Ngày 15/8, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - đã ký công văn hướng dẫn triển khai thực hiện việc "phong thành" trong 7 ngày từ 8g ngày 16/8 đến 8g ngày 23/8.
Tất cả các biện pháp nhằm giám sát thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn thành phố, theo phương châm “ai ở đâu thì ở đó” .
Theo đó, Chủ tịch UBND phường, xã thành lập Ban điều hành khu dân cư, khu chung cư, tổ, thôn (viết tắt là Ban điều hành).
Bí thư chi bộ khu dân cư, thôn là người đứng đầu lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động của Ban điều hành.Thành viên Ban Điều hành gồm các lực lượng cốt cán: Cấp ủy chi bộ, tổ dân phố/ban nhân dân thôn, mặt trận, các hội đoàn thể, dân phòng, ban bảo vệ dân phố, dân quân. Công an, quân đội phân công lực lượng tham gia Ban điều hành.
Ngoài ra, huy động thêm lực lượng như: quần chúng tích cực; đảng viên, công an, quân nhân nghỉ hưu, công chức về hưu; giáo viên, cán bộ công chức của các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện đang làm việc tại nhà theo quy định và các lực lượng tình nguyện viên khác, để đảm bảo mỗi Ban điều hành huy động từ 32-40 người (chia thành 3 ca, 4 kíp, mỗi kíp 8-10 người).
|
Đà Nẵng sẽ kiểm soát người dân ở nhà bằng một hệ thống Ban điều hành dày đặc ở các phường, xã |
Nhiệm vụ của Ban điều hành là lập danh sách, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên theo địa bàn được phân công để giám sát kết hợp tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch.
Cụ thể, phân công thành các nhóm nhỏ từ 1-2 người tổ chức giám sát, tuyên truyền từng tuyến phố, khu phố, khu dân cư, tuyến đường, đảm bảo tuyên truyền thường xuyên, liên tục bằng loa di động, loa phát thanh để cung cấp kịp thời thông tin, tình hình dịch bệnh người dân biết rõ nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người dân, chia sẻ cùng thành phố trong công tác phòng, chống dịch; đồng thời thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, nhắc nhở không để người dân ra khỏi nhà, nơi cư trú, phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Ban điều hành tham gia nắm đầy đủ, chính xác nhu cầu lương thực, thực phẩm của từng hộ gia đình, từng nơi cư trú để cung ứng kịp thời, nhất là các hộ nghèo, hộ khó khăn, người lao động phổ thông…, không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Ban điều hành cũng được trao quyền tổ chức thiết lập các chốt cứng, đảm bảo mỗi khu dân cư, khu chung cư, tổ, thôn chỉ có 1 hoặc 2 lối ra, vào. Mỗi lối ra, vào thiết lập 1 chốt với lực lượng thường trực từ 2 đến 4 người để kiểm soát.
Tại các chốt cứng (không có người canh gác), in bảng hướng dẫn đường ra để tránh trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, chữa cháy...
UBND các quận, huyện, phường, xã căn cứ tình hình tại địa phương tổ chức lại các chốt phù hợp; giảm các chốt trên tuyến đường chính, tập trung lực lượng tuần tra, kiểm soát cơ động và tăng cường lực lượng cho các Ban điều hành để giám sát chặt chẽ trong khu dân cư, thôn.
Chủ tịch UBND các phường thành lập từ ít nhất 5 tổ phản ứng nhanh (công an, quân đội làm nòng cốt và các đơn vị khác là thành viên) để hỗ trợ các Ban điều hành khi có tình huống; tổ chức tuần tra kiểm soát địa bàn, phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm.
Ở vòng ngoài và tuần tra chung, Chủ tịch thành phố giao Giám đốc Công an thành phố phân công các lực lượng đảm bảo tuần tra, kiểm soát an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm để ngăn chặn, nhất là các loại tội phạm ma túy, trộm cắp, các hành vi chống người thi hành công vụ...
Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố hiệp đồng với Giám đốc Công an thành phố trong việc bố trí lực lượng đảm bảo tuần tra, kiểm soát, giám sát địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm.
Công an thành phố cũng là đầu mối cấp thẻ nhận diện cho các đối tượng được quy định cho phép ra đường trong 7 ngày "phong thành". Giấy đi đường mà Đà Nẵng đang triển khai theo Chỉ thị 16+ không có giá trị trong 7 ngày này.
Ca nhiễm từ chợ đầu mối Hòa Cường lan mạnh
Chiều 15/8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP. Đà Nẵng cho biết trong có 79 ca mắc COVID-19 mới.
Trong đó 33 ca đã được cách ly tập trung; 34 ca đã cách ly tại nhà ngay khi phát hiện có liên quan đến các trường hợp F0 ở chợ đầu mối Hòa Cường; 3 ca trong khu phong tỏa cũng liên quan chợ đầu mối; 9 ca ngoài cộng đồng.
|
Chuỗi lây từ chợ đầu mối Hòa Cường đang tăng số ca nhiễm và còn nhiều nguy cơ khi hai ngày qua người dân đổ xô đi mua sắm tại các chợ để trữ thức ăn |
Như vậy, liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại chợ đầu mối Hòa Cường, trong ngày lực lượng chức năng ghi nhận thêm 50 ca mắc COVID-19. Trong đó, có 18 F1 và F liên quan đã cách ly tập trung và cách ly tại khu phong tỏa; 29 tiểu thương cách ly tại nhà được lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện; 3 trường hợp có triệu chứng đến khám, xét nghiệm tại cơ sở y tế.
Ngành Y tế Đà Nẵng nhận định, chuỗi lây nhiễm tại chợ đầu mối Hòa Cường vẫn còn nguy cơ rất cao. Đến thời điểm hiện tại đã ghi nhận 137 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 100 trường hợp là tiểu thương buôn bán tại đây; 24 trường hợp là F1 tiếp xúc gần.
Cộng dồn từ ngày 10/7 đến nay, Đà Nẵng có 1.779 ca mắc COVID-19.
|
Lê Đình Dũng