Đã đến lúc “nói không” với điện thoại trong trường học

25/09/2024 - 06:14

PNO - Bộ GD-ĐT không có quy định cấm hay cho phép học sinh dùng điện thoại di động trong trường (chỉ cấm dùng khi đang học tập trong lớp) nên có trường cấm, có trường cho; những trường ra thông báo cấm cũng nhận được những phản ứng trái chiều từ phụ huynh học sinh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc, Bộ GD-ĐT cần ban hành quy định cấm tuyệt đối việc sử dụng điện thoại trong trường học để ngăn ngừa những tác động tiêu cực đến học sinh.

Các em học sinh Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh, TPHCM) mang điện thoại đến trường nhưng chỉ khi ra về mới được sử dụng - Ảnh: Nguyễn Loan
Các em học sinh Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh, TPHCM) mang điện thoại đến trường nhưng chỉ khi ra về mới được sử dụng - Ảnh: Nguyễn Loan

Học sinh dễ nghiện mạng, nghiện game

Mới đây, một số trường ở TPHCM đã cấm học sinh (HS) dùng điện thoại di động (ĐTDĐ) trong khuôn viên trường, có trường cấm dùng kể cả trong giờ ra chơi, như Trường THPT Trường Chinh, Trường THPT Thạnh Lộc (quận 12).

Ông Lương Văn Định - Hiệu trưởng Trường THPT Thạnh Lộc - lý giải: “Trước đây, khi chưa cấm, cứ đến giờ chơi, HS chỉ ngồi lì trong lớp lướt điện thoại. Từ khi không được phép dùng ĐTDĐ trong trường, nhiều em đã chịu tham gia các hoạt động thể dục thể thao ở sân trường hoặc ngồi đọc sách, trò chuyện với bạn bè. Cũng có em chưa quen với việc này, tỏ ra bứt rứt nhưng chúng tôi tin đây là quy định đúng đắn, giúp các em thoát ly khỏi chiếc điện thoại. Nhà trường cũng yêu cầu giáo viên không dùng ĐTDĐ trong tiết dạy để làm gương cho HS”.

Từ khi cấm HS dùng ĐTDĐ trong trường, mỗi giờ ra chơi, sân trường nhộn nhịp hơn hẳn do có đông HS chơi các trò vận động, không còn cảnh HS ngồi dán mắt vào chiếc điện thoại. Theo tôi, đây là tín hiệu rất tích cực.

Ông Trịnh Duy Trọng - Hiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh

Ngược lại, ở Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), HS vẫn được phép mang ĐTDĐ vào trường, chỉ cần bật chế độ im lặng khi đã vào lớp; khi có tiết học cần đến ĐTDĐ, dưới sự cho phép của giáo viên, HS vẫn được dùng. Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng nhà trường - giải thích: “Cấm quá thì không đúng, mở quá cũng không được. Thành ra, đầu năm học nào, chúng tôi cũng phải bàn bạc, nhất trí với phụ huynh rồi phổ biến cho HS. Trước khi cho HS dùng ĐTDĐ trong tiết dạy của mình, giáo viên phải báo cáo với ban giám hiệu; hết tiết đó, HS phải cất điện thoại”. Theo ông, nếu giáo viên, nhà trường và phụ huynh quản lý không tốt, HS rất dễ bị nghiện ĐTDĐ, nghiện mạng, nghiện game.

Do không có quy định cấm nên nhiều học sinh ở TPHCM vẫn mang điện thoại di động đến trường để sử dụng trong giờ ra chơi
Do không có quy định cấm nên nhiều học sinh ở TPHCM vẫn mang điện thoại di động đến trường để sử dụng trong giờ ra chơi

Ông Huỳnh Thanh Phú cũng cho rằng, trong thời đại số, việc ứng dụng công nghệ vào việc dạy và học là cần thiết và ĐTDĐ thông minh là một thiết bị hỗ trợ đắc lực. Ví dụ, khi Việt Nam xuất hiện các cơn bão, giáo viên môn địa lý có thể hướng dẫn HS cách xem đường đi của bão qua định vị GPS, dạy cách sử dụng định vị, bản đồ số hiệu quả. Trong một số môn khác, giáo viên cũng cần hướng dẫn HS cách dùng thiết bị thông minh (điện thoại, iPad, máy tính có kết nối internet) để làm thí nghiệm ảo, làm toán hình học. Do không phải trường nào cũng có đủ phòng máy tính, thiết bị công nghệ để dạy và học nên việc dùng ĐTDĐ thông minh là một cách tiện lợi, hiệu quả.

Theo Điều lệ trường trung học do Bộ GD-ĐT ban hành kèm theo Thông tư 32/2020, “HS không được sử dụng ĐTDĐ, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Nghĩa là, HS được dùng ĐTDĐ trong lớp học khi được giáo viên cho phép. Bộ cũng lý giải, việc sử dụng điện thoại trong lớp học với mục đích học tập giúp khai thác các lợi thế kết nối của các thiết bị thông minh (trong đó có điện thoại), góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thời kỳ chuyển đổi số.

Không mang điện thoại di động vào trường, học sinh Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh, TPHCM)  vẫn dễ dàng liên lạc với gia đình bằng điện thoại bàn do nhà trường trang bị
Không mang điện thoại di động vào trường, học sinh Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh, TPHCM) vẫn dễ dàng liên lạc với gia đình bằng điện thoại bàn do nhà trường trang bị

Trường tiểu học, THCS “nói không” với điện thoại di động

Mỗi giờ ra chơi, sân Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) luôn nhộn nhịp với các tốp HS chơi thể thao, trò chuyện, đọc sách… Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường - việc để HS bậc THCS mang ĐTDĐ vào trường là chưa thật sự hiệu quả.

Theo khảo sát sơ bộ của trường này, có khoảng 90% HS có ĐTDĐ, phần lớn mang vào trường chỉ để chơi game, lướt mạng xã hội. “Việc quản lý và xử lý khi cho HS sử dụng ĐTDĐ là rất khó khăn. Giáo viên không thể kiểm soát được hết nên chúng tôi yêu cầu cấm tuyệt đối HS dùng ĐTDĐ khi vào trường nếu không có sự đồng ý của giáo viên. Chỉ khi hết giờ học, nếu muốn liên lạc với phụ huynh, HS mới được dùng ĐTDĐ” - ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Để HS liên lạc với người nhà khi có việc cần, nhà trường trang bị 4 điện thoại bàn, cho gọi miễn phí. HS Phan Nguyễn Bảo Ngọc (lớp 6/4) cho biết, khi kết thúc giờ học buổi chiều, em và nhiều bạn tới chỗ điện thoại công cộng của trường để gọi báo cha mẹ tới đón. HS Quang Anh (khối Tám) nói: “Việc không dùng ĐTDĐ giúp tụi em tập trung hơn trong giờ học, chơi đùa vui vẻ trong giờ ra chơi. Tiết học nào cần tới internet thì tụi em vô phòng máy tính”.

Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1) cũng có khoảng 90 - 92% HS có ĐTDĐ. Ông Cao Đức Khoa - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Nếu mang theo ĐTDĐ, khi tới cổng trường, HS phải tắt máy và không được tự ý dùng cho tới khi hết thời gian học buổi chiều”. Theo ông, HS sử dụng ĐTDĐ sớm có thể bị những nội dung độc hại trên mạng ảnh hưởng xấu, bị mất tập trung, bị bắt nạt hoặc lừa đảo.

“Nếu không có sự kiểm soát của người lớn thì hầu như trẻ ở độ tuổi tiểu học chỉ dùng ĐTDĐ để chơi game, xem phim hoạt hình hoặc lướt mạng xã hội, rất dễ sa đà, nghiện game, nghiện mạng”.

Nguyễn Kim Phượng - Hiệu trưởng Trường tiểu học
Trần Quang Khải, quận Gò Vấp

Còn ở bậc tiểu học, hầu hết các trường ở TPHCM không khuyến khích HS mang theo điện thoại và các thiết bị điện tử khác tới trường. Theo bà Phạm Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường tiểu học Đặng Trần Côn (quận 4) - các trường không ra quy định cấm, nhưng đều khuyến cáo phụ huynh không nên cho trẻ dùng ĐTDĐ. Dù vậy, vẫn có một số HS mang điện thoại hoặc iPad vào trường. Trẻ con ở độ tuổi này chưa thể tự bảo quản, và việc tự động lấy thiết bị ra chơi game trong giờ ngủ trưa, giờ ra chơi sẽ ảnh hưởng không tốt đến các bạn khác”.

Hiệu trưởng các trường nhận định: việc phụ huynh cho sử dụng ĐTDĐ tự do khi ở nhà sẽ dễ khiến con em mình nghiện game hoặc “lậm” mạng xã hội, làm giảm khả năng tập trung, tác động không tốt đến suy nghĩ, nhận thức, thái độ. Do đó, phụ huynh cần quản lý việc sử dụng ĐTDĐ của con em lúc ở nhà. Việc mang theo ĐTDĐ, iPad vào trường có thể khiến HS - nhất là HS tiểu học, THCS - rơi vào tầm ngắm của bọn tội phạm (trộm cắp, cướp giật) bởi các thiết bị di động này cũng là loại tài sản có giá trị.

Trong khi đó, nhiều phụ huynh cũng mong nhà trường ban hành quy định cấm HS dùng ĐTDĐ trong trường bởi theo họ là “lợi ít, hại nhiều”. Một phụ huynh HS ở TPHCM than: “Con tôi đang học THPT nhưng do “lậm” ĐTDĐ, 2 năm qua, cháu nói chuyện nhát gừng với cha mẹ, không thích giao tiếp, việc nhà thì không đụng tới, việc học thì chểnh mảng”.

Dùng điện thoại công cộng thay điện thoại di động

Từ nhiều năm nay, Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, TP Hà Nội) trang bị điện thoại công cộng miễn phí trong trường để HS gọi điện thoại miễn phí cho người thân khi cần. Nếu muốn HS mang ĐTDĐ vào trường, phụ huynh HS phải trao đổi trước với giáo viên chủ nhiệm. Trước khi vào lớp, HS phải để ĐTDĐ vào tủ chứa ĐTDĐ của lớp và chỉ được nhận lại sau khi kết thúc buổi học. Khi có tiết học cần dùng ĐTDĐ thông minh, giáo viên sẽ thông báo cho phụ huynh HS và có hướng dẫn cụ thể với HS.

Cũng nhiều năm nay, Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (cơ sở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) quy định, HS phải tắt ĐTDĐ trước khi vào trường, sau đó để vào hộp đựng ĐTDĐ của lớp, cuối buổi học mới được nhận lại và chỉ được mở nguồn khi ra khỏi cổng trường.

Cần giáo dục cho trẻ tính thật thà, trung thực

Một trong những lý do khiến nhiều người không ủng hộ việc cho phép HS dùng ĐTDĐ trong trường là sợ các em gian dối trong học tập, kiểm tra. Nhưng tôi cho rằng, cấm không phải là một giải pháp hay mà vấn đề là phải giáo dục cho các em lòng trung thực, thật thà từ bé. Điện thoại thông minh không có lỗi mà lỗi là chúng ta không sát sao giáo dục để hình thành đức tính thật thà, trung thực cho trẻ.

Chúng ta luôn đổ lỗi cho phương tiện hiện đại khi thấy con em cứ dán mắt vào màn hình. Chúng ta không giáo dục được nên cấm, nghĩa là chúng ta từ chối những thay đổi tích cực của hiện đại hóa. Tôi vẫn đánh giá cao một HS biết tìm ý tưởng trên mạng xã hội để gỡ khó cho việc hoàn thành bài tập hơn là HS vừa không làm được bài tập, vừa không biết tìm ý tưởng nhờ công nghệ. Tôi là giáo sư nhưng cũng có nhiều điều học hỏi từ trên mạng.

Ở trường, lớp, giáo viên đưa bài tập và yêu cầu HS tìm cách giải quyết. Trước vật thể cần tiện, đúc, kỹ sư có thể nhờ thiết bị công nghệ gợi ý hướng xử lý để có được lựa chọn tối ưu nhất, nên HS cũng có thể nhờ thiết bị công nghệ hỗ trợ để giải quyết các yêu cầu mà giáo viên đề ra. Tôi cho rằng, việc cấm HS sử dụng ĐTDĐ trong trường học không phải là một giải pháp hay.

Giáo sư Phạm Tất Dong - nguyên Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam

Cân nhắc kỹ kẻo “lợi bất cập hại”

Không thể phủ nhận những lợi ích mà điện thoại thông minh mang đến cho HS. Tuy nhiên, ở bất cứ tiêu chí nào, điện thoại thông minh cũng có những tác hại của nó.

Điện thoại thông minh giúp HS dễ dàng tra cứu thông tin, tài liệu học tập và các nguồn tham khảo trực tuyến ngay trong lớp nhưng điều này có thể khiến HS quá tải thông tin, làm giảm khả năng phân biệt thông tin chất lượng, tin cậy và thông tin không chính xác. Điện thoại thông minh giúp HS dễ dàng giao tiếp, hợp tác với bạn bè, giáo viên thông qua các nền tảng trực tuyến, hỗ trợ HS học tập nhóm và chia sẻ thông tin khá hiệu quả nhưng cũng làm tăng nguy cơ phụ thuộc vào giao tiếp ảo, khiến HS giảm khả năng tương tác trực tiếp, ảnh hưởng không tốt đến kỹ năng xã hội. Điện thoại thông minh giúp HS có được nền tảng công nghệ nhưng khi phụ thuộc quá mức vào công nghệ, HS có thể bị suy giảm khả năng tư duy, khả năng sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề…

Nếu quản lý lớp học tốt, bài giảng hấp dẫn, có phần mềm quản lý các hoạt động của HS trên điện thoại thông minh… thì việc sử dụng điện thoại thông minh trong lớp học sẽ phát huy được những yếu tố tích cực, còn ngược lại thì sẽ lợi bất cập hại.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT

Cấm học sinh sử dụng điện thoại ở trường là cần thiết

Việc trao quyền và giao ĐTDĐ cho HS quá sớm sẽ dẫn tới rất nhiều hệ lụy không lường trước được. Tình trạng bắt nạt trên mạng xã hội, xem phim sex, lừa đảo… cũng bắt nguồn từ việc phụ huynh để trẻ sử dụng ĐTDĐ khi chưa giáo dục kỹ năng cho con. Ngoài ra, việc sử dụng thiết bị điện tử nhiều còn dẫn tới những hệ lụy về sức khỏe như mắc bệnh cận thị, mất khả năng tập trung, tư duy, ghi nhớ, mất khả năng giao tiếp; nếu nghiện game thì có thể dẫn tới rối loạn lo âu, rối loại giấc ngủ, trầm cảm… Vì vậy, việc cấm HS sử dụng ĐTDĐ ở trường là cần thiết. Khi đó, các em có 8 giờ mỗi ngày ở trường để học và giao tiếp với bạn bè, thầy cô.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh - Viện Ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục

Uông Ngọc - Minh Tâm - Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI