Hậu quả đã từng được cảnh báo
Vụ sạt lở nghiêm trọng ở đường Hoàng Hoa Thám vừa qua không nằm ngoài dự báo của các chuyên gia. Ngay từ năm 2018, tôi cùng các cộng sự đã thực hiện đề tài nghiên cứu về tình trạng nứt sụt, trượt lở đất ở TP Đà Lạt (đề tài do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng chủ quản và nghiệm thu). Qua 2 năm nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy, vào thời điểm đó, tình trạng nứt sụt và trượt lở đất đã thể hiện rất rõ trên bề mặt các công trình kinh tế, dân sinh và tự nhiên của TP Đà Lạt. Quá trình này diễn ra và để lại nhiều hậu quả như nứt đồi, nứt núi, phá hủy ruộng vườn, hoa màu, đường giao thông, các công trình.
|
Theo chuyên gia, việc xây dựng tràn lan đã xâm phạm vào 2 đường viền cốt tử của Đà Lạt - Ảnh: Tú Linh |
Có thể thấy, từ nhiều năm trước, trượt lở đất đã xảy ra ở hầu hết các tuyến đường giao thông chính, như đường Khe Sanh - Mimosa, đèo Prenn, Quốc lộ 20, Tỉnh lộ 725 đi Tà Nung, đường đến hồ Tuyền Lâm, thác Cam Ly… Thời điểm đó, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra 214 điểm tai biến địa chất và cảnh báo các hậu quả nếu không có giải pháp cho tình trạng này.
Qua đánh giá, gần 95% vụ sạt lở xảy ra khi có tác động nhân sinh (bạt sườn đồi, sườn núi làm đường, làm nhà) và trong điều kiện có mưa lũ lớn (từ tháng Tư đến tháng Mười hằng năm). Hiện nay, hầu hết diện tích đất ở các phường nội thành như phường 1, 2, 6 và 9 đã được đô thị hóa, còn tốc độ đô thị hóa ở các phường 5, 7, 11, 12 ngày càng tăng.
Trước thực trạng tai biến địa chất khó lường như thời gian qua, chính quyền TP Đà Lạt cần triển khai nhanh chóng, quyết liệt các giải pháp phân vùng và sử dụng hợp lý lãnh thổ. Sử dụng hợp lý lãnh thổ được hiểu là khai thác, sử dụng lãnh thổ sao cho vừa phòng tránh các tai biến địa chất, vừa phát triển bền vững kinh tế, xã hội.
Chúng tôi đã khoanh định 3 vùng lãnh thổ, tương ứng với các cấp nguy cơ tai biến địa chất khác nhau. Trong đó, khoảng 22.411ha (chiếm 56,81% diện tích tự nhiên) có thể phát triển mọi đối tượng kinh tế, xã hội; 8.047ha có nguy cơ tai biến địa chất trung bình (chiếm 20,4% diện tích tự nhiên) có thể sử dụng để phát triển kinh tế, xã hội nhưng cần quan tâm thực hiện các biện pháp cảnh báo, phòng tránh; 8.987ha (chiếm 22,78% diện tích tự nhiên) có nguy cơ cao và rất cao, phải sử dụng hạn chế, đồng thời áp dụng các biện pháp cảnh báo, phòng tránh.
Tiến sĩ Lê Ngọc Thanh -
nguyên Viện trưởng Viện Địa lý tài nguyên TPHCM
(Viện hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam)
Việc xây dựng đã xâm phạm vào 2 đường viền cốt tử
Khi quy hoạch Đà Lạt năm 1923, Ernest Hébrard - Kiến trúc sư trưởng Đông Dương - đã hình thành 2 đường viền cốt tử cho Đà Lạt.
Đường viền thứ nhất bao quanh một khu vực chừng 30.000ha, có thể chứa khoảng 50.000 dân. Đây cũng là đường viền phân định ranh giới thành phố và tự nhiên, để tuyệt đối tránh việc xây dựng có thể lấn vào thiên nhiên hoang sơ bao bọc xung quanh. Đường viền thứ hai tựa vào địa hình để chạy một nét mềm mại ở lưng chừng núi đồi và thung lũng, khoanh ranh giới của một bên là những đồi thông cổ cao vút, một bên là những thung sâu thấp xuống. Đây cũng là đường viền chính để bám theo nó mà xây dựng một thành phố ẩn giữa cỏ cây.
Thế nhưng, đối với đường viền thứ hai, lẽ ra phải cấm xây dựng từ khoảng thung lũng trở xuống thì hiện nay, chính quyền lại cho xây dựng các hẻm chạy xuống, hình thành các đô thị dưới thung sâu. Nhà cửa cũng đã lấn vào những khu vực hồ thoát nước. Sau đó, người ta còn xây taluy để ngăn dòng nước chảy trực tiếp vào thung sâu. Như vậy, hiện nay, để các dòng nước chảy tự phát theo các phố thì khó tránh khỏi có lúc bị bở nước, kéo theo taluy sập xuống, như sự cố đã xảy ra.
Đáng lẽ không cho ở nơi các thung sâu thì bây giờ vẫn cho ở, đáng lẽ phải bảo vệ tuyệt đối rừng tự nhiên ở phía trên thì lại để bị phá. Dân cư đã tràn xuống hết các khe, xây nhà thành những đô thị nên hiểm họa không phải chỉ trước mắt mà về lâu dài sẽ càng nghiêm trọng. Giờ thì nước “thọc” vào đâu là chỗ đó bị sạt lở. Đô thị càng ngày càng phình ra, trong khi hệ thống hạ tầng yếu kém, các bọng nước càng ngày càng nhiều, lại gánh sức nặng của các đô thị ở phía trên. Tôi cho rằng, các hệ quả ngập nước, sạt lở ở Đà Lạt đang trở thành căn bệnh nan y, rất khó có thuốc chữa.
Phó giáo sư, tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Hồng Thục -
Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Nghiên cứu định cư và năng lượng bền vững
Cần có định hướng phát triển đúng
Những hậu quả như khí hậu nóng lên, ngập lụt, sạt lở ở Đà Lạt phần lớn do sự phát triển “nóng”, đô thị hóa thiếu kiểm soát trong những năm qua.
Hiện nay, gần như chỗ nào ở khu vực trung tâm TP Đà Lạt cũng bị bê tông hóa. Đã vậy, đa phần nhà cửa được xây tự phát, riêng lẻ, không có hạ tầng đường sá, hệ thống cấp thoát nước đồng bộ. Đất đai bị khai thác quá mức, có những nơi đáng lẽ không được xây dựng, chính quyền vẫn cho phép xây tràn lan, kể cả trên đất nông nghiệp, đất rừng. Ở các khu vực đồi dốc, nước không có chỗ thấm xuống do bị bê tông hóa, cũng không có cống gom nước nên nước cứ chảy tự do từ trên cao xuống, cuốn trôi đất đá gây xói lở.
Tình trạng cứ mưa là ngập là do hệ thống thoát nước cũ được tính toán trên lượng dân cư hạn chế đã không còn phù hợp. Trong khi mặt đất bị bê tông hóa, không còn chỗ thấm nước thì các suối, hồ lại bị thu hẹp. Việc đô thị hóa tràn lan đã chặn mất các lối thoát nước, gây nên cảnh ngập lụt ở thành phố cao nguyên.
Do đó, cơ quan quản lý cần xác định lại định hướng phát triển cho TP Đà Lạt. Có vẻ chính quyền thành phố đang có mong muốn thu hút đông dân cư, tăng quy mô dân số, đẩy mạnh đô thị hóa để tiến tới tách Đà Lạt khỏi tỉnh Lâm Đồng, đưa Đà Lạt thành thành phố trực thuộc trung ương. Hiện nay, trung tâm hành chính tập trung ở đây, các dịch vụ đều tập trung ở đây, các dự án trung tâm thương mại chen vào giữa những đồi thông, cảnh quan thiên nhiên, khu vực cần bảo tồn.
Tôi cho rằng, hướng phát triển này là sai lầm. Mong muốn đô thị hóa mạnh mẽ Đà Lạt là tham vọng quá lớn và không phù hợp với điều kiện thiên nhiên tươi đẹp sẵn có. Nếu cứ tiếp tục chồng chất lên thành phố này quá nhiều khối bê tông thì hậu quả như đã và đang thấy là khó tránh khỏi.
Cần xác định mục tiêu, định hướng phát triển Đà Lạt là đô thị du lịch nghỉ mát, nghỉ dưỡng, tôn trọng thiên nhiên, bảo tồn di tích chứ không phát triển “nóng”. Nên dịch chuyển trung tâm hành chính, trung tâm thương mại ra khỏi khu vực nội thành. Phải bảo vệ khu trung tâm khỏi sự xâm hại của những công trình mới, như trung tâm thương mại, khách sạn.
Tiến sĩ Nguyễn Thiềm -
Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam
Minh Linh (ghi)