Đà Lạt hết sứ mệnh nghỉ dưỡng rồi chăng?

23/03/2019 - 10:50

PNO - Sẽ chẳng lạ khi không thể tìm ra những dấu ấn riêng biệt của “khách sạn Đà Lạt xưa” - tức mang phong cách châu Âu, cổ kính, lãng mạn, thanh lịch.

Nhung nhớ phố bên đồi

Chưa khi nào những người yêu Đà Lạt lại lo lắng và nhớ Đà Lạt nhiều như lúc này. Xa Đà Lạt cũng nhớ, ở ngay giữa Đà Lạt cũng nhớ. Bởi Đà Lạt đang mỗi ngày đổi khác, bị phá nát bởi những chắp ghép về kiến trúc, xây dựng, bởi sự ô tạp của nhu cầu kinh doanh, cơm áo gạo tiền, của khách du lịch tứ xứ…

Con số 6 triệu du khách đổ về Đà Lạt mỗi năm khiến bất cứ ai cũng dễ dàng trở thành một người làm du lịch.

Tôi ở Đà Lạt hơn 20 năm, không đếm xuể bao nhiêu lần dùng căn phòng trọ nhỏ xíu, sau này thì căn hộ mình mua được, để cho khách thuê dịp lễ, tết khi khách sạn “cháy phòng”. Cũng từ thực tế này, ba năm trước, tôi xếp bằng luật sư để toàn tâm “dấn thân” làm du lịch. Tôi chọn thuê lại một khách sạn nằm ở khu Hòa Bình để thiết kế, làm mới lại và treo bảng. 

Da Lat het su menh nghi duong roi chang?
Khu trung tâm Đà Lạt (khu Hòa Bình) nhìn từ trên cao khoảng cuối thập niên 1960 - Ảnh: Bill Robie

Đa phần du khách về Đà Lạt ngày nay không còn tinh thần nghỉ dưỡng. Hình như họ cũng chẳng cần một nơi yên tĩnh để… hồi phục tinh thần hoặc tận hưởng không gian, cảnh quan, khí hậu. Khách của tôi thường chỉ yêu cầu có một nơi sạch sẽ để tắm rửa, nghỉ qua đêm là được.

Và, đáp ứng nhu cầu này, khách sạn có sao, không sao khu vực trung tâm thi nhau mọc lên. Nhà ai xin được giấy phép xây dựng đều đã biến thành một tòa khách sạn cao tầng.

Nên, sẽ chẳng lạ khi không thể tìm ra những dấu ấn riêng biệt của “khách sạn Đà Lạt xưa” - tức mang phong cách châu Âu, cổ kính, lãng mạn, thanh lịch. Bây giờ khu trung tâm tứ bề lộn xộn bởi hàng loạt khối bê tông của nhà nghỉ, khách sạn chen chúc.

Da Lat het su menh nghi duong roi chang?
Đường Phan Đình Phùng thập niên 1960 - Ảnh: Internet

Khi thành phố cạn dần quỹ đất để đầu tư khách sạn hoặc việc xin giấy phép xây dựng khách sạn gặp khó do vướng các quy định về quy hoạch cảnh quan, đô thị; thì homestay thành phương án giải cứu tình trạng “cháy phòng”. Homestay mọc lên như nấm và bản chất của kinh doanh homestay cũng không còn như xưa. 

Tôi nhớ trước kia homestay thu hút sự lựa chọn của du khách nước ngoài. Họ đến đây, ngoài tham quan các địa điểm du lịch, yếu tố nghỉ dưỡng và tìm hiểu đặc trưng văn hóa rất được họ yêu thích. Thông qua lưu trú homestay, họ tìm thấy sự gần gũi với thiên nhiên, con người và dễ dàng tìm hiểu văn hóa, bản sắc địa phương. 

Bây giờ, đối tượng chọn ở homestay đa phần là người trẻ tìm không gian lạ, hoặc để nhóm bạn trẻ dễ bề tụ tập, mở tiệc… Nhà cửa cơi nới, đất đai tận dụng từng mét, chẳng còn ai nghĩ tới những ban-công hoa lá, những rào bìm bìm tím, những giàn cát đằng ngày xưa…

Dạ Hương (Bùi Thị Xuân, TP.Đà Lạt)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI