Đà Nẵng: Công trình thoát nước ì ạch, ngập ngày càng nặng

28/12/2023 - 06:39

PNO - Tình trạng ngập úng ở Đà Nẵng ngày càng phức tạp, nhưng nhiều dự án thoát nước cứu ngập lại thi công rất chậm chạp, gây bức xúc cho dân.

Cống xây xong, ngập nặng hơn

Nhà nằm bên cạnh tuyến cống thoát nước Khe Cạn vừa hoàn thành, gia đình ông Trần Xuân Tấn và hàng xóm thuộc tổ 27 (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) lại tiếp tục khổ sở vì ngập còn nặng hơn.

Dự án tuyến cống thoát nước Khe Cạn nhằm mục tiêu thoát nước và xử lý nước thải cho TP Đà Nẵng, được khởi công từ năm 2015, nhưng thi công chậm trễ suốt 8 năm qua.

Các dự án thoát nước liên phường Xuân Hà, Tam Thuận (quận Thanh Khê) thi công kéo dài
Các dự án thoát nước liên phường Xuân Hà, Tam Thuận (quận Thanh Khê) thi công kéo dài

Ông Tấn kể, tuyến cống đoạn qua tổ 27 thi công ì ạch mãi gây ảnh hưởng cuộc sống người dân. Đến nay khi hoàn thành thì ống cao hơn nền nhà cả mét, nên hễ mưa to là cả xóm lại phải chạy lụt, khổ sở trăm bề. Nhưng muốn sửa nhà, nâng nền thì chính quyền không cho, vì đất không có sổ. 

Ở kế bên nhà ông Tấn, anh Nguyễn Văn Mẫn cho biết gia đình anh đã đến đây ở từ năm 2013. Khi làm cống, họ báo giá đền bù 74 triệu đồng, rồi lên 210 triệu đồng, nhưng gia đình anh không thể đi, vì không có chỗ ở. Chúng tôi chỉ muốn đền bù thỏa đáng cho dân hoặc cho dân nâng cấp nhà lên để ở, tránh ngập lụt.

Ông Đinh Quang Tưởng - Phó chủ tịch UBND phường Thanh Khê Tây - cho biết, phường có hơn 300 hộ ảnh hưởng bởi dự án cống Khe Cạn, số hộ bị ảnh hưởng bởi ngập úng thì nhiều hơn. Trước khi triển khai làm cống thì ô nhiễm môi trường. Làm xong cống thì xảy ra ngập úng cục bộ trong dân cư. Hiện, cứ mưa lớn là phải sơ tán 120-140 hộ dân.

“Phòng Quản lý đô thị quận Thanh Khê đang xin chủ trương thành phố các dự án cống đấu nối từ khu dân cư ra cống Khe Cạn, mở rộng các hẻm rồi nâng nền, chứ di dời dân thì khó khả thi. Đồng thời mong có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi sang đất ở để họ có thể xin giấy phép xây nhà” - ông Đinh Quang Tưởng nói. 

Ở khu vực đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), người dân cũng phải sống chung với ngập lụt từ nhiều năm nay. Họ bị mắc kẹt trong dự án quy hoạch ga đường sắt Đà Nẵng suốt 18 năm qua. Hiện tại, quy hoạch đã bỏ nhưng chưa biết bao giờ vùng này mới được khơi thông. Ông Huỳnh Sự - cử tri quận Liên Chiểu - cho biết, sợ cảnh ngập lụt tái diễn, một số người dân dự định bán nhà để tìm nơi ở khác.

Thời gian qua, Đà Nẵng có rất nhiều khu vực bị ngập lụt, với tần suất ngày càng dày và diện tích ngày càng rộng. Theo thống kê, các đợt mưa năm 2022 và 2023, toàn thành phố có khoảng 50 điểm ngập nước, trong đó một số khu vực ngập nặng như đường Mẹ Suốt, cầu Đa Cô, đường Yên Thế - Bắc Sơn - Tôn Đức Thắng, Khe Cạn, đường Hồ Tương (kênh Phần Lăng), đường Hà Huy Tập - Trần Xuân Lê, kiệt 96 Điện Biên Phủ, đường Cách Mạng Tháng Tám - Cống Quỳnh… Ngập lụt gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước và người dân. Hàng ngàn người dân đã phải chạy lũ giữa đô thị.

Các dự án thoát nước lớn, nhỏ đều chậm tiến độ

Để khắc phục tình trạng trên, TP Đà Nẵng có nhiều dự án thoát nước, trong đó có các dự án thoát nước chính như: cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước mưa trên địa bàn quận Thanh Khê và Liên Chiểu; xây dựng các tuyến cống chuyển nước mưa về sông Hàn cho lưu vực từ đường Hồ Xuân Hương đến giáp tỉnh Quảng Nam; dự án tuyến cống Khe Cạn…

Nhưng theo ông Nguyễn Thành Tiến - Trưởng ban Đô thị, HĐND TP Đà Nẵng, công tác khảo sát, lập hồ sơ thiết kế còn nhiều bất cập, triển khai thi công chậm, dẫn đến thoát nước kém hiệu quả, gây tắc nghẽn ở hạ lưu. Ngoài ra, tuyến kênh từ khu công nghiệp Hòa Khánh ra sông Cu Đê; các tuyến cống chuyển nước mưa từ phía biển về hướng sông Hàn và nhiều dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước quy mô nhỏ hiện đang được UBND các quận, huyện triển khai vẫn chậm tiến độ…

Một kế hoạch quan trọng nhằm ứng phó với ngập lụt của thành phố biển là nạo vét các hồ chứa trong sân bay Đà Nẵng (xử lý cho lưu vực khoảng 850ha) và các hồ điều hòa trong thành phố. Tuy nhiên, đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn loay hoay chưa biết đổ thải chỗ nào sau khi nạo vét và cũng chưa làm việc xong với phía quân đội.

Sở Xây dựng TP Đà Nẵng thừa nhận, một số dự án, công trình đã được bố trí vốn nhưng chưa thể thi công hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng. Một số công trình đã hoàn thành thì lại chưa bàn giao cho đơn vị quản lý do thủ tục pháp lý, dẫn đến cống thoát nước không được nạo vét thường xuyên… 

Ông Phùng Phú Phong - Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng - cho hay: UBND thành phố đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án thoát nước đang triển khai, khảo sát đánh giá để nạo vét cải tạo hồ điều tiết trước mùa mưa.

Cũng theo ông Phùng Phú Phong, Đà Nẵng đang triển khai quy hoạch về cao độ nền và thoát nước; dự kiến trình phê duyệt quy hoạch vào tháng 6/2024. Đồng thời, năm 2024 sẽ triển khai tiếp nhiều dự án, mua sắm trang thiết bị, nâng cao khả năng xử lý ngập úng đô thị cùng nhiều biện pháp cấp bách chống ngập. 

Lê Đình Dũng

 

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu