Từng dàn dựng nhiều vở diễn hay về đề tài lịch sử, kháng chiến, Nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn Triệu Trung Kiên - Giám đốc nhà hát cải lương Việt Nam - chia sẻ quan điểm của ông trong xây dựng tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài này.
|
Nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn Triệu Trung Kiên - Giám đốc nhà hát cải lương Việt Nam |
Phóng viên: Theo ông, làm thế nào để có một tác phẩm về đề tài lịch sử, đấu tranh cách mạng hay và hấp dẫn?
Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên: Dù thuộc loại hình nào, một tác phẩm nghệ thuật chỉ hay, hấp dẫn khi nó chạm được vào cảm xúc của số đông công chúng. Tôi thích dùng cụm từ “bẫy cảm xúc” khi nói về tác phẩm tạo được nhiều yếu tố bất ngờ, như bố cục, kết cấu mạch kịch đến cách xây dựng mâu thuẫn, xung đột và tuyến hình tượng nhân vật…
Các sự kiện, nhân vật lịch sử vốn không còn xa lạ với công chúng, nhưng tôi tin mỗi câu chuyện vẫn có sức hấp dẫn riêng. Điều này tùy thuộc vào tư duy, khả năng sáng tạo của người làm nghệ thuật trong việc nắm bắt xu hướng thẩm mỹ của xã hội, của công chúng trong từng giai đoạn, thời kỳ khác nhau. Văn nghệ sĩ cần có ý thức làm cho những tác phẩm về đề tài lịch sử, đấu tranh cách mạng không trở thành những trang sử khô cứng.
* Hư cấu sự kiện, nhân vật lịch sử là điều đang gây tranh cãi nhiều nhất. Liệu có một nguyên tắc cụ thể nào cho việc hư cấu, sáng tạo khi xây dựng các tác phẩm về đề tài lịch sử?
- Dường như chưa ai nêu ra giới hạn cho việc hư cấu sự kiện, nhân vật lịch sử. Riêng tôi cho rằng, nguyên tắc quan trọng nhất khi sáng tạo là không được bóp méo lịch sử. Không ít khán giả - nhất là khán giả trẻ - được tiếp cận lịch sử thông qua tác phẩm văn học, nghệ thuật. Khi xem một tác phẩm, có thể có những khán giả không nhận diện được đâu là sự thật, đâu là hư cấu. Lâu dần, lịch sử sẽ bị hiểu theo chiều hướng sai lệch, những điều vốn chỉ là hư cấu có thể được mặc định trở thành lịch sử.
Khác với người chép sử, người sáng tác văn học, nghệ thuật được phép hư cấu thêm những chi tiết cần thiết để tác phẩm hấp dẫn, sinh động, dễ tiếp cận với công chúng hơn. Mặt khác, việc hư cấu được sử dụng như một thủ pháp mà nói vui là “điền vào chỗ trống”, để khỏa lấp, ghép nối cho liền mạch những mảng khuyết trong quá trình tạo ra tác phẩm. Điều quan trọng là các “mảng ghép” ấy phải gắn bó hữu cơ với phần còn lại và gần với sự thật lịch sử nhất.
Việc hư cấu trong tác phẩm có tính dã sử dễ được chấp nhận hơn so với tác phẩm có tính chính sử. Người nghệ sĩ sáng tạo có thể có góc nhìn khác, đặt một giả định hoàn toàn khác về một nhân vật, sự kiện lịch sử. Tôi cho rằng, rất cần có sự phân định rạch ròi về một tác phẩm là chính sử hay dã sử khi giới thiệu đến công chúng. Tuy nhiên, dù ở góc độ dã sử hay chính sử thì vẫn phải tôn trọng sự thật lịch sử.
Khi chưa thể có được một “quy tắc ứng xử chung” trong việc hư cấu lịch sử, trách nhiệm của người sáng tạo là điều rất quan trọng. Người làm văn học, nghệ thuật phải có trách nhiệm với lịch sử, với văn hóa, với tiền nhân và hậu thế. Mỗi tác phẩm dù ở góc độ nào, hình thức nào cũng phải mang lại những giá trị tích cực cho xã hội.
Về phần mình, khi tiếp cận với các tác phẩm có đề tài lịch sử, khán giả cần có thái độ tỉnh táo và hiểu biết, bởi về mặt khoa học, các tác phẩm này không phải là những pho sử.
* Gần đây, riêng ở lĩnh vực sân khấu, các tác phẩm có đề tài lịch sử - nhất là lịch sử đấu tranh cách mạng - thường chỉ được dàn dựng nhân các dịp lễ kỷ niệm nên có những tác phẩm ngốn nhiều kinh phí nhưng lại kém hấp dẫn, chỉ diễn một vài suất vào đúng lễ kỷ niệm rồi thôi. Ông nghĩ gì về điều này?
- Không thể phủ nhận rằng, có một bộ phận người làm văn học, nghệ thuật đang tự bó buộc mình khi sáng tạo các tác phẩm lấy đề tài lịch sử, đấu tranh cách mạng. Trong dịp kỷ niệm những sự kiện đặc biệt, có những vở diễn chỉ được dàn dựng “phục vụ nhiệm vụ chính trị” mà không cần quan tâm đến sức sống lâu dài của tác phẩm. Thực trạng này dẫn đến việc cho ra đời những vở diễn thiếu tính sáng tạo, na ná nhau khiến khán giả quay lưng.
Luôn có những bộ phận, tầng lớp khán giả khác nhau với nhu cầu thưởng thức, mối quan tâm khác nhau về đề tài. Công chúng vẫn rất quan tâm đến lịch sử của dân tộc. Sự thành công của bộ phim Đào, phở và piano là minh chứng mới nhất, rõ nhất cho điều này. Người trong nghề cũng thường nhắc đến việc cần thay đổi tư duy “nhân dịp” khi xây dựng các tác phẩm về lịch sử, đấu tranh cách mạng. Theo tôi, dù chỉ nhằm mục đích tuyên truyền thì tác phẩm phải giàu tính nghệ thuật, hấp dẫn công chúng và có sức sống lâu dài. Có như vậy thì việc tuyên truyền mới thực sự đạt hiệu quả.
* Xin cảm ơn ông.
Thảo Vân (thực hiện)