Người Sài Gòn nghiện Đà Lạt
Ở cái xứ Sài Gòn mà cư dân mạng thường gọi vui là có hai mùa: nóng và... nóng hơn. Việc đặt chân đến Đà Lạt thường cho người ta cảm giác như cả thành phố này giàu có và dư giả đến mức gắn luôn cả máy lạnh ở ngoài đường. Đi đâu cũng mát. Tối đến là lạnh. Có những đêm lạnh đến mức thở ra cả "khói", cái cảm giác mà một người Sài Gòn mơ cả đời cũng không thấy được.
Ở cái xứ Sài Gòn bước chân ra đường là bụi bặm giăng kín mắt, Đà Lạt mang lại sự yên bình và trong lành như một giấc mơ. Leo lên xe ngủ một giấc mở mắt ra thấy mây ngang trời và sương hôn má. Có người bảo Đà Lạt lạnh và buồn lắm. Nhịp sống Đà Lạt cứ chầm chậm và yên bình trôi, tinh thần thiền đạo như hiện hữu khắp mọi nơi. Những nỗi buồn bảng lảng của Đà Lạt là thứ mà Sài Gòn đang thiếu. Chính nó níu chân những người muốn thử cảm giác sống chậm, từ người trẻ, người cô đơn, người trưởng thành, người luống tuổi, những ai đang hạnh phúc và cả những người đang muốn chôn chặt nỗi buồn.
Ở cái xứ Sài Gòn hiện đại và cập nhật xu hướng toàn cầu một cách nhanh nhất này, những kiến trúc cổ kính tuyệt đẹp và phong cảnh hữu tình của Đà Lạt như khiến người ta trôi ngược về quá khứ. Tường đá cổ, con dốc quanh co, hoa lá chen nhau, những ngôi nhà tam giác, thác suối hồ, ly cà phê bốc khói… mọi ngóc ngách của Đà Lạt như sinh ra là để người ta “sống ảo”. Cứ vài ba bước chân là chụp được tấm ảnh lung linh, tha hồ “thả thính”.
Những dịp lễ, tết, tôi có cảm giác như một nửa số bạn bè trên facebook của mình đều đang ở Đà Lạt. Tôi chỉ cần đăng một bức hình chụp ở Đà Lạt là lập tức bạn bè nhắn tin hẹn hò cà phê, ăn uống, đi chơi. Kể cũng lạ, có những người cả năm bận đến mức chả bao giờ gặp được dù đôi lúc chỉ cách nhau vài ba phút chạy xe, nay lại hội ngộ, nhâm nhi ly nước và cười nói rôm rả với nhau ở nơi “đất khách quê người”.
Ở cái nơi lạnh lẽo này, chỉ cần gặp được nhau, dẫu chỉ cười một cái rồi về cũng đủ để thấy lòng thật ấm.
Lên xứ lạnh, ăn gì cũng thấy ngon
Buổi sáng Đà Lạt người ta thường hay ăn bánh mì xíu mại cay cay, thơm thơm trên đường Hoàng Diệu, bánh ướt lòng gà vừa dẻo vừa dai ở đường Phan Đình Phùng hay tô mì trứng Tàu Cau, Vĩnh Lợi chan nước lèo nóng hổi. Buổi trưa nhẹ nhàng với nem nướng Hùng Vân, nem nướng bà Nghĩa hoặc những tiệm bánh căn với mấy loại nước chấm đặc biệt trong các con hẻm bé xíu đâm ra đường Ba Tháng Hai. Giờ ăn xế, dễ dàng bắt gặp ở khắp nơi những hũ sữa chua phô mai ngọt bùi và trứng luộc lòng đào beo béo, ăn một lần cứ muốn nếm lại mãi thôi.
Nhưng tôi cùng đám bạn thân hay dặn nhau là ban ngày cứ ăn thong thả, dành bụng cho chiều tối, bởi vì lúc đó mới là thời điểm Đà Lạt bạt ngàn thức ăn ngon. Nào là ốc bưu nhồi thịt hấp gừng, lẩu đuôi bò, lẩu gà lá é dọc đường Hai Bà Trưng và Hoàng Diệu. Những quán ốc luộc nóng, sữa đậu nành nóng, kem bơ mát lạnh, chè hé đủ vị, bánh tráng nướng… chen chúc mời gọi trên các con đường đổ về chợ đêm Đà Lạt. Những quán lẩu cũng mở cửa từ trưa hoặc chiều. Nhưng phải đến khi đêm về, Đà Lạt lạnh giá, húp bát xúp lẩu nóng muốn cháy lưỡi mới gọi là trên cả tuyệt vời.
