Đã đến lúc không được chủ quan với ánh nắng

21/05/2023 - 07:14

PNO - Thời tiết mới đầu hè đã vô cùng khắc nghiệt, ánh nắng chói chang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới làn da. Bác sĩ chuyên khoa da liễu cho biết 2 tuần qua đã ghi nhận rất nhiều trường hợp đến khám bệnh về da liên quan tới yếu tố môi trường tác động.

Viêm da ánh sáng thực vật

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Vi Anh - Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết hiện có rất nhiều trường hợp đến khám da do ảnh hưởng của ánh nắng. Những bệnh nhân này gặp phải các vấn đề về da như viêm da tiếp xúc ánh sáng thực vật, cháy nắng, bùng phát mụn nhọt, nám, nhiễm vi nấm... 

Một trong số đó là chị P.T.D. (42 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM). Sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, 2 cánh tay và mu bàn tay của chị D. nổi các mảng hồng ban, ngứa ngáy. Không dừng lại ở đó, khi tình trạng kích ứng giảm đi, vùng da bị tổn thương xuất hiện những đốm đen sậm, nằm rải rác khắp tay khiến chị D. lúc nào cũng phải mặc áo dài tay để che giấu. Chị D. vô cùng hoang mang, sợ rằng mình đã mắc phải bệnh lý ác tính, vội vàng đi khám. 

Sau khi kiểm tra tình trạng và hỏi bệnh sử, bác sĩ xác định nguyên nhân các đốm đen trên da chị D. là do tiếp xúc quá mức với ánh nắng trong thời gian dài. Bệnh nhân mới đi biển về. Trong 4 ngày liên tiếp, chị mặc đồ bơi ra bãi biển chụp ảnh. Những lúc dạo chơi, bệnh nhân cũng mặc trang phục hở tay thoáng mát mà không có biện pháp bảo vệ da đầy đủ. Chị D. kể mình chỉ bôi kem chống nắng vùng mặt 1 lần duy nhất cho cả ngày. Trường hợp của chị D. được gọi là viêm da ánh sáng thực vật. Nghĩa là khi đi biển, làn da sẽ tiếp xúc nhiều hơn với ánh sáng mặt trời (do cát, nước biển phản xạ lại ánh sáng nên nhận cường độ tia cực tím gần gấp đôi bình thường).

 

Ánh nắng là tác nhân lớn gây nhiều bệnh về da, trong đó có ung thư - ẢNH MINH HỌA: INTERNET
Ánh nắng là tác nhân lớn gây nhiều bệnh về da, trong đó có ung thư - Ảnh minh họa: Internet 

Lúc này, chỉ cần tiếp xúc với những chất nhạy cảm ánh sáng có trong một số loại thực vật là dễ bị xuất hiện phản ứng như trên. Những loại thực vật đó có thể là rong rêu dưới biển hoặc chanh, cam hay một thành phần của nước hoa chiết xuất từ thiên nhiên mà ta đang dùng. Người bị viêm da ánh sáng thực vật có dấu hiệu da bị thâm đen sau khoảng 2 tuần kể từ thời điểm làn da bị tác động. Mặc dù viêm da ánh sáng thực vật không nguy hiểm tính mạng nhưng gây mất thẩm mỹ khiến bệnh nhân tự ti, ảnh hưởng tâm lý và làm xáo trộn cuộc sống. Thông thường, các vết thâm đen sẽ tự hết sau 1-2 tháng. Tuy nhiên, một số trường hợp hồi phục rất chậm, cần đi khám để được can thiệp y tế.

Bùng phát mụn, nám má, nhiễm vi nấm

Ngoài viêm da ánh sáng thực vật, nắng nóng còn khiến không ít người bị bùng phát mụn, nhất là nhóm học sinh trong độ tuổi dậy thì. Như trường hợp em N.V.A. (học sinh lớp Mười, ngụ quận Tân Phú, TPHCM). A. có cơ địa hay nổi mụn nhưng đã được điều trị ổn định. Kể từ lúc thời tiết vào hè tới nay, mồ hôi và bụi bẩn khiến mặt em bùng mụn trở lại. Khi khám cho A., bác sĩ nhận thấy mụn bị viêm, ngứa và có mủ nhiều hơn những lần trước. Nguyên nhân do trời nóng, mồ hôi chảy nhiều làm bít tắc lỗ chân lông. Mụn không chỉ nổi ở vùng mặt bệnh nhân mà còn xuất hiện ở 2 bên cánh tay, lưng. 

Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng còn rất dễ gây tình trạng nám má đối với phụ nữ trên 30 tuổi. Điển hình như trường hợp chị P.T.K.M. (36 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM). Chị M. đi khám chuyên khoa da liễu - thẩm mỹ da vì bỗng dưng da mặt xuống sắc rõ rệt. Trước đây, vết nám trên gò má chị rất mờ thì nay bỗng trở nên sậm màu. Không những thế, trên trán, quanh khóe mắt và rãnh cười của chị M., các nếp nhăn cũng hằn sâu rõ nét, lỗ chân lông to nên rất dễ nhìn thấy. Sau khi thăm khám, bác sĩ cho biết tất cả dấu hiệu trên là biểu hiện lão hóa của làn da, yếu tố thúc đẩy chính là nắng nóng.

Cuối cùng là nhóm bệnh nhân nhiễm vi nấm. Bác sĩ Vi Anh cho biết những bệnh nhân mình gặp thường có cơ địa hay bị nhiễm trùng hoặc có tiền sử từng bị nấm. Thời tiết nóng nực làm cơ thể ẩm ướt do sự tăng tiết mồ hôi. Sự ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho vi nấm phát triển. Các vị trí hay bị nhiễm nấm là phần da có nếp gấp trên cơ thể (bẹn, nách).

 

Nên tạo thói quen sử dụng kem chống nắng mỗi ngày để bảo vệ làn da - ẢNH MINH HỌA: INTERNET
Nên tạo thói quen sử dụng kem chống nắng mỗi ngày để bảo vệ làn da - ẢNH MINH HỌA: INTERNET

Sai lầm chung của các bệnh nhân là khi thấy da có các phản ứng bất thường, viêm, ngứa, bùng mụn thì không đi khám mà tự mua thuốc về bôi. Đa số được bán cho thuốc có thành phần kháng viêm là corticoid. Corticoid nếu dùng không đúng sẽ gây nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Sử dụng corticoid trị mụn càng làm tình trạng bùng phát mụn trở nên nặng nề hơn. 

Để phòng tránh tác hại của nắng nóng với làn da, bác sĩ Vi Anh khuyên mọi người hạn chế ra đường trong khoảng thời gian chỉ số tia UV trong nắng cao nhất (10 - 16g). Nếu có việc bắt buộc phải di chuyển ngoài đường, cần che chắn, bảo hộ da thật tốt. Khi da xuất hiện dấu hiệu bất thường, nên đi khám ở bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán chính xác, can thiệp kịp thời. Tránh tự ý bôi thuốc lên da. Tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian dài không chỉ gây các bệnh lý về da nguy hiểm mà còn khiến collagen bị đứt gãy, thúc đẩy quá trình lão hóa của da, khiến da xuất hiện nếp nhăn nhiều và rõ hơn. 

Ngoài các bệnh lý cấp tính về da, tiếp xúc với ánh nắng lâu dài thiếu sự bảo vệ cần thiết còn có nguy cơ gây ung thư da. Các bệnh nhân được phát hiện mắc ung thư da phần lớn là phụ nữ lớn tuổi, đến từ các tỉnh lân cận TPHCM. Họ không có ý thức về chống nắng, bảo vệ da suốt quá trình dài. Vị trí tổn thương ác tính trên da của những bệnh nhân này thường là ở mặt (nơi tiếp xúc với ánh nắng nhiều nhất). Đó là một mảng sần sùi, màu đen, đường viền nhòe. Phần da này bị chảy dịch, bề mặt trợt loét, rất lâu lành.

Các bệnh nhân thường chủ quan, cứ tưởng đó chỉ là nốt ruồi. Ung thư da khác với ung thư ở các vị trí khác. Đây chủ yếu là tổn thương tại chỗ, không di căn toàn thân. Nếu ung thư da được phát hiện sớm, kích thước thương tổn nhỏ thì chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ hết mô bệnh. Tuy nhiên, nếu phát hiện chậm trễ, tổn thương lan rộng, lúc phẫu thuật mất mô nhiều, bệnh nhân sẽ phải ghép da, gây di chứng về thẩm mỹ sau này. 

Ung thư da được chia làm 3 loại: ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư các tuyến phụ thuộc da. Mỗi loại ung thư có các dấu hiệu đặc trưng khác nhau nhưng nhìn chung, bệnh nhân sẽ thấy ổ loét lâu lành hoặc rớm máu. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể phát hiện trên da có ổ dày sừng, loét, dễ chảy máu. Một nốt ruồi bỗng dưng thay đổi tính chất (trở nên sần sùi, sưng viêm, sậm màu, đường viền mờ nhạt, lan rộng ra) cũng có thể là gợi ý của bệnh lý ác tính.

Để xác định có phải bị ung thư da hay không, bệnh nhân cần được thăm khám về mặt lâm sàng, kết hợp các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm sinh thiết tế bào. Có nhiều nguyên nhân gây ung thư da. Ngoài tác hại của ánh nắng thì còn có thể do hóa chất từ mỹ phẩm độc hại, môi trường, chế độ ăn uống/sinh hoạt thiếu lành mạnh, yếu tố gia đình (tiền sử gia đình từng có người bị ung thư).

Thanh Huyền

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI