẵng đã có một số tour du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với trị liệu bằng YHCT. Tuy nhiên, việc kết hợp du lịch với y tế vẫn còn vướng các quy định pháp lý; sự liên kết giữa các cơ sở y tế với công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, hãng vận chuyển, đơn vị bảo hiểm y tế quốc tế... vẫn còn rời rạc.
Tiến sĩ Bùi Ngọc Như Nguyệt (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế, xã hội TP Đà Nẵng) cho rằng, TP Đà Nẵng cần thành lập cơ quan chuyên trách về du lịch y tế nhằm tư vấn, truyền thông, quảng bá mô hình này; xác định thị trường khách hàng mục tiêu; tăng cường chất lượng y tế, khai thác lợi thế của YHCT, y học bổ sung và y học thay thế; đào tạo đội ngũ chuyên gia y tế có kiến thức chuyên môn, giỏi ngoại ngữ; đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành du lịch và y tế; xây dựng hệ thống bệnh viện đạt chuẩn JCI của Mỹ; cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chính sách mở về visa, giấy thông hành cho du khách quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm - Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Sở Du lịch TP Đà Nẵng - đánh giá, TP Đà Nẵng chưa hình thành và tổ chức được các chương trình kết hợp giữa tham quan và chăm sóc sức khỏe. Khách quốc tế thường chỉ đến cơ sở y tế khi bị đau ốm bất ngờ trong lúc du lịch chứ chưa có thói quen và xu hướng tìm đến TP Đà Nẵng để khám, chữa bệnh hoặc làm đẹp kết hợp du lịch. “Do đó, cần xác định mô hình du lịch y tế của TP Đà Nẵng là kết hợp y tế chất lượng cao, chi phí hợp lý với trải nghiệm nghỉ dưỡng, có đội ngũ phiên dịch, hỗ trợ từ A đến Z cho bệnh nhân quốc tế” - bà nói.
“Đà Nẵng còn thiếu các trung tâm y tế kết hợp nghỉ dưỡng, dịch vụ trọn gói; dịch vụ YHCT phục hồi chức năng vẫn còn ở quy mô nhỏ, phân tán, chưa đủ hấp dẫn; chưa có bộ tiêu chí, tiêu chuẩn chuyên biệt cho dịch vụ y tế phục vụ khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế; thiếu gói dịch vụ y tế phù hợp với đặc thù du lịch; thiếu nhân viên y tế có khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ”. Bà Trần Thị Thanh Thủy - Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng |
Tăng đào tạo ngoại ngữ cho nhân viên y tế Tháng 3/2025, UBND TP Đà Nẵng ban hành kế hoạch phát triển du lịch y tế giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, trong giai đoạn 2025-2030, trên 50% bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện có khu vực đủ điều kiện chăm sóc khách quốc tế; có ít nhất 2 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế đạt ít nhất 1 tiêu chuẩn quốc tế về năng lực chuyên môn, chất lượng dịch vụ y tế; mỗi năm đào tạo ngoại ngữ cho ít nhất 5% nhân viên y tế; triển khai ít nhất 5 gói dịch vụ kết hợp giữa khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và du lịch, du lịch nghỉ dưỡng vào cuối 2026; triển khai 10 gói dịch vụ du lịch y tế từ quý II/2028 và 15 gói dịch vụ du lịch y tế từ quý II/2030; cuối năm 2026, phấn đấu 100% khu, điểm du lịch có xây dựng tổ, nhóm y tế được tập huấn, bồi dưỡng. |
Lê Đình Dũng