Trui rèn trong gian khó
Với thành tích mới nhất 1’55’’ nội dung 100m ếch tại giải Bơi người khuyết tật (NKT) thế giới 2019 diễn ra tại Singapore từ ngày 6-13/5, Trịnh Thị Bích Như - vận động viên (VĐV) đội tuyển bơi lội NKT Việt Nam - chính thức giành suất dự Thế vận hội dành cho NKT (Paralympic) Tokyo 2020.
Mùa hè 2015 ở thành phố Glasgow, Scotland, cũng nội dung 100m ếch, thành tích 1’57’’14 đã mang về cho Bích Như tấm huy chương bạc (HCB) giải Vô địch bơi NKT thế giới, đồng thời ghi tên chị vào lịch sử bơi lội NKT Việt Nam: kình ngư đầu tiên ẵm huy chương trên đường đua xanh thế giới.
|
Bích Như cùng đồng đội dự giải Bơi người khuyết tật thế giới tại Singapore |
Bích Như, sinh năm 1985, tại H.Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. 3 tuổi, cô bị sốt bại liệt, hai chân teo tóp, phải chống tay lết trên mặt đất. Ngày ấy, trẻ con phải tập bơi từ rất sớm để khi tự chèo xuồng tới lớp, lỡ té nước còn biết xoay xở. Như chỉ có đôi bàn tay, hàng xóm mặc định vậy là không bơi, không học gì được. Nhà nghèo, cha mẹ làm thuê quần quật cả ngày mà vẫn đói, nên không thể bỏ việc để đưa đón dù biết con tha thiết đến trường. Thế là từ năm 10 tuổi, mỗi khi cả nhà đi vắng, Như lại mon men ra sông tự tập bơi. Không ít lần cô đã uống nước căng bụng, hai cánh tay đau nhừ. Nhưng mơ ước biết bơi để được đi học đã khiến cô bé quên đi mọi đau đớn. Một ngày nhìn cô con gái nhỏ bơi một mạch qua sông, cha mẹ cô đã rơi nước mắt.
Năm 2008, 23 tuổi, Bích Như khăn gói lên TP.HCM theo học tại Trung tâm Bảo trợ - dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật. Hành trang của cô gái trẻ là 1.000.000đ cha mẹ cho và ước mơ học được cái nghề để mai này tự nuôi sống bản thân. Ngày học may, tối Như nhận hàng thủ công mỹ nghệ về làm để kiếm 50.000đ mỗi ngày.
Thấy cô bạn đồng hương ủ dột, suốt ngày chỉ lo cắm mặt làm việc, anh Bùi Văn Đen - VĐV Đội tuyển Bơi lội NKT TP.HCM - rủ Như đi bơi. Như rụt rè theo chân đồng hương lên Trung tâm Văn hóa - Thể thao Q.Tân Bình với ý nghĩ bơi cho khuây khỏa. Không ngờ chuyến đi đó lại là duyên lành đưa Như đến với thể thao thành tích cao.
Nhờ khả năng bơi tự học ngày còn bé và được huấn luyện viên Phạm Đình Minh dìu dắt, chỉ sau ba tháng luyện tập Như đã bắt nhịp được với đồng đội và xuất sắc đoạt 1 huy chương vàng (HCV), 2 HCB tại giải Thể thao NKT toàn quốc năm 2010.
Ngày nào Như cũng ngồi xe lắc tay từ Q.3 lên Q.Tân Bình tập luyện. Bất kể nắng mưa.
Từ năm 2011, Như chính thức bước vào đường đua cấp khu vực và châu lục, không còn học tại Trung tâm Bảo trợ - dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM nữa. Để bám trụ trong điều kiện kinh tế eo hẹp, Như lặn lội xuống tận H.Hóc Môn thuê phòng trọ cho rẻ. Đoạn đường xa hun hút, nhưng mỗi ngày chiếc xe lắc tay đều đặn đi, về. Năm 2011, tham dự Đại hội Thể thao NKT Đông Nam Á (Para Games tổ chức tại Indonesia), Như giành 1 HCV, 2 HCB ở nội dung 100m ếch, 50m và 100m tự do. Gần 10 năm theo nghiệp bơi, thành tích tăng dần, Bích Như giờ đã là một người vợ, và… có tuổi, nhưng vẫn miệt mài những sải tay mạnh mẽ trong làn nước.
Khát khao làm mẹ
Ngày 20/10/2016, Bích Như làm cô dâu, chú rể là anh Đỗ Viết Thạch, sinh năm 1981. Trong bộ váy cưới trắng tinh, Như từ chối xe lăn, hai chân mang nẹp, hai tay chống nạng nhích từng bước vô lễ đường. Khoảnh khắc đó, nhiều bạn bè, đồng nghiệp của chị đã khóc. Nhắc chuyện xưa, Như tâm tình: “Bọn mình yêu nhau 6 năm mới được cưới đó. Gia đình ngăn cản vì sợ hai đứa cùng khuyết tật sẽ chỉ làm khổ nhau. Bận ấy đã chia tay được hơn nửa năm. Nhưng anh ấy gọi chúc mừng ngày 20/10, tự dưng hai đứa khóc ngon lành, vậy là yêu lại. Qua nhiều sóng gió, khoảnh khắc hạnh phúc nào cũng trở thành vô giá”.
|
Vợ chồng chị Bích Như
|
Thạch người Huế, cũng khuyết tật chân nhưng nhẹ hơn Như, anh có thể đi lại tập tễnh không cần dùng nạng. Gặp nhau trên đường đua, nụ cười rạng rỡ của cô gái miền Tây khiến chàng trai xứ Huế “say nắng”, ngược lại, Như ghét Thạch ra mặt, “người gì đâu mà khô khan, nói câu nào cũng cụt ngủn”. Vậy rồi, theo thời gian, cùng tập luyện, san sẻ với nhau niềm vui nỗi buồn trong thi đấu, chị nhận ra trong con người cục mịch ấy là một trái tim ấm áp, lạc quan, luôn sẵn sàng giúp đỡ những người xung quanh. Như chạy xe lắc, xe ba bánh, lên xuống đều vất vả, Thạch tự nguyện kề cận dìu. Những việc nặng, việc khó, Thạch tranh làm ngay, không để Như cực lòng. Tình yêu nảy mầm từ sự chân thành dung dị như thế. “Cuộc sống đôi lúc thật khó khăn, nhưng mình cảm thấy ổn vì có anh Thạch”, Bích Như nói.
Anh Thạch đến với bơi lội như một cách rèn luyện sức khỏe, chỉ thi thoảng tham gia các giải đấu trong nước. Trước đây, anh theo nghề chạm khắc gỗ rày đây mai đó, khi xuống Q.12, lên Q.Bình Tân, Tân Bình, khi qua tỉnh Bình Dương, thu nhập bấp bênh. Từ sau tết Nguyên đán Kỷ Hợi đến nay, anh được nhận vào làm bảo vệ tại một khách sạn ở Q.1, lương đủ trang trải tiền trọ, chợ búa. Còn Bích Như, ở tuổi 34, dù vẫn miệt mài tập luyện nhưng thẳm sâu trong tim chị là khao khát được làm mẹ: “Mình chờ hoài mà chưa thấy”, Như tình thiệt. Hỏi dự định sau khi có con, chị cho biết dự định sẽ mở một quán cà phê hoặc cửa tiệm tạp hóa để lui về cùng chồng vun vén tổ ấm.
Mẫn Nhi
“Tính tới thời điểm này, Như là gương mặt nữ duy nhất trong 4 VĐV của Đội tuyển Bơi lội NKT Việt Nam đạt chuẩn A dự Paralympic Tokyo 2020. Đội sang Singapore thi đấu lấy chuẩn Paralympic, vừa về Việt Nam là lao vào luyện tập ngay. Chịu nhiều áp lực, gánh nặng cả về tuổi tác lẫn kinh tế gia đình, nhưng khi bước vào dòng nước Như luôn thể hiện tinh thần quyết tâm, nỗ lực hết mình và hoàn thành từng bài tập với cường độ cao và căng thẳng. Như có tâm sự về khao khát được làm mẹ. Có thể Paralympic Tokyo 2020 sẽ là giải đấu cuối cùng trong sự nghiệp thể thao của cô. Nhưng đỉnh cao nhất mà con người hướng đến vẫn là hạnh phúc gia đình, tôi sẽ ủng hộ mọi quyết định của học trò”.
Nguyễn Đăng Viễn
Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Bơi lội NKT Việt Nam
|