Đặc biệt, nếu bạn thèm cơm gia đình, những tiệm cơm bình dân và nhà hàng sang trọng với khẩu vị vừa miệng cũng hiện diện nhiều ở Đà Lạt. Khi vào đây nhất định phải gọi cho mình một đĩa rau xà lách carol Đà Lạt trộn với dầu giấm - món đặc sản tươi sạch của xứ núi giúp đưa cơm ngon lành.
Trước khi trở về, bạn chịu khó rinh thêm dăm ba hũ mứt dâu tằm, vài nải chuối laba, một hai hộp trà làm quà phương xa thì còn gì tròn vẹn hơn.
Mảnh đất đủ “thú vui” cho mọi người
Người trẻ đến với Đà Lạt sẽ có những thú chơi riêng. Ngày hửng nắng thì thong thả tìm kiếm bức ảnh độc đáo lung linh ở những ngọn thác, con dốc, vườn dâu, quán trà. Thích rong ruổi thì thuê xe máy đến làng Cù Lần, trên đường rẽ vào làng dừng chân bên quán Hoàng Hạc vừa ăn trưa vừa ngắm thung lũng hữu tình. Hoặc thuê xe jeep leo đỉnh Lang Biang hay đến Trại Mát - Cầu Đất săn hoa dã quỳ. Chiều về ghé quán Nhà của Thời Thanh Xuân trên đường Triệu Việt Vương - nơi những bạn trẻ khiếm khuyết về tai và mắt cùng chung tay mở một quán trà độc đáo để viết nên câu chuyện thanh xuân riêng cho mình. Tối lang thang chợ đêm Đà Lạt tìm cho mình vài chiếc khăn quấn cổ, thảnh thơi sánh bước bên nhau kể đôi câu chuyện đời.
Người có gia đình, có con nhỏ đến Đà Lạt thì lại có những chốn khám phá khác. Những chuyến tàu rời ga Đà Lạt chở những đứa trẻ ngang qua những ruộng nương, vườn trái cây, khung cảnh thiên nhiên xinh đẹp là một hành trình khó quên với những tâm hồn bé bỏng. Trại cún ở làng hoa Vạn Thành với những chú cún vô cùng quấn khách. Hoặc cả gia đình đón xe buýt đi gần 40 cây số đến vườn thú thiên nhiên Zoodoo, chạm tay vào những con vật đầy lạ lẫm và vô cùng thân thiện để khơi dậy niềm yêu thương của lũ trẻ với động vật. Những hành trình trên xe ngựa, xe đạp đôi, đạp vịt quanh khu bờ Hồ Xuân Hương sẽ mang lại cho gia đình bạn những cảm xúc gắn bó khó tìm.
Người trung niên nhiều thời gian và hoài niệm thường không thể bỏ qua chùa Linh Phước (chùa Ve chai) và thiền viện Trúc Lâm trang nghiêm nhưng không kém phần thơ mộng. Nhà thờ Con Gà, nhà thờ Donmaine de Marie sẽ gợi nhớ về kiến trúc xa xưa cổ kính. Đêm về thả hồn cùng cà phê Cung Tơ Chiều mờ mờ tỏ tỏ, cheo leo nơi ngọn đồi nhỏ gần Dinh III (đường Lê Hồng Phong), lắng nghe những bài nhạc Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Phạm Duy, Lê Uyên Phương… từ giọng ca ma mị của người chủ quán, như gọi về cả một vùng suy tư mơ mộng của những ngày yêu cũ. Đà Lạt - Đừng là bản sao của bất cứ nơi nào!
Rồi có những điều sẽ chỉ còn lại trong ký ức. Cung Tơ Chiều sắp đóng cửa và người ta sẽ luyến tiếc hoài một giọng ca đẹp trong không gian lãng mạn để tạo nên một cảm xúc say lòng không tìm thấy được ở bất cứ đâu. Khu Hòa Bình được quy hoạch lại có thể mang đến một thành phố mới hiện đại nhưng “vô hồn”. Những rừng thông reo trong gió giờ thưa thớt đi do tàn phá và sương mù vì đó cũng dần tan biến.
Đà Lạt đừng là bản sao của bất cứ nơi nào. Có những giá trị lịch sử lâu đời, như một nét di sản cần phải giữ gìn cho Đà Lạt. Mong rằng dù qua bao thăng trầm dời đổi, Đà Lạt vẫn cứ ở yên đó - lạnh lẽo, xưa cũ, yên bình và thong dong như những ngày xưa.
Nguyễn Bích Trâm
Ảnh: Nguyễn Minh Quân - Lê Văn Quang