Câu chuyện sân khấu kịch Super Bowl của NSND Hồng Vân những ngày qua lại gióng lên một hồi chuông về tương lai của loại hình nghệ thuật này. Chuyện các sân khấu kịch không có doanh thu tốt, không hút được khán giả trong những năm qua không còn là vấn đề mới, nhưng luôn khiến người trong cuộc phải đau đáu trước vận mệnh của một loại hình giải trí từng phát triển rất hưng thịnh.
|
Chuyện NSND Hồng Vân thua lỗ, suýt đóng cửa sân khấu kịch Super Bowl lại một lần nữa gióng lên hồi chuông về tương lai của loại hình nghệ thuật này |
Đức Thịnh gắn bó với sân khấu kịch của NSND Hồng Vân khá sớm, có thể coi là những ngày đầu sân khấu thành lập vào năm 2001. Đó là thời kỳ đẹp nhất trong ký ức sự nghiệp của Đức Thịnh. Tuy nhiên, anh đã dừng duyên sân khấu của mình từ năm 2009.
Trở lại chuyện khó khăn của sân khấu kịch bây giờ, không chỉ riêng Super Bowl của NSND Hồng Vân mà với tình hình chung các sân khấu kịch gặp phải bây giờ, người ta nói nhiều đến sự xuất hiện của gameshow, YouTube, các chương trình giải trí miễn phí trên truyền hình và cả sự quay lưng của khán giả khiến kịch đứng bên bờ vực thẳm của sự tồn vong. Đức Thịnh không phủ nhận điều này, nhưng anh có điểm nhìn bao quát hơn, khi là người bước ra từ sân khấu.
|
Đức Thịnh trên sân khấu kịch |
“Nền sân khấu chúng ta giờ đây cần vận động mạnh mẽ để có thể cạnh tranh lôi kéo khán giả đối với các loại hình giải trí khác. Từ rất lâu rồi, chúng ta vẫn cứ xài những gì chúng ta có, và vốn đã cạn. Cần phải nạp năng lượng cũng như tìm cách làm mới, hướng đi mới để hấp dẫn khán giả hơn. Chúng ta phải đặt câu hỏi rằng, điều gì mà khán giả chỉ tìm được ở sân khấu kịch chứ không phải gameshow, không phải tivi, không phải YouTube”, nam nghệ sĩ chia sẻ đầy trăn trở.
Theo Đức Thịnh, đã đến lúc sân khấu cần có đội ngũ marketing và truyền thông như các sản phẩm giải trí khác, nhưng trên hết vẫn là chất lượng của các vở diễn. “Bây giờ không chỉ cần vàng thường mà là vàng 9999. Vé của vở diễn có thể bán cao hơn. Thậm chí, vé một suất xem vở diễn sân khấu phải cao hơn gấp nhiều lần một vé xem phim. Điều này rất bình thường nếu như chất lượng các vở diễn xứng đáng với tiền vé đó. Khán giả sẽ không tiếc tiền”, Đức Thịnh nói.
|
Sân khấu phải làm được những điều mà khán giả không thể tìm thấy ở gameshow, tivi, YouTube |
Cũng theo anh, câu chuyện vừa qua tại sân khấu Super Bowl của NSND Hồng Vân chỉ là 1 điển hình, và để giải quyết được tình hình chung thì mỗi sân khấu cần sự chung tay, đoàn kết, một đội ngũ nghệ sĩ giỏi, quản lý giỏi. Anh bảo Tấm Cám hay Tiên Nga ở sân khấu Idecaf hiện tại vẫn là những vở kịch ăn khách. Thậm chí, khán giả phải xếp hàng chờ mua vé để xem Tấm Cám. Đó là tín hiệu, dù là nhỏ nhoi để minh chứng rằng kịch nói không chết.
|
Tấm Cám vẫn là vở kịch ăn khách hiện tại |
Từng có quan điểm cho rằng hiện tại nếu muốn khôi phục sân khấu kịch chỉ còn cách buông rèm, đóng cửa và làm lại từ đầu. Đức Thịnh cho rằng không cần như thế. Khán giả nặng tình nhưng cũng rất mau quên. Nếu đóng cửa sân khấu thì chỉ một thời gian, họ tự nhiên mặc định kịch không còn tồn tại.
“Tôi đưa ra giải pháp thay vì mỗi sân khấu làm 15 vở như trước đây trong một năm, chúng ta làm 2, hoặc 3, tối đa là 4 vở thật "đinh", thật hấp dẫn, thật tử tế đàng hoàng về mặt nghệ thuật để kéo khán giả. Phải là những nghệ sĩ kịch tài năng và say mê thật sự mới được đứng trên sân khấu diễn. Và họ phải được trả mức lương tốt”, Đức Thịnh nói.
|
Diễn viên sân khấu phải chất lượng, tài năng và được trả lương tốt |
Anh cho rằng, nếu làm 10 vở nhưng mỗi vở chỉ có 20, 30 khách/suất, thì làm 1, 2 vở chất lượng, để khán giả đầy rạp vẫn hơn. Như thế, diễn viên cũng sẽ có nhiều thời gian hơn để tái đầu tư chất xám, cảm xúc cho chính vở diễn đó hoặc sáng tạo trong những kịch bản mới.
Đức Thịnh cho rằng diễn viên sân khấu kịch không cần phải quá đông (trừ những vở nhạc kịch, vở quy mô lớn), mà là cần chất: “Loại hình kịch nói rất khó, phải là những người thực sự có tài mới đứng diễn được. Có rất nhiều diễn viên hiện nay cứ lên sân khấu chỉ để giễu trò, chọc khán giả. Sân khấu kịch đâu cần điều này. Khán giả sân khấu kịch cần xem diễn viên nhập vai chứ không cần xem giễu. Nếu cần xem giễu thì họ xem gameshow hoặc YouTube chứ đến sân khấu kịch làm gì?”.
|
Đức Thịnh đề xuất các sân khấu nên làm 2, 3 hoặc 4 vở thật đinh, chất lượng để có thể hút khán giả |
Chung quy, theo nghệ sĩ Đức Thịnh, để kịch có thể trụ vững hoặc có hy vọng khôi phục vị thế trong tương lai, câu chuyện về chất lượng luôn là hàng đầu. Đức Thịnh cho rằng, bản chất sân khấu vốn dĩ là sang trọng nên cần đầu tư cả về nội dung và hình thức thật bắt mắt.
Thuỵ Khuê