|
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng băn khoăn về vấn đề "giao chỉ tiêu cho công lý" |
Sáng 30/3, Quốc hội thảo luận về báo cáo công tác nhiệm kỳ của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Các ĐBQH đã có tranh luận “nảy lửa” về vấn đề án oan trong xét xử.
Công lý không thể có tỷ lệ oan sai!
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) chia sẻ sự băn khoăn về tinh thần bảo đảm độc lập tư pháp, trong đó có vấn đề liên ngành. “Vấn đề này, tôi có tham gia làm luật sư một vụ án nổi tiếng là vụ án Tân Thanh, Lạng Sơn. Có vị đại diện VKS nêu: “Vấn đề này chúng tôi đã có văn bản liên ngành”. Chúng tôi cho rằng cách hiểu này rất sơ hở. Trước xã hội như thế chúng ta cần có suy nghĩ, khắc phục để đảm bảo tính độc lập của tư pháp”.
Đại biểu cũng đặt vấn đề việc xác định tỷ lệ oan sai trong xét xử. “Đây là tỷ lệ tôi cho là nguy hiểm. Hình dung xem, mình hoặc người thân ở trong 0,000001% oan sai thì mình nghĩ thế nào. Nếu chúng ta không khắc phục chuyện này thì rất nguy hiểm”, ĐB nhấn mạnh.
Theo ĐB, đã là công lý thì không thể có tỷ lệ mà phải thiêng liêng, hoàn hảo, tròn trịa: “Làm sao có tỷ lệ công lý được. Công lý là công lý. Cho nên tôi đề nghị hết sức lưu ý vấn đề này. Đề nghị Quốc hội khóa XV xem xét vấn đề này”.
Về hòa giải, vừa qua chúng ta có Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Đây là bước cũng gọi là đổi mới. Tuy nhiên, ĐB chỉ ra, nhiều người phản ánh hòa giải chưa thực chất. Vẫn còn tình trạng hòa giải “dưới lưỡi dao” - tức hòa giải nhưng lại “đe” người tham gia hòa giải. Do đó, người hòa giải thực sự là người trung lập, dẫn dắt các bên để đi đến thỏa thuận công bằng.
ĐB Nhưỡng đề xuất cần tăng cường vai trò của tòa án nhân dân, UBND trong công tác thi hành án mà thực tế theo ông còn chưa quyết liệt, tồn tại nhiều khó khăn. Ngoài ra, cần tập trung nghiên cứu khách quan, nghiêm túc về các vụ việc kéo dài khiến dư luận rất bức xúc. Không được bàng quan trước tiếng kêu của nhân dân, đặc biệt, cần đoạn tuyệt với thái độ, định kiến tiêu cực trong tư pháp.
“Làm sao tư pháp là hộ pháp của nền kinh tế đất nước. VKS thể hiện vai trò kết nối đầu vào, đầu ra của hệ thống tư pháp, bánh răng trung chuyển sự thật, công bằng, khách quan, bản lĩnh. Không để bánh xe tư pháp vỡ nát, chệch khỏi đường ray công lý”, ĐBQH tỉnh Bến Tre nói.
Dư luận băn khoăn có “án bỏ túi”?
Tranh luận lại ý kiến với ĐB Lưu Bình Nhưỡng, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng, cách tiếp cận của ĐB Nhưỡng là chưa hợp lý. “Thực tế, không phải chỉ Việt Nam có oan sai. Thời gian qua, vì có oan sai nên chúng ta tìm ra các giải pháp, đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu để phấn đấu chứ không phải đưa ra chỉ tiêu này, mặc nhiên là trong nền tư pháp có oan sai. Thực tế, khi chúng ta ra nghị quyết, đặt ra chỉ tiêu thì đạt được chỉ tiêu oan sai giảm”, ĐB Hồng dẫn chứng.
Về vấn đề liên ngành, ĐB Hồng cho rằng, dẫn chứng mà ĐB Nhưỡng đưa ra chỉ là vụ việc… cá biệt. Hoạt động liên ngành sẽ đưa ra những quan điểm để giải quyết, trên tinh thần đảm bảo yêu cầu chính trị, pháp luật, yêu cầu thực tiễn trong một vụ việc. Sự phối hợp ở đây không phải là đưa ra các quy định làm giảm tính độc lập của việc xét xử.
|
ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng cho rằng ĐB Lưu Bình Nhưỡng có cách tiếp cận chưa hợp lý |
Sau phần phát biểu của ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đã bấm nút tranh luận lại.
Theo ĐB, trong báo cáo và nghị quyết không nói về chỉ tiêu oan sai. Nhưng khi nói về chỉ tiêu xét xử đúng thì phần còn lại là gì? “Tất cả cử tri cả nước đều hiểu phần còn lại là phần oan sai. Cần gì phải nói là chỉ tiêu oan sai, đấy chỉ là cách nói của chúng ta thôi. Chúng ta không nên bẻ câu chuyện ra. Chúng tôi có nhận thức để đảm bảo chúng tôi hiểu đúng câu chuyện này và cử tri có đủ nhận thức để hiểu điều đó. Nhất là những người được đào tạo bài bản.
Phần còn lại chắc chắn phải là oan sai. Cho nên tôi đã tranh luận từ kỳ trước, không nên đặt ra chỉ tiêu xét xử đúng mà chúng ta cần khẳng định phải xét xử đúng. Không nên đặt ra chỉ tiêu”, ĐB Nhưỡng tranh luận.
ĐB Nhưỡng cũng tiếp tục bảo vệ quan điểm về vấn đề liên ngành: "Trên thế giới, người ta không công nhận các cơ quan này ngồi lại với nhau. Ngày xưa, các cụ có bộ binh, bộ hình, bộ hộ là thế”. ĐB dẫn dụ, tại Đức, chỉ cần chánh án hỏi thẩm phán về vụ việc đã xét xử chưa, đã được xem là xâm phạm vào nguyên tắc xét xử độc lập.
“Các vị hiểu về nguyên tắc độc lập xét xử chưa thấu đáo, thế nên mới hình dung rằng vấn đề liên ngành là cần thiết. Chỉ riêng hình thức hoạt động liên ngành đã là chưa cần thiết rồi, chưa nói tới có bàn hay không bàn vấn đề gì. Biết đâu bàn là trường hợp này phải kết tội? Trường hợp này phải bỏ tù, trường hợp này phải xử ngần này năm? Vì thế dư luận mới đặt ra có hay không “án bỏ túi” là như thế”, ĐB Nhưỡng đề nghị các đơn vị liên quan cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng những vấn đề tồn tại này.
Minh Quang