Nhân đọc bài “Thầy giáo và nỗi buồn gánh xôi của vợ” trên quý báo, tôi thực sự quý mến trước sự tảo tần của người vợ, đồng cảm với tâm sự của thầy giáo song cũng có chút thương hại và ái ngại với suy nghĩ của thầy – với tư cách là một trụ cột gia đình.
|
Nguồn sống cả gia đình, hà cớ gì chồng lại mặc cảm tự ti? Ảnh minh họa |
Cha ông có câu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, đồng nghĩa như một sự mặc định đi kèm với lời gửi gắm: việc trọng đại trong gia đình phải do người đàn ông gánh vác. Cũng đồng nghĩa, gánh nặng kinh tế đặt lên vai người chồng, người cha như một nhiệm vụ cao cả không kém phần vất vả. Thế nên, làm sao để vợ con có cuộc sống ấm no, đủ đầy khiến nhiều ông chồng bạc tóc vì nghĩ kế sinh nhai.
Có một công việc ổn định và không kém phần danh giá như thầy, người vợ nào cũng mơ ước, dù biết rằng, nghề giáo “sang mà nghèo”. Từ trong thâm tâm người vợ và những đứa con đã quá thấu hiểu sự chật vật từ đồng lương ít ỏi của thầy, vì vậy sự bươn chải của người vợ chính là cùng san sẻ trọng trách với chồng. Bởi lẽ, bất cứ người đàn bà nào cũng muốn được xúng xính thảnh thơi chứ không tất tả thức đêm thức hôm canh nồi xôi để sáng mai kịp bán. Địa điểm trước cổng trường là một sự lựa chọn chính xác khi đối tượng chính là các em học sinh, phụ huynh và cả những đồng nghiệp của chồng.
|
Nghề nào cũng cao quý, dẫu chỉ là bán xôi. Ảnh minh họa |
Xôi có thể ngày ngon ngày chưa được mềm, nhưng lời mời chào “các em ơi, mua xôi nào” cũng chân thật và đầy trìu mến. Không nhắc gì về hình thức hay áo quần của vợ khi đứng bán hàng, chắc hẳn thầy giáo cũng không “mất mặt” vì sự chỉn chu và gọn gàng của vợ. Thế là quá ổn, khi thuận tiện cho học sinh, gia đình lại có thêm đồng ra đồng vô chính đáng. Tôi nghĩ thầy giáo không nên vì điều này mà xấu hổ đến muốn bỏ nghề.
Tôi nghĩ chữ “sĩ” trong thầy quá lớn, nó là biểu hiện và thứ cần thiết của đấng mày râu nhưng phải thực tế chứ không nên chạy theo cái hư danh ảo tưởng. Vợ bán xôi trước cổng trường có gì phải đến nỗi “muốn chuyển trường hay đi đâu thật xa”… rồi rơi vào trạng thái “phó mặc”. Điều mà vợ thầy muốn nhìn thấy ở chồng mình lúc này chưa hẳn là một xấp tiền dày gấp mấy lần lương mà là bản lĩnh, sự khí khái của một người đàn ông.
Tự ti để rồi thấy mình bé nhỏ thấp kém trong mắt học trò, đồng nghiệp liệu đáng có ở một người đàn ông, một người thầy? Nghề nào cũng cao quý cả, chỉ có điều anh có biết giá trị của cái mình đang làm, đang cống hiến từng ngày hay không. Khi bản thân mình không ý thức được những thứ tốt đẹp quanh mình, vì mình thì làm sao đòi hỏi người khác phải có cái nhìn tôn kính.
Thầy ái ngại vì một câu nói của trò mà thầy nghĩ rằng có ẩn ý, thầy lặng lẽ nín thinh không “bạo miệng” ở trường vì nghĩ rằng ngoài kia vợ mình là… Không có người bán xôi, bán bánh mì thì các em học sinh cũng sẽ đi mua ở một cửa hàng khác, có thể sẽ xa hơn và có thể sẽ vào lớp trễ trong sự không vui của thầy.
Không có người vợ bán xôi trước cổng trường thì lương nghề giáo ba cọc ba đồng có đóng được tiền học cho con, tiền điện nước, tiền ăn uống chi tiêu hàng ngày? Và nếu vẫn còn xấu hổ, có khi nào thầy nghĩ vợ con mình có thể đã có lần so sánh “chồng họ cũng là giáo viên môn thể dục, công dân… vậy mà vẫn đảm bảo cho vợ con sung túc”. Vì thực tế, có không ít đồng nghiệp của tôi ngoài việc đứng lớp, họ vẫn làm thêm những nghề tay trái. Người thì trồng cây bán hoa, bán quả; người mở dịch vụ giặt là; người học thêm nghề sửa ti vi, máy tính… Để thấy rằng, đói khổ là do mình, cuộc sống sẽ “dễ thở” hơn nếu chúng ta không đầu hàng hoàn cảnh.
|
Nếu biết cách san sẻ cùng vợ, chẳng ai có thể xem thường bản thân mình. Ảnh minh họa |
Nói vậy để cũng cảm thông một phần với thầy vì những người như thầy không phải ít. Có anh chồng từng giỏi giang, thành đạt nhưng không may công ty phá sản, trắng tay. Vợ khuyên chồng bán ô tô, nhà cao tầng đi để mua một mảnh đất nho nhỏ ở quê, thoát khỏi cuộc sống nợ nần túng bấn. Thế nhưng, cũng vì chữ “sĩ” mà người chồng vẫn quần là áo lượt, sáng lái ô tô đi cà phê mà không biết rằng vợ con phải chắt bóp từng đồng từ những đợt hàng bán cam bán quýt qua mạng. Nỗi khổ này, vợ chịu, con chịu, chồng thì… bất biết, hoặc biết mà ngó lơ.
Cuộc sống muôn màu, mỗi nhà lại mỗi cảnh, mỗi người lại mỗi nghề. Đừng quá tự kiêu để thấy ai cũng bé nhỏ trước mình nhưng cũng không vì thế mà tự ti để luôn cho mình thấp kém trong mắt người khác. Giá trị con người, giá trị nghề nghiệp, công việc nằm ở chỗ chúng ta biết trân quý bản thân, biết cảm nhận những gì mình làm là có ý nghĩa. Thay vì “cúi mặt xuống” thì hãy ngẩng cao đầu và vui vẻ với vợ con “mình ơi, sáng mai, tôi phụ giúp mình một tay rồi vào lớp nhé”, chắc hẳn quán xôi của vợ chồng thầy sẽ đắt khách hơn vì nó lan tỏa tình yêu trách nhiệm và sự thấu hiểu sẻ chia.
Lâm Hoàng