Sống trong sợ hãi
Thôn Tà Lang (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) nằm bên cạnh tuyến cao tốc La Sơn - Hòa Liên. Do việc mở đường cao tốc, chân núi bị khoét sâu và nguy cơ bị sạt lở rất cao. Cuối thôn Tà Lang có 7 nhà dân nằm ở địa thế một bên là núi, một bên là dòng sông cũng đang bị sạt lở từng ngày.
Ông Nguyễn Văn Trầm - 1 trong 7 hộ dân - nói: “Ngọn núi cạnh đường cao tốc bị hổng chân nên có thể sạt xuống trước nhà tôi bất cứ lúc nào. Còn con sông Nam ở sau nhà thì đã sạt lở từ nhiều năm nay. Năm ngoái, nước lũ tràn về cuốn mất nửa vườn nhà tôi, kéo theo cả dãy chuồng heo, chuồng gà, lật cả mặt đường bê tông.
|
7 hộ dân ở thôn Tà Lang (xã Hòa Bắc) bị đe dọa sạt lở từ ngọn núi bên cao tốc và con sông Nam chảy phía sau nhà |
Cho nên bây giờ, cứ hễ mưa to gió lớn là chính quyền lại di dời chúng tôi đi tránh. Cuộc sống luôn nơm nớp sợ hãi. Đêm nghe mưa lớn là thấy bất an. Nhưng chờ mãi vẫn chưa được di dời tái định cư mặc dù đã có thông báo cách đây 3 năm”.
Ở sâu trong khe Định, dưới chân những ngọn núi trồng keo, nhiều người dân tổ 1, thôn Nam Yên (xã Hòa Bắc) cũng ngày ngày sống trong lo sợ. Đợt mưa lũ sau bão số 3 gây sạt lở kinh hoàng ở các tỉnh phía Bắc càng làm họ thêm thấp thỏm.
Chị Huỳnh Thị Lài kể: “Đợt mưa lũ năm 2023 cuốn trôi ao cá, chuồng dê nhà tôi. Đất đá, cây cối từ 3 ngọn núi phía sau nhà đổ ập xuống, nhưng may mắn là người không việc gì. Giờ cứ mỗi lần mưa lớn là tôi kinh hãi”. Một mình chị Lài làm vườn, chăn nuôi kiếm tiền chữa bệnh cho chồng và nuôi con, nên lúc nào chị cũng phải suy nghĩ, lo toan.
“Tôi đã phát dọn sẵn một con đường băng qua rừng keo trước nhà, đâm thẳng ra đường xã, để lỡ có gì còn có đường mà chạy. Năm 1999, chạy lụt, phải dời nhà dưới làng lên đây, ai ngờ có ngày lại phải tính đường chạy sạt lở núi thế này” - chị Lài buồn bã.
Dọc theo khe Định có 7 hộ gia đình đang sinh sống. Bà Nguyễn Thị Chín - nhà ở đầu đường - kể: “Sạt lở núi xảy ra từ năm 2022, lũ cuốn đất đá san bằng khe nước, xã phải cho xe lên khơi dòng. Mỗi lần mưa bão, lãnh đạo các nơi lại về kiểm tra nhưng vẫn chưa thấy di dời dân. Chúng tôi mong lắm”.
Không riêng xã Hòa Bắc, dưới chân núi Sọ (thôn An Ngãi Tây 1, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang), hàng chục hộ dân cũng đang phấp phỏng vì nguy cơ sạt lở luôn rình rập. Xung quanh núi Sọ, nhiều năm nay đã xuất hiện hàng loạt điểm có nguy cơ sạt lở cao, nhiều cụm đất đá đã rữa nước chực chờ đổ.
Chị Nguyễn Thị Mai Vân - sống dưới chân núi Sọ - kể: từ đợt mưa lũ lịch sử 2020, đất đá ập xuống sát nhà chị. Theo thời gian, các vết nứt và sụt lún ngày càng nhiều khiến gia đình chị cảm thấy bất an, cứ mưa lớn là phải di dời. Hàng chục hộ dân ở quanh núi đều nằm trong diện di dời tái định cư, nhưng nhiều năm qua họ vẫn đang chờ.
|
Xã Hòa Bắc cắm biển cảnh báo ở các khu vực có nguy cơ sạt lở và sẵn sàng di dời dân đi tránh trú |
Chờ quy hoạch
Ông Thái Văn Hoài Nam - Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc - xác nhận nỗi lo lắng của bà con đang sống bên những khu vực có nguy cơ sạt lở. Ông cho biết, khi làm phương án thì có 49 hộ thuộc diện di dời, nhưng sau đó thì số người đăng ký đi ít hơn, vì liên quan đến sinh kế của họ. Theo dự kiến, sẽ di dời 3 hộ ở thôn Nam Yên về khu tái định cư Nam Yên, 7 hộ ở Tà Lang về khu tái định cư Giàn Bí, 9 hộ ở thôn Phò Nam thì về khu tái định cư trung tâm hành chính mới của xã.
“Chúng tôi đã làm kế hoạch 3 năm rồi, từ tháng 10/2021 có dấu hiệu sạt trượt, đã triển khai nhưng đang chờ phê duyệt quy hoạch xã, rồi đưa vào quy hoạch huyện, thành phố duyệt rồi mới triển khai” - ông Nam nói.
Ông Phan Duy Anh - Phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang - cho hay: dự án di dời, bố trí, sắp xếp dân cư ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, sạt lở đất tại xã Hòa Sơn và xã Hòa Bắc được thông qua tại Nghị quyết số 32/NQ-HĐND ngày 19/7/2023 của HĐND TP Đà Nẵng. Huyện cũng thấy việc này rất cần thiết.
Nhưng theo quy định về cấp độ, trình tự tổ chức lập quy hoạch thì sau khi quy hoạch chung xã Hòa Bắc được phê duyệt mới đủ cơ sở để tổ chức phê duyệt quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn.
Hiện nay đồ án quy hoạch chung xã Hòa Bắc chưa được phê duyệt nên UBND huyện chưa thể tổ chức thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn đối với dự án di dời, bố trí, sắp xếp dân cư ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, sạt lở tại 2 xã Hòa Sơn và Hòa Bắc”.
Từ lý do vừa nêu, UBND huyện Hòa Vang cho biết sẽ chỉ đạo UBND các xã triển khai rà soát số hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở trên địa bàn và đề xuất đưa vào chương trình di dân 2025 và những năm tiếp theo.
Vì vướng quy trình nên việc đảm bảo an toàn cho dân vùng sạt lở của huyện Hòa Vang hiện theo kịch bản ứng phó và sơ tán dân đến nơi trú tránh an toàn trước khi thiên tai xảy ra nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân. Đối với các vị trí có nguy cơ sạt lở, UBND huyện kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan có giải pháp kè chống sạt lở để đảm bảo an toàn.
Nguy cơ sạt lở ảnh hưởng hàng trăm hộ dân Hòa Vang là huyện miền núi, nằm bao trọn phía tây TP Đà Nẵng. Theo thống kê, huyện có hàng trăm cư dân sống tại các khu vực có nguy cơ sạt lở. Các điểm có nguy cơ sạt lở gồm: khu vực núi Sọ, nghĩa trang thành phố và Hố Dầu (xã Hòa Sơn); thôn Nam Yên, thôn Phò Nam, thôn Tà Lang (xã Hòa Bắc); các điểm trên đường ADB5 (thôn Trường Định, xã Hòa Liên), đường Hồ Chí Minh (khu vực giáp 2 xã Hòa Bắc - Hòa Liên), đường ĐT601 (thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc), đường AĐB5 (thôn An Định, xã Hòa Bắc), thôn Phú Túc, thôn Hòa Thọ (xã Hòa Phú)… |
Dân bức xúc vì ruộng bị xói lở bởi mỏ khoáng sản Hàng ngàn mét vuông đất nông nghiệp ở thôn An Châu, xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cũng bị sạt lở nghiêm trọng do mỏ khoáng sản đất sét của Công ty TNHH Hiệp Đại Hưng sau khai thác không được hoàn thổ. Theo phản ánh, người dân đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu doanh nghiệp khắc phục. Tuy nhiên, từ khi hết hạn giấy phép khai thác, doanh nghiệp rút đi không hoàn thổ và chưa hỗ trợ mùa vụ. Tình trạng sạt lở đất diễn ra ngày càng nghiêm trọng, nhất là sau các đợt mưa lớn. Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, sau khi giấy phép hết hiệu lực, công ty đã thực hiện lập và nộp đề án đóng cửa mỏ khoáng sản để sở thẩm định, trình thành phố phê duyệt làm cơ sở cải tạo, phục hồi môi trường khu vực. Hiện nay, đề án đóng cửa mỏ nêu trên đang trong quá trình thẩm định. Sở này cũng cho rằng đã yêu cầu công ty có giải pháp gia cố, không để xảy ra sạt lở, cắm biển cảnh báo nguy hiểm. Trường hợp xảy ra hiện tượng sạt lở hoặc các hiện tượng khác gây mất an toàn, khẩn trương báo cáo về huyện, xã, cơ quan liên quan để có phương án xử lý kịp thời… |
Lê Đình Dũng