Trong lúc câu chuyện vỉa hè vẫn đang “bi hài” theo từng bước chân của một lãnh đạo quận trung tâm TP.HCM quyết tâm giành lại lối cho người đi bộ, thì ở bên kia sông, lại đang nóng chuyện chính quyền chủ trương cho thuê phần đất nằm hai bên con đường Vĩnh Khánh (Q.4, TP.HCM) - mà theo ngôn ngữ của người dân, nó không gì khác hơn là lề đường, là vỉa hè.
|
Từ mép đường vô tới vạch vàng (do cơ quan chức năng vẽ) được xác định là vỉa hè. Từ vạch vàng vô đến nhà dân được UBND Q.4 xác định là đất công và thực hiện cho thuê - Ảnh: Quốc Ngọc |
Dân “lè lưỡi” với giá thuê 200.000 đồng/m2/tháng
Các hộ dân trên tuyến đường Vĩnh Khánh thuộc địa bàn P.8, Q.4 cho biết, vào tháng 4 vừa qua, UBND phường thông báo sẽ tiến hành cho dân thuê nền đất phía trước nhà. “Chúng tôi sinh sống, buôn bán bao lâu nay, bỗng dưng phường bảo ai muốn tiếp tục sử dụng phần vỉa hè của nhà mình để kinh doanh thì phải ký hợp đồng thuê đất với Nhà nước”, bà N.K.S. (65 tuổi) nói.
Tiếp theo đó, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q.4 (gọi tắt là Công ty công ích) đã ký hợp đồng thuê đất và lập biên bản bàn giao nền đất với từng hộ dân. Theo người dân, “giá Nhà nước cho thuê” quá cao: 200.000 đồng/m2/tháng. Như trường hợp bà S., sau khi đo vẽ, cơ quan chức năng xác định diện tích mà bà phải thuê là 12,9m2. “Từ tháng 6 đến tháng 9 vừa rồi, mỗi tháng tôi phải đóng 2.580.000 đồng muốn ná thở”, bà S. than.
Gia đình chị Nguyễn Thy Uyên (43 tuổi) mở cửa hàng điện lạnh, phải đóng hơn 3 triệu đồng/tháng cho 15,2m2 lề đường trước nhà. Đó là chưa kể mỗi hộ phải “đặt cọc” cho công ty công ích số tiền bằng giá trị 2 tháng thuê. Sau đó, rút xuống còn một tháng, số tiền cọc chênh lệch và tiền thuê đã thu của tháng 5 chuyển sang thành tiền thuê tháng 6 và 7.
“Tôi nghe đâu trước đây thành phố đưa ra mức giá cho thuê vỉa hè khu vực Q.4 mỗi tháng chỉ có 30.000 đồng/m2 thôi mà, sao họ lại thu đến 200.000 đồng? Nhưng quan trọng là chúng tôi không hiểu phường cũng như công ty công ích căn cứ vào đâu để tiến hành việc cho thuê và thu tiền. Lề đường cho thuê mắc quá dân làm sao mà sống. Vỉa hè trước nhà người ta mà sao phải thuê?”, chị Uyên thắc mắc.
Vì những bức xúc đó, từ tháng 8, vợ chồng chị Uyên không đồng ý đóng tiền thuê này cho công ty công ích quận nữa. “Họ bảo ai không thuê thì thôi. Phường sẽ rào lại cho người khác thuê”, chị Uyên bất bình kể. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hai bên đường Vĩnh Khánh thuộc địa bàn P.8 có hơn 70 hộ và đã có 46 hộ phải ký hợp đồng thuê đất.
Cho thuê đất công, không phải… vỉa hè!
Trao đổi với Báo Phụ Nữ, ông Nguyễn Huy Phong - Chủ tịch UBND P.8, Q.4 cho biết, đây là chủ trương của quận áp dụng trên tuyến Vĩnh Khánh trải dài trên địa bàn các phường 8, 9 và 10.
“Chúng tôi chỉ có vai trò thông báo, vận động và phối hợp thực hiện chủ trương của UBND Q.4. Tôi xin khẳng định đây là đất công, không phải vỉa hè. Bởi đường Vĩnh Khánh trước đây là rạch Cầu Chông. Khoảng năm 1999-2000, Nhà nước mới làm đường.
Chỉ có cơ quan nhà nước mới có số nhà trên đường Vĩnh Khánh, còn nhà dân vẫn giữ địa chỉ cũ thuộc các hẻm đường Hoàng Diệu. Từ mép đường vô 3m được xác định là vỉa hè, phần còn lại vô đến ranh nhà dân là đất công, lâu nay vẫn để cho dân sử dụng miễn phí. Từ khi có định hướng hình thành khu ẩm thực trên đường Vĩnh Khánh thì quận mới chủ trương thực hiện việc cho thuê đất công”, ông Phong nói.
Theo ông Phong, với chủ trương thành lập khu ẩm thực hai bên đường Vĩnh Khánh, chính quyền sẽ chừa 3,5m từ mép nhà trở ra để làm lối đi ngang, phần còn lại ra tới mép vỉa hè thì cho thuê. “Ai thuê thì quận sẽ tạm thời cho trổ cửa, cấp số nhà tạm trên đường Vĩnh Khánh để dễ quản lý. Một số vị trí được quy hoạch làm trụ sở của ban quản lý khu ẩm thực. Những diện tích đất còn lại quá nhỏ thì đề xuất cho người ta sử dụng luôn”, ông cho biết.
Liên quan đến vấn đề giá cho thuê, ông Phong nói UBND Q.4 đã chỉ đạo Công ty công ích phối hợp với một đơn vị có chức năng định giá độc lập để tính giá cho thuê đất công này khách quan và phù hợp. Dựa trên cơ sở đó, UBND quận tham mưu cho HĐND quận ra Nghị quyết số 130/NQ-HĐND ngày 26/12/2016 về đơn giá cho thuê các nền đất công trên tuyến đường Vĩnh Khánh là 200.000 đồng/m2/tháng, với dung sai là 20% (giảm cho hộ chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có người tàn tật, khó khăn...).
“Cái này là tự nguyện, muốn thuê thì thuê, không thì thôi. Hợp đồng thuê đất cũng chỉ có giá trị hằng năm, thậm chí có hợp đồng 6 tháng, khi nào cần thì thu hồi”, ông Phong giải thích.
Chúng tôi hỏi dựa vào đâu để cơ quan chức năng tiến hành vạch sơn định ranh vỉa hè và đất công, ông Phong cho rằng theo quy hoạch lộ giới. Ví dụ lộ giới quy hoạch 16m, đường hiện hữu 10m, thì vỉa hè mỗi bên vô 3m. Chúng tôi tiếp tục đặt vấn đề quản lý nhà nước đối với các khoản đất công này theo cơ sở nào, ông Phong trả lời nên hỏi các đơn vị chức năng của quận.
Ngày 5/10, phóng viên liên hệ với Phòng Quản lý đô thị Q.4 để trao đổi về sự vụ nói trên và được Trưởng phòng Lâm Lệ Khánh hẹn gặp vào sáng hôm sau. Đúng 9g sáng 6/10, chúng tôi có mặt tại phòng làm việc thì bà Khánh cho biết bận đi cơ sở. Bà yêu cầu để lại câu hỏi cần trao đổi và liên hệ Chánh văn phòng UBND Q.4 để lấy cuộc hẹn tiếp báo chí.
Vào thời điểm này, tiếp chúng tôi, một nhân viên văn phòng ủy ban cho biết cả chánh văn phòng, phó chánh văn phòng và tất cả ban lãnh đạo quận đều bận họp. Chúng tôi được yêu cầu để lại thông tin và được hứa sẽ báo cáo cấp trên để có trao đổi trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, mãi đến ngày 10/10, khi chúng tôi chủ động liên hệ lại, nhân viên văn phòng lại yêu cầu gửi câu hỏi và sẽ trình lãnh đạo trả lời sau (?).
Chính quyền phạm luật?
Trao đổi với Báo Phụ Nữ, luật sư Phùng Thanh Sơn - Công ty Thế giới Luật pháp (Đoàn Luật sư TP.HCM) - cho rằng, nếu xem đây là việc cho thuê đất thì phường hay quận đều phải tuân thủ Luật Đất đai.
“Hiện nay, theo Luật Đất đai không còn khái niệm đất công mà chỉ có khái niệm đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn. Chính quyền địa phương chỉ được quyền cho thuê đối với loại đất này, theo khoản 3 điều 59 Luật Đất đai 2013. Đối với các loại đất khác mà quận đang quản lý thì quận không được phép cho thuê. Muốn xác định đất đó thuộc quyền quản lý của ai thì căn cứ vào sổ địa chính, bản đồ địa chính”, ông Sơn nói.
Như vậy, nếu theo sổ địa chính, bản đồ địa chính thể hiện phần đất mà quận đang cho thuê là đất nông nghiệp do quận quản lý, khi đó quận mới có quyền cho thuê đối với phần đất này. “Và theo khoản 3 điều 132 Luật Đất đai 2013, quận chỉ có thể cho thuê phần đất này vào mục đích nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Do đó, cho dù phần đất mà quận cho thuê là đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của quận thì quận cũng không thể cho thuê để buôn bán”, luật sư Sơn phân tích.
Trong trường hợp nếu xem đây là việc thu phí sử dụng vỉa hè, hiện tại HĐND TP.HCM chưa thông qua mức phí nên việc phường, quận lấy vỉa hè để cho thuê là không có cơ sở pháp lý.
Lấy vỉa hè cho thuê để kinh doanh là trái luật
Theo Nghị định 100/2013/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung một số điều trong Nghị định 11/2010/NĐ-CP) của Chính phủ, quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, việc sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè chỉ được thực hiện cho các mục đích: tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; tổ chức đám tang, đám cưới; trông giữ xe phục vụ đám tang, đám cưới, hoạt động văn hóa thể thao, lễ hội; trung chuyển vật liệu, phế liệu, rác thải và trông, giữ xe có thu phí mà thôi. Do đó, nếu lấy vỉa hè cho thuê để kinh doanh là trái luật.
Luật sư Phùng Thanh Sơn
|
Quốc Ngọc