Đã đóng tiền xây nhà máy nước nhưng suốt 13 trời vẫn mòn mỏi chờ nước sạch

30/03/2025 - 06:56

PNO - Dù đã đóng tiền xây nhà máy nước từ 13 năm trước, song đến nay, hàng ngàn người dân ở Nghệ An vẫn “khát” nước sạch. Nhà máy không đáp ứng được nhu cầu, nhiều người đòi lại tiền xây nhà máy nhưng xã cũng đành “bất lực” xin khất.

Kiểm tra lại hệ thống đường ống thu gom nước mưa từ mái nhà xuống bể ngầm mới hoàn thiện, bà Nguyễn Thị Nhân - 68 tuổi, trú xóm Đông Thị, xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An - cho biết, nước giếng khoan không đảm bảo nên gia đình bà chỉ dùng tắm giặt, nấu ăn phải mua nước sạch. Trung bình mỗi tháng gia đình bà chi 500.000 - 600.000 tiền mua nước sạch về để nấu ăn.

Nước giếng khoan bị ô nhiễm, bà Hoa phải xây bể chứa mua nước sạch để dùng hàng ngày - Ảnh: Phan Ngọc
Nước giếng khoan bị ô nhiễm, bà Nhân phải xây bể chứa mua nước sạch để dùng hàng ngày - Ảnh: Phan Ngọc

“Vì phải mua nên nhiều lúc có dám dùng đâu, sợ tốn tiền” - bà Nhân nói.

Để tiết kiệm chi phí, ít tháng trước gia đình bà đầu tư hơn chục triệu đồng làm hệ thống mương, đường ống thu gom nước mưa từ mái nhà xuống bể ngầm. Bà Nhân nói rằng, vì chưa có điều kiện nên chưa đầu tư làm được bể chứa lớn. Song với hệ thống thu gom nước mưa này, ít nhất gia đình cũng đỡ một khoản tiền mua nước những tháng mùa mưa.

Kế bên cạnh, bà Trương Thị Hoa (61 tuổi) may mắn hơn nhờ đã có sẵn bể ngầm chứa nước mưa 20m3 nên không phải mua nước. Tuy nhiên, để đủ dùng cho cả năm, gia đình bà cũng phải sử dụng rất tiết kiệm. Nhà sát trục đường chính của xã, phương tiện lưu thông nhiều, bụi bặm, nên thỉnh thoảng vợ chồng bà phải vệ sinh mái nhà để đảm bảo cho nguồn nước.

“Nước mưa được thu gom xuống bể ngầm dưới sân nhà. Khi dùng thì chúng tôi bơm lên một bồn chứa khác, dùng máy lọc qua rồi mới dùng được” - bà Hoa nói.

Bà Hoa đầu tư hệ thống bể ngầm thu gom nước mưa, máy lọc để phục vụ ăn uống - Ảnh: Phan Ngọc
Bà Hoa đầu tư hệ thống bể ngầm thu gom nước mưa, máy lọc để phục vụ ăn uống - Ảnh: Phan Ngọc

Năm 2012, UBND tỉnh Nghệ An đồng ý cho lập dự án đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt với tổng mức đầu tư hơn 28 tỉ đồng để cung cấp nước sinh hoạt cho xã Đô Thành. Trong đó, ngân sách bố trí 16,8 tỉ đồng và vốn đối ứng địa phương 11,2 tỉ đồng. Do nguồn vốn đối ứng của địa phương không đủ, nên chính quyền xã vận động người dân đóng góp, mỗi hộ 2,5 triệu đồng và đã thu được hơn 5 tỉ đồng.

Theo người dân địa phương, do nguồn nước giếng bị nhiễm phèn, nên đa số người dân đều đóng tiền với mong muốn sớm có nước sạch sử dụng. Năm 2017, nhà máy nước này hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, do công suất không đủ nên chỉ cung cấp nước sạch cho người dân ở 7 xóm, hơn 9.000 nhân khẩu ở 7 xóm còn lại vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn nước này.

Cầm trên tay đường ống nước đã bạc màu sau nhiều năm phơi nắng, ông Phan Văn Trung - 57 tuổi, trú xóm Đông Thị - cho biết, dù đã đóng 2,5 triệu đồng để xây dựng nhà máy từ hơn 10 năm trước, song đến nay gia đình ông vẫn chưa được mua nước sạch để dùng.

Quá mong chờ, ông Trung bỏ tiền lắp đặt sẵn đường ống dẫn nước từ nhà ra tới trục đường chính của xã từ nhiều năm trước, nhiều lần kiến nghị lên các cấp song cũng chỉ nhận được câu trả lời “tiếp tục chờ đợi, hiện công suất nhà máy chưa đáp ứng được”.

“Năm nào chúng tôi cũng hỏi nhưng có giải quyết được gì đâu. Chờ lâu quá, chúng tôi yêu cầu xã nếu không cung cấp nước thì trả lại tiền cho dân nhưng cũng không được” - ông Trung nói.

Dù đã đóng tiền xây dựng nhà máy, chi tiền lắp đặt sẵn đường ống dẫn nước, song đến nay ông Trung vẫn chưa tiếp cận được nước sạch - Ảnh: Phan Ngọc
Dù đã đóng tiền xây dựng nhà máy, chi tiền lắp đặt sẵn đường ống dẫn nước, song đến nay ông Trung vẫn chưa tiếp cận được nước sạch - Ảnh: Phan Ngọc

Ông Luyện Xuân Huệ - Chủ tịch UBND xã Đô Thành - cho biết, trong quá trình triển khai thi công dự án, vốn ngân sách nhà nước bị cắt giảm nên hiện xã này vẫn đang nợ tiền của nhà thầu. Dự án cũng chưa được quyết toán nên chưa thể triển khai giai đoạn 2 để cung cấp nước sạch cho người dân toàn xã.

“Xã cũng không có ngân sách để trả lại tiền cho người dân nên chúng tôi chỉ mong người dân thông cảm” - ông Huệ nói.

Lãnh đạo UBND xã Đô Thành cho biết, hiện địa phương này đang hoàn thiện hồ sơ trình Sở Tài chính để quyết toán dự án. Sau khi quyết toán, xã này sẽ trình các cấp cho phép sử dụng nguồn ngân sách từ bán đấu giá đất để thanh toán số tiền xây dựng nhà máy nước còn nợ của nhà thầu. Chỉ khi giải quyết xong được “nợ nần” mới có thể lên phương án xây dựng giai đoạn 2 cho nhà máy nước.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI