Đà Nẵng dự kiến đến năm 2030 phát triển gần 9.000 doanh nghiệp số

10/10/2023 - 17:28

PNO - Đà Nẵng xác định ưu tiên phát triển công nghiệp thiết kế, sản xuất vi mạch, mục tiêu đến năm 2030 kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố.

Ngày 10/10, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, vấn đề đặt ra với TP Đà Nẵng”.

 

Thành phố Đà Nẵng đang phát triển mạnh mẽ
Thành phố Đà Nẵng đang phát triển mạnh mẽ

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định 5 lĩnh vực ưu tiên nguồn lực phát triển. Trong đó có 1 lĩnh vực liên quan trực tiếp đến triển khai chuyển đổi số (công nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số) và 4 lĩnh vực còn lại cơ bản phát triển trên nền tảng và hạ tầng số (công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp; du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics).

Theo đánh giá của Bộ TT&TT, năm 2022, kinh tế số của Đà Nẵng (gồm kinh tế ICT, kinh tế nền tảng, internet và kinh tế trong ngành, lĩnh vực khác) đóng góp 19,76% GRDP.

Đến nay, Đà Nẵng có 2.450 doanh nghiệp công nghệ số (trung bình 2,3 doanh nghiệp công nghệ/1.000 dân, đứng thứ 2 toàn quốc (sau TPHCM) và gấp 3 lần trung bình toàn quốc); có 46.000 nhân lực công nghệ số.

Các trường đại học, cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố đã hình thành các khoa đào tạo chuyên ngành vi mạch, điện tử. Mỗi năm có khoảng 750 sinh viên chuyên ngành liên quan điện tử, vi mạch tốt nghiệp. Chỉ tiêu tuyển sinh các chuyên ngành này là khoảng 900 sinh viên.

TP Đà Nẵng xác định ưu tiên phát triển công nghiệp thiết kế, sản xuất vi mạch. Đồng thời, xác định mục tiêu đến năm 2030 kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố, đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số với tối thiểu 7 khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm.

Theo ông Lê Trung Chinh, Đà Nẵng đã có đề xuất một số giải pháp, biện pháp như: đào tạo ngay nhóm kỹ sư hiện có, có chính sách cho sinh viên tham gia học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, thu hút chuyên gia, đầu tư phát triển cho một số doanh nghiệp vi mạch hiện có, xúc tiến và thu hút doanh nghiệp lớn để có lan tỏa.

“Vấn đề tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn, vi mạch với cách làm như thế nào, cần những chính sách gì, thời gian, lộ trình... là những vấn đề đặt ra của Đà Nẵng. Chúng tôi rất cần các ý kiến tư vấn chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ số, vi mạch, bán dẫn; lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp; các trường đại học, các cơ sở đào tạo. Lãnh đạo thành phố mong muốn các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp cùng bộ ngành tham gia đồng hành trong thời gian đến để Đà Nẵng tham gia có kết quả tích cực. Góp phần đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế của thành phố nói riêng và góp phần nhỏ bé vào phát triển, Việt Nam thịnh vượng, hùng cường” - ông Lê Trung Chinh nói.

Tại hội thảo, các chuyên gia trình tham luận và thảo luận các vấn đề. Trong đó bao gồm: đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Trường đại học Duy Tân; FPT đồng hành cùng Đà Nẵng trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn của Việt Nam và thế giới; công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Trường đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng; đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn - thực trạng và định hướng phát triển; đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn; phát triển công nghiệp chip bán dẫn tại Việt Nam - cơ hội và giải pháp phát triển nguồn nhân lực.

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI