Đà Nẵng có nên cách ly toàn thành phố?

15/08/2020 - 16:19

PNO - Với tình hình hiện nay tại Đà Nẵng, phương án cách ly toàn thành phố rất nên được xem xét.

Nhà tôi gần Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, tôi cũng như những người dân ở thành phố này rất quan tâm đến tình hình dịch bệnh COVID-19.

Ngày 5/8, Chính phủ và UBND thành phố tuyên bố Đà Nẵng đã kiểm soát được dịch bệnh.Tin vui báo về liên tục khi Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng đã dỡ bỏ cách ly vào cuối 12/8. Thế nhưng, chỉ 1 ngày sau, chính quyền thành phố lại tăng mạnh các biện pháp cách ly ở một số khu vực khác, vậy điều gì đang xảy ra?

Một em bé đứng trong rào chắn cách ly tại một khu dân cư ở Đà Nẵng
Một em bé đứng trong rào chắn cách ly tại một khu dân cư ở Đà Nẵng

Phường Nại Hiên Đông, phường An Khê tiến hành rà soát và phạt tiền, thu giữ xe của người dân ra ngoài vì mục đích không thiết yếu, thay vì nhắc nhở như trước. Tiếp đó là triển khai việc phát phiếu ra vào chợ để hạn chế số lần đi bổ sung nhu yếu phẩm của mỗi hộ.

Nghiêm trọng nhất là ngày 13/8: xác nhận 6 ca nhiễm ở K113-141 Trần Xuân Lê, nâng số ca nhiễm ở riêng khu vực này lên 11 ca. Đây chắc chắn là một ổ dịch cộng đồng. Tuy nhiên, kiểm tra thông tin dịch tễ của các bệnh nhân khu vực này, tôi nhận ra biện pháp khoanh vùng của thành phố đang có vấn đề.

Sau ca đầu tiên là bệnh nhân 619 vào ngày 2/8, các bệnh nhân 688, 689, 690 đã được cách ly và xét nghiệm ngay, nhưng bệnh nhân 726 thì phải đến 5/8 mới xét nghiệm và xác nhận dương tính.

Nếu nói trường hợp bệnh nhân 726 là do khai thác thông tin chưa kịp thời, thì 6 ca nhiễm mới công bố ở đây vào ngày 13/8 chỉ có 3 cách giải thích: một là đội phòng dịch kiểm tra thông tin không kỹ, hai là người dân không đủ ý thức để chấp hành “tự cách ly”, ba là nghiêm trọng hơn, còn nguồn dịch khác trong khu vực này.

Với những thông tin bất ngờ liên tiếp chỉ trong 1 ngày, tôi không dám tin vào nhiều kênh thông tin nữa. Điều may mắn là, ở Đà Nẵng, cổng thông tin 1022 hoạt động rất hiệu quả và nhanh chóng, tôi tìm và tải dữ liệu dịch tễ mà chính quyền công bố để kiểm tra, với hy vọng có thể rà soát các điểm thiếu sót trong công tác phòng dịch này.

Giả định theo tình huống xấu nhất, một số lời khai “tự cách ly” cần xem như “nguồn bệnh vẫn ở trong cộng đồng”. Chẳng hạn, lời khai dạng “chỉ tiếp xúc với người nhà”. Tạm tin rằng người nghi nhiễm ở nhà, nhưng người nhà vẫn ra ngoài đi làm, đi mua đồ thì tương đương với người nghi nhiễm đã tiếp xúc gián tiếp với cộng đồng.

Cần biết rằng, hộ gia đình không có điều kiện phòng hộ nghiêm ngặt như trong khu cách ly và khi ở nhà phần lớn mọi người sẽ không mang khẩu trang.

Theo mốc thời gian và khai báo dịch tễ các bệnh nhân công bố 2 ngày 11-12/8 có thể thấy, còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Đó là nguy cơ mất kiểm soát lớn nhất của dịch bệnh, là khi người nghi nhiễm vẫn ở trong cộng đồng mà không bị phát hiện. Hãy chú ý, màu đỏ (trong bảng biểu trên) là thời gian bệnh nhân vẫn sinh hoạt trong cộng đồng, dựa vào tiêu chí này, ta thấy vấn đề rất nghiêm trọng.

Theo giả định của chính phủ, ở Đà Nẵng đã có 4-5 chu kỳ lây nhiễm, nhưng lịch sử tiếp xúc của các bệnh nhân 855, 856, 863 và 869 cho thấy rằng, đây rất có thể là những ca lây nhiễm từ chu kỳ đầu tiên (màu vàng biểu thị thời gian dự đoán bệnh nhân tiếp xúc F0 và bị lây), vẫn sinh hoạt trong cộng động cho đến ngày 10/8, khi Đà Nẵng mở rộng xét nghiệm cộng đồng mới bị phát hiện.

Đo thân nhiệt tại một khu chợ ở Đà Nẵng
Đo thân nhiệt tại một khu chợ ở Đà Nẵng

Đặc biệt là ca 869, có thể xem như một hình mẫu lây nhiễm điển hình. Theo thông lệ ở Việt Nam ta, bố mẹ già ở riêng thì các con thay phiên nhau đến chăm sóc. Trong trường hợp này, sau khi Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng tuyên bố cách ly, bệnh nhân này sẽ là F1, được 2 con thay phiên chăm sóc và có thể là hàng xóm sang thăm nữa. Vậy là, con, cháu, bạn bè, các đối tượng được quy định dạng F2, F3, F4, vẫn bình thường di chuyển trong cộng đồng. Trường hợp này không phải ít, và nói thật, rất khó kiểm soát.

Đáng nói là phản ứng từ đội ngũ phòng chống dịch thành phố. Lấy ví dụ ca 875, là nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện Đà Nẵng tan trực vào 25/7. Khi bệnh viện thành khu cách ly, việc cần làm nhất là thống kê danh sách cán bộ làm việc ở Đà Nẵng trong khoảng thời gian có bệnh nhân này để tiến hành cách ly tập trung thì lại sót mất trường hợp này và bệnh nhân 875 vẫn ở trong cộng đồng đến ngày 5/8 mới được lưu ý.

Danh sách nội bộ của đội ngũ y bác sĩ còn không rà soát được, cơ sở nào để người dân tin rằng các điểm phát hiện bệnh nhân trong cộng đồng, như đường Trần Xuân Lê, là có thể kiểm soát?

Các biện pháp chính quyền đang thực hiện đều mang tính chạy theo tình huống, mất bò mới lo làm chuồng. Đến lúc hệ thống y tế cũng kiệt sức không “chạy” nổi nữa thì hậu quả sẽ còn nghiêm trọng hơn. Vì vậy theo tôi, hiện tại tình hình bệnh dịch ngày càng phức tạp, đã vượt quá khả năng kiểm soát của chính quyền. Thành phố cần nghiêm túc cân nhắc việc cách ly toàn thành phố, dừng “nhiệm vụ kinh tế” lại.

(*) Toàn bộ dữ liệu thu thập theo “Thông tin dịch tễ bệnh nhân COVID-19 tại Đà Nẵng”, thuộc cổng dữ liệu 1022 của TP. Đà Nẵng.

Thường Dân

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • PHẠM THÔNG 16-08-2020 14:49:03

    Áp dụng biện pháp giãn cách nghiêm ngặt toàn Đn là rất cần thiết trong lúc này, khi dịch lan rộng ra cộng đồng, 1 đám tang của bà cụ ở Thanh Khê đã làm thành 1 ổ dịch, 1 thợ hồ ở QNam đi nhiều chỗ sau khi lây nhiễm ! Đn ơi hãy mau chóng nâng cao cấp độ y tế dự phòng, mọi người dân đừng chủ quan nữa! Hãy làm theo lời đề nghị của Gs Nguyễn Thiện Nhân trong khi chưa quá muộn, cả hệ thống chính trị hãy chuyển động thật mạnh vào, Thanh Khê vào học Duy Xuyên, tại sao cũng đám tang bà cụ mà họ huy động trong ngày, còn Thanh Khê để đến 3 ngày. Lúc khó khăn này thể hiện bản lĩnh cán bộ, ai không làm được thì bước qua 1 bên, không ngáng đường, “CHỐNG DỊCH NHƯ CHỐNG GIẶC” là vậy đó ! 1 người con xa quê của QNĐN yêu thương với tiếng nói thật lòng.

  • nguyễn phương 16-08-2020 03:43:50

    Đây là chuyện phải làm từ đầu khi dịch bắt đầu có dấu hiệu bùng phát ,xem ra đã bỏ qua cơ hội với gần 500 ca mắc bệnh .Hiện Hải Dương đã rút kinh nghiệm đóng cửa toàn TP ngay lập tức khi chỉ có 3 ca bệnh .

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI