Đã đến lúc nói lời từ biệt với thời trang nhanh

06/08/2022 - 07:01

PNO - Pháp yêu cầu từ năm 2023, nhãn mác các mặt hàng thời trang phải cung cấp thêm thông tin chính xác về mức độ ảnh hưởng lên khí hậu. Dự kiến bộ quy tắc tương tự sẽ có hiệu lực ở Liên minh châu Âu vào năm 2026.

Yêu cầu đổi mới của ngành thời trang 

Cơ quan Chuyển đổi Sinh thái của Pháp (Ademe) hiện đang thử nghiệm 11 đề xuất về phương pháp thu thập và so sánh dữ liệu nhằm xem xét thông tin cần có trên mác quần áo. Erwan Autret, một trong những điều phối viên tại Ademe, cho hay: “Thông điệp của luật rất rõ ràng: Việc này sẽ trở thành bắt buộc. Do đó, các thương hiệu cần bắt tay vào làm việc để đưa ra các sản phẩm minh bạch, có thể truy xuất nguồn gốc, tự động thu thập dữ liệu”. 

Thời trang nhanh tạo ra rất nhiều sản phẩm may mặc với giá thành rẻ, góp phần tác động xấu đến môi trường - ẢNH: GETTY IMAGES
Thời trang nhanh tạo ra rất nhiều sản phẩm may mặc với giá thành rẻ, góp phần tác động xấu đến môi trường - Ảnh: GETTY IMAGES

“Việc các thương hiệu phải cung cấp thông tin về tác động lên môi trường buộc các nhãn hàng minh bạch hơn trong khâu thu thập dữ liệu và tạo mối quan hệ lâu dài với nguồn cung của họ - những điều trước đây họ không quen làm. Ngay bây giờ, điều đó có vẻ rất phức tạp nhưng những ngành khác đã áp dụng, ví dụ như vật tư y tế” - Victoire Satto (thuộc The Good Goods - cơ quan truyền thông tập trung vào thời trang bền vững) cho biết. 

Tại hội nghị dệt may Premiere Vision diễn ra ở Paris, các phát biểu nhấn mạnh vào quy trình sản xuất mới sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường, bao gồm thuộc da không độc hại, thuốc nhuộm từ trái cây và chất thải, thậm chí cả đồ lót phân hủy sinh học. Tuy vậy, theo Ariane Bigot, Phó giám đốc thời trang của Premiere Vision, chìa khóa của sự bền vững là sử dụng đúng loại vải cho trang phục phù hợp, đồng nghĩa với việc các loại vải tổng hợp, có nguồn gốc từ dầu vẫn sẽ có chỗ đứng.

Tương tự, Hiệp hội ngành Dệt may Thụy Sĩ cùng Tổ chức Thương mại Công bằng Thụy Sĩ và Amfori đã khởi động chương trình may mặc mang tên “Dệt may bền vững Thụy Sĩ” (STS 2030) với yêu cầu các bên liên quan trong dây chuyền sản xuất phải hành động một cách bền vững.

Mác quần áo cung cấp thông tin về ảnh hưởng của sản phẩm lên môi trường - Ảnh: Kickstarter
Mác quần áo cung cấp thông tin về ảnh hưởng của sản phẩm lên môi trường - Ảnh: Kickstarter

Bốn mục tiêu chính của STS 2030 bao gồm: cắt giảm lượng khí thải nhà kính; thúc đẩy mức lương công bằng và điều kiện làm việc nhân đạo cho tất cả mọi người; thúc đẩy các mô hình kinh doanh sáng tạo hướng tới nền kinh tế tuần hoàn; đảm bảo tính minh bạch để việc mua hàng bền vững không bị gián đoạn. Trong giai đoạn thực hiện, những dịch vụ do các công ty và tổ chức cung cấp phải phù hợp với các mục tiêu bền vững. Tất cả các bên liên quan nên sử dụng chính sách thông tin chủ động để tạo động lực thúc đẩy quá trình tiêu dùng và mua hàng thân thiện hơn với khí hậu cũng như sử dụng quần áo thân thiện với môi trường.

Bất cập trong việc xác định tính minh bạch ở quá trình sản xuất 

Theo Liên Hiệp Quốc, công nghiệp thời trang là một trong những ngành tiêu thụ nước nhiều nhất trên thế giới, đồng thời chiếm 10% lượng khí thải carbon toàn cầu. Với sự phát triển của công nghệ truy xuất nguồn gốc kỹ thuật số, các thương hiệu có thể theo dõi toàn bộ chuỗi cung ứng từ nguyên liệu thô đến thành phẩm và giám sát việc tuân thủ quy định của các nhà cung cấp, dễ dàng xác định rủi ro tiềm ẩn trong quy trình sản xuất. Có những công ty đã áp dụng cách quét mã gắn liền với một loại quần áo cụ thể như mã QR hoặc RFID để người mua nắm được thông tin rõ ràng, chính xác. Một số thông tin xuất hiện trên nhãn mác bao gồm nguyên liệu được sử dụng, thời hạn sử dụng... Tuy nhiên, phương pháp này vẫn còn nhiều lỗ hổng.

H&M bị cảnh báo về việc tiếp thị sai lệch về sản phẩm thân thiện với môi trường - ẢNH: GETTY IMAGES
H&M bị cảnh báo về việc tiếp thị sai lệch về sản phẩm thân thiện với môi trường - Ảnh: GETTY IMAGES

Tháng 6/2022, Liên minh May mặc bền vững đã thông báo đang tạm dừng công cụ đánh giá mức độ ảnh hưởng lên môi trường (chỉ số MSI) sau khi Tập đoàn Thời trang H&M và hãng Norrøna bị cảnh báo về việc sử dụng chỉ số này làm cơ sở để đưa ra các tuyên bố về môi trường. Norrøna bị cáo buộc đã sử dụng số liệu từ MSI nhằm truyền tải thông điệp sai lệch về lợi ích của áo phông cotton hữu cơ tới môi trường. Cách đưa tin của hãng đánh lừa người tiêu dùng rằng tác động môi trường của sản phẩm này ít hơn đáng kể vì được làm từ loại bông hữu cơ chứ không phải bông thông thường. Ông Trond Rønningen - Giám đốc Cơ quan Người tiêu dùng Na Uy - nhấn mạnh: “Khi ngành công nghiệp quần áo và các ngành khác sử dụng các tuyên bố về môi trường trong khâu quảng cáo, điều quan trọng là nội dung họ đưa ra phải chính xác. Nguyên tắc cơ bản của marketing là trung thực, tạo ấn tượng cân bằng và chính xác nhất về bất kỳ lợi ích nào tới môi trường. Nếu không, người tiêu dùng có nguy cơ lựa chọn nhầm”. 

Giảm phát triển - chìa khóa của sự bền vững

Theo thống kê, chỉ trong 15 năm đầu của thế kỷ XXI, số lượng quần áo được sản xuất tăng gấp đôi nhưng số lần mặc của một sản phẩm trước khi bị bỏ lại giảm. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề này là thời trang nhanh và mô hình kinh doanh thời trang nhanh chủ yếu cám dỗ người tiêu dùng bằng cách cung cấp hàng may mặc với giá cực rẻ và các dòng sản phẩm mới liên tục ra đời. Thời trang nhanh tập trung vào việc đáp ứng thị hiếu luôn thay đổi của người tiêu dùng càng nhanh càng tốt, mục tiêu chính là làm cho người tiêu dùng không ngừng mua nhiều quần áo.

Hiệp hội ngành Dệt may Thụy Sĩ cùng Tổ chức Thương mại Công bằng Thụy Sĩ và Amfori đã khởi động chương trình “Dệt may bền vững Thụy Sĩ” (STS 2030) với yêu cầu các bên liên quan trong dây chuyền sản xuất phải hành động một cách bền vững - Ảnh: Apparel Resources
Hiệp hội ngành Dệt may Thụy Sĩ cùng Tổ chức Thương mại Công bằng Thụy Sĩ và Amfori đã khởi động chương trình “Dệt may bền vững Thụy Sĩ” (STS 2030) với yêu cầu các bên liên quan trong dây chuyền sản xuất phải hành động một cách bền vững - Ảnh: Apparel Resources

Tại COP26 (Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc lần thứ 26), một trong những từ khóa xuất hiện nhiều nhất là “giảm phát triển”, có thể hiểu là tạo ra ít sản phẩm hơn. Sự giảm phát triển bắt đầu bằng việc từ chối mô hình kinh doanh thời trang nhanh và tạo ra một hệ sinh thái thời trang cho từng địa phương, khu vực. Caroline Rush, Giám đốc điều hành của Hội đồng Thời trang Anh (BFC), chia sẻ: “Các thương hiệu và chính phủ có thể phát triển các kỹ thuật mới, sản xuất trong nước và đào tạo lại công nhân, kéo dài tuổi thọ của hàng may mặc bằng cách đưa vào sử dụng các vật liệu cũ trong nền kinh tế thời trang và chấm dứt vòng đời tuyến tính hiện đang gắn liền với ngành công nghiệp này”. 

Các nhà thiết kế có thể tiên phong cho hướng đi trên thông qua việc sản xuất các bộ sưu tập không chạy theo xu hướng, có tuổi thọ cao, chấm dứt các mô hình sản xuất lãng phí. Dịch vụ sửa chữa và đổi trả cần được phát triển mạnh hơn để giảm nhu cầu mua bán. Ngoài ra, một trong những hướng đi quan trọng hầu hết các công ty đang triển khai là thực hiện các chương trình tái chế. Các đơn vị sản xuất dần chuyển sang tận dụng năng lượng mặt trời nhằm bảo tồn các nguồn tài nguyên có nguy cơ cạn kiệt. Nhiều thương hiệu đã và đang áp dụng các sáng kiến xanh thân thiện với thiên nhiên như nâng cao công nghệ, tự động hóa sản xuất, đóng gói bao bì xanh. Bao bì có thể phân hủy sinh học như bột ngô, thủy tinh, cây gai dầu và giấy thủ công là một số giải pháp sáng tạo các nhãn hàng đang sử dụng. Dùng thuốc nhuộm có nguồn gốc từ vi khuẩn, triển khai chuỗi cung ứng blockchain và giới thiệu khả năng truy xuất nguồn gốc để tăng tính minh bạch là một số giải pháp mới nhằm đạt được mục tiêu bền vững tốt hơn. 

Thục Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI