Đà Nẵng: Đặt mục tiêu đến 2030 có khoảng 2.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn

30/08/2024 - 10:56

PNO - Đà Nẵng đặt tham vọng đến 2030, tổng số kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn là khoảng 2.000 - 2.600 nhân sự, gần bằng với thời kỳ mà Đài Loan (Trung Quốc) tăng trưởng nhu cầu kỹ sư nhanh nhất.

Ngày 30/8/2024, TP Đà Nẵng tổ chức sự kiện Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024, với sự góp mặt của gần 600 đại biểu đến từ các bộ, ngành trung ương.

Đây là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng và miền Trung Việt Nam với mục tiêu quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư của TP Đà Nẵng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm lựa chọn, quyết định đầu tư.

Ngoài 2 phiên chính là hội nghị xúc tiến đầu tư và hội nghị kết nối cung cầu nguồn nhân lực, tại sự kiện còn trao thỏa thuận hợp tác ba bên và biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại thành phố Đà Nẵng, gồm: Sở TT-TT Đà Nẵng, Công ty TNHH Synopsys International và Tập đoàn Viettel; Sở TT-TT Đà Nẵng, Công ty TNHH Synopsys International và Công ty CP Tập đoàn Sovico; Sở TT-TT Đà Nẵng và Công ty TNHH Công nghệ Marvell Việt Nam; Sở TT-TT Đà Nẵng và Công ty TNHH FPT IS. Thoả thuận hợp tác giữa Sở KH-CN Đà Nẵng và Makara Capital Partners về việc hợp tác và hỗ trợ đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của TP Đà Nẵng…

Hội nghị xúc tiến đầu tư vi mạch bán dẫn Đà Nẵng
Hội nghị xúc tiến đầu tư vi mạch bán dẫn Đà Nẵng

Đà Nẵng chưa có doanh nghiệp sản xuất hoặc doanh nghiệp lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip bán dẫn. Hiện có 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch bao gồm 7 chi nhánh doanh nghiệp FDI: Synopsys, Marvell, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse (nay là Quest Global), Sannei Hytechs; 3 doanh nghiệp thiết kế vi mạch, bán dẫn Việt Nam là Fpt Semiconductor, Viettel Hi-Tech và Acronic.

TP Đà Nẵng đã ban hành đề án phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành 1 trong 3 trung tâm lớn của Việt Nam về thiết kế vi mạch bán dẫn và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (TTNT); hình thành mạng lưới đào tạo chất lượng cao gắn với phát triển hệ sinh thái vi mạch bán dẫn và TTNT; phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 kinh tế số đóng góp tối thiểu 35% - 40% GRDP thành phố.

Theo đó, đến năm 2030, Đà Nẵng phấn đấu có khoảng 20 công ty thiết kế vi mạch với tổng số 2.000 - 2.600 kỹ sư; trong đó, có 80%-90% kỹ sư chuyên môn hóa thiết kế về vi mạch số (Digital Design) và 10-20% kỹ sư tập trung vào vi mạch tương tự (Analog Design).

Mục tiêu này gần bằng với thời kỳ mà Đài Loan tăng trưởng nhu cầu kỹ sư nhanh nhất trong khoảng năm 2019 tới năm 2021 (17%/năm).

Trong khâu kiểm thử, đóng gói và sản xuất, đến năm 2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu thu hút ít nhất 1 – 2 dự án về ATP sẽ cần khoảng 2.000 – 3.000 kỹ sư, kỹ thuật viên làm việc tại thành phố và 200-300 kỹ sư làm việc tại nước ngoài trong các công đoạn kiểm thử, đóng gói và sản xuất vi mạch.

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI