edf40wrjww2tblPage:Content
Sau khi hai tập sách Một mình ở châu Âu và Xuyên Mỹ ra mắt, thu hút sự chú ý, tranh luận của bạn đọc, nhất là giới nữ, Phan Việt vừa có chuyến làm việc tại Việt Nam. Chị đã chia sẻ về cuốn sách mới nhất mà chị đang thực hiện, cũng là cuốn sách cuối cùng trong bộ sách nói trên hiện đang được nhiều bạn đọc chờ đợi...
* Độc giả đang quan tâm đến bộ sách này hẳn rất muốn biết chị đã hoàn thành cuốn thứ ba đến đâu?
- Tôi đã xong bản thảo thô rồi, giờ đang giai đoạn chờ để sửa tiếp. Lúc đầu sách gần 700 trang bản thảo trên máy tính, tôi đã cắt xuống còn 500 trang, sẽ phải cắt và sửa còn chừng 300 trang. Bây giờ tôi cứ để nó đấy, chỉ nghĩ về nó thôi chứ không viết. Khi nào nghĩ chín rồi thì viết sẽ rất nhanh. Nếu không có gì thay đổi, đến cuối mùa hè sẽ xong.
* Như vậy là khi dừng bút ở hành trình này, trong nhà văn cũng đã hình thành một quá trình tự nhận thức?
- Với tôi thì xong bộ sách này là xong một giai đoạn trong cuộc sống của mình. Mùa hè 2014, có một hôm tôi và GS Ngô Bảo Châu đi thăm một người bạn chung và anh Châu đột nhiên hỏi tôi: “Hình như là Việt đã giải quyết được câu chuyện đời sống của Việt rồi đúng không?". "Em đã thoát rồi”. Thực ra cả năm, may lắm thì tôi với anh Châu gặp nhau được một lần và ít khi nói chuyện cá nhân nên tôi cũng giật mình khi anh Châu hỏi thế.
Bảo là “thoát” thì chịu nhưng mà nói chung tôi đã yên tâm với câu trả lời của mình cho một số vấn đề mà chúng ta ai cũng nghĩ - như gia đình, nhà cửa, công việc, sống để làm gì, sống như thế nào, mình muốn là ai, thành ai, tất cả những thứ bổn phận, trách nhiệm... Ví dụ như bây giờ tôi không còn băn khoăn về chuyện lập gia đình nữa. Tôi cũng không còn muốn làm cái gì vì mình nữa, tức là làm theo kiểu để khẳng định Phan Việt là abc, Phan Việt là xyz.
Một cách tự nhiên, mình thấy chán điều đó, thấy nó thừa, và nhận thức này đến từ một nơi vững hơn rất nhiều những thứ trước đây tôi dùng để quyết định có làm việc nọ, việc kia không. Với tôi đó là một sự giải phóng lớn.
* Vẫn nghe trong “không khí giải phóng” này có điều gì đó rưng rưng?
- Chị thấy thế à? Thế thì chắc là nó phải như thế. Tôi nghĩ là không có thành quả nào trên đời mà đơn giản cả. Đừng tin những tuyên ngôn đơn giản.
* Rõ là nếu đặt bộ sách của chị trong hai từ “du ký” thì có lẽ hơi thiển cận. Cũng có lần chị bày tỏ rằng cuốn thứ ba sẽ là câu trả lời rõ ràng nhất cho mục đích thực sự về bộ sách Bất hạnh là một tài sản?
- Bộ sách này của tôi có ba phần, cuốn Một mình ở châu Âu là trước khi ly hôn; cuốn Xuyên Mỹ là trong lúc ly hôn; cuốn Về nhà là sau khi ly hôn. Nhưng, nó chỉ lấy ly hôn làm câu chuyện để kể về một người đã khám phá về bản thân và sự thật về thế giới như thế nào. Sự khám phá này không phải theo kiểu tích lũy kiến thức và kinh nghiệm dần dần. Với tôi, đây là một kinh nghiệm giống như con ngài vỡ kén thành con bướm và tôi tin đời ai cũng phải trải qua những kinh nghiệm này, trừ khi họ khăng khăng từ chối nó.
Ở cuốn thứ nhất và thứ hai, nhân vật “tôi” là một phụ nữ hành xử hoàn toàn với niềm tin rằng cuộc sống này chỉ có như thế - những con người, nơi chốn hữu hình và ta xử lý các quan hệ này bằng cách dùng lý luận, tư duy của đầu óc. Mọi ý niệm của cô ấy đều là ý niệm được hình thành do học hành, giao tiếp với xã hội; ý thức về bản thân của cô ấy cũng là ý thức hạn hẹp về một người phụ nữ trong gia đình và xã hội; với mặc định rằng biên giới cho sự tồn tại của con người này chỉ có thế mà thôi, và mọi thứ đều rời rạc.
Đến cuốn thứ ba, tất cả những điều này thay đổi khi cô ấy về sống ở một ngôi chùa rất nhiều lần. Trong thời gian sống ở chùa, cô ấy khám phá những sự thật khác về mình, về hôn nhân của mình, về những người khác, về thế giới… Nó rộng hơn và logic hơn rất nhiều những cảm giác và suy nghĩ vụn vặt đã có ở cuốn Một mình ở châu Âu và Xuyên Mỹ. Nói rõ ra khó lắm. Tôi sẽ kể rất chi tiết trong cuốn thứ ba.
Câu hỏi ở đây chắc là tại sao tôi kể chuyện này ra và kể tỉ mỉ như vậy. Bởi vì thực ra người ta học được rất nhiều từ quan sát, nghe kể về những gì người khác trải qua và chúng ta luôn muốn biết thực sự người khác sống thế nào, trải qua những chuyện xyz như thế nào, nghĩ gì về abc. Nhưng người Việt Nam mình luôn ngại kể ra một cách minh bạch, ngại cho người khác biết, chúng ta ưa xã giao và đối đãi rồi lại âm thầm đau khổ và ấm ức. Tôi thấy đến lúc cần thiết phải kể ra những câu chuyện đời sống thật nên tôi làm.
* Có điều gì mới mẻ hơn về phong cách trong cuốn thứ ba này? Có khi nào, trong người viết cũng có một cuộc “vong thân” để tự mình từ bỏ cái cũ, đi tìm cái mới?
- Tôi nghĩ là mỗi cuốn sách luôn phản ánh đúng trình độ tâm thức của người viết ở thời điểm đó; bạn khó có thể viết hơn những gì bạn là. Cá nhân tôi thấy tôi viết nó thoải mái hơn, cứ viết thôi. Đó cũng là một cuốn sách nhiều niềm vui.
* Chị vẫn đang bận rộn với công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đi lại giữa Mỹ và Việt Nam. Vậy viết văn với chị tới đây có vai trò thế nào?
- Viết vẫn sẽ là công việc chính của tôi. Tôi biết là bất kể tôi có làm gì sau này đi nữa thì viết vẫn sẽ là một phần cơ bản trong cuộc sống của tôi. Chỉ có điều là viết gì thôi, có thể không nhất thiết là văn nữa. Trước hết là một cuốn tiểu thuyết về Hà Nội mà tôi đã bỏ dở khá lâu. Tôi tự hứa là sẽ hoàn thành nó. Viết về một thành phố thì gắng bắt được tâm trạng của thành phố ấy. Mà như thế rút cục là về con người của thành phố ấy.
Ví dụ như cuốn tiểu thuyết sắp tới, tôi lấy Hà Nội làm bối cảnh và tôi viết về Hà Nội như bây giờ, như tôi cảm nhận Hà Nội mỗi khi tôi từ Mỹ về. Mọi thứ tóe loe, lênh láng; mọi thứ nhơn nhơn, sinh động, kỳ quặc, phi lý, và đẹp. Vừa hơn hớn lại vừa ủ ê, vừa tào lao lại vừa sâu sắc, vừa mệt mỏi lại vừa chộn rộn. Tