Đã hết thời hướng nghiệp kiểu "mì ăn liền"

04/10/2022 - 10:37

PNO - Điều học sinh THPT cần nhất khi hướng nghiệp là sự trải nghiệm thực tế, chứ không phải là những kiến thức suông, kiểu "mì ăn liền".

Giáo viên chủ nhiệm tại một trường THPT tại TP.Thủ Đức thừa nhận, các chương trình tư vấn hướng nghiệp được nhà trường phối hợp với các trường đại học tổ chức năm nào cũng như năm  nào. Trong đó, các buổi chào cờ đầu tuần thường được lựa chọn làm thời gian tổ chức, cùng với giờ sinh hoạt chủ nhiệm. 

"Trong khoảng 50-60 phút thời lượng chương trình, thì phân nửa thời gian dành để các trường đại học giới thiệu. Có những chương trình trên bàn tư vấn có đến 10 trường đại học, mỗi trường nói chưa được 5 phút đã hết thời gian, học sinh có đặt câu hỏi trường cũng không trả lời kịp. Hơn nữa, những chương trình như này, học sinh cả 3 khối cùng nghe, không có mấy em chú ý vì không phải em nào cũng có nhu cầu tìm hiểu về các trường đại học đó...", giáo viên này bày tỏ. 

Học sinh THPT hiện nay cần những thông tin hướng nghiệp trải nghiệm hơn là những kiến thức suông
Học sinh THPT hiện nay cần những thông tin hướng nghiệp trải nghiệm hơn là những kiến thức suông

Thầy N.V.M. - giáo viên chủ nhiệm một trường THPT tại quận Bình Tân thẳng thắn gọi những chương trình hướng nghiệp đang được các trường THPT tổ chức hiện nay là "mì ăn liền" vì tính hiệu quả là gần như rất ít. Thậm chí, các chương trình là cách quảng cáo cho các trường đại học một cách phản cảm.

Giáo viên N.V.M cho rằng, việc các trường đại học đồng hành cùng công tác hướng nghiệp cho học sinh THPT là hết sức cần thiết nhưng để hiệu quả, phù hợp thì cách thức triển khai phải thay đổi. Thay vì mải mê giới thiệu về trường, nói những điều "đao to búa lớn" với học sinh thì hãy dành thời gian để học sinh được hỏi, trả lời theo đúng nhu cầu mong muốn của các em, bám sát thực tiễn xã hội như ngành nghề nào đang thực sự cần, giúp các em có cái nhìn đúng đắn, khách quan nhất về các ngành nghề trong xã hội.  

Năm học này, học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn) được tham gia trao đổi, trò chuyện với cựu học sinh của trường hiện đang là sinh viên các trường đại học và cả những người đã ra trường, làm ở nhiều ngành nghề. Cô Nguyễn Thị Ánh Mai - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, cách thức hướng nghiệp này được nhà trường triển khai xuất phát từ nhu cầu thực tế của học sinh mong muốn được trải nghiệm nhiều hơn, sát sườn hơn.

"Từ đầu năm, nhà trường đã kết nối với cựu học sinh tổ chức chương trình song nhà trường để các em đăng ký chứ không tổ chức đại trà. Vì thế mà học sinh tham gia hết sức hào hứng, đặt rất nhiều câu hỏi. Những câu hỏi đi sâu vào mong muốn của các em, được những sinh viên trả lời từ chính kinh nghiệm của bản thân, mang đến cho học sinh không chỉ là kinh nghiệm học tập, thi cử, lộ trình học tập, năng lực tố chất từng ngành nghề mà còn là những lời khuyên hữu ích", cô Nguyễn Thị Ánh Mai nhìn nhận.

Cần đổi mới, đa dạng hoạt động hướng nghiệp bậc THPT
Cần đổi mới, đa dạng hoạt động hướng nghiệp bậc THPT

Hiệu trưởng này khẳng định, hiện nay mạng xã hội, internet đã cung cấp hầu hết cho học sinh thông tin về ngành nghề. Do vậy, điều học sinh cần nhất đó là sự trải nghiệm thực tế, chứ không phải là những kiến thức suông. Vì thế, công tác hướng nghiệp của nhà trường buộc phải thay đổi, chuyển mình, đa dạng hơn nữa để giúp học sinh nhận diện được nhiều nhất. Đồng thời để đáp ứng với thay đổi của Chương trình GDPT 2018 khi bậc THPT được xác định là giai đoạn định hướng nghề nghiệp.

Với công tác hướng nghiệp bậc THPT trong năm học 2022-2023 tại TPHCM, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc nêu rõ, hiệu trưởng trường THPT cần xây dựng kế hoạch tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh, tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, tối thiểu 1 lần/năm. Khuyến khích học sinh tham gia các hội thi hướng nghiệp, hướng nghề. Đặc biệt cần hạn chế tối đa quảng cáo tuyển sinh cho trường đại học trong giờ sinh hoạt dưới cờ, không thực hiện các hoạt động tư vấn du học trong trường học dưới mọi hình thức...

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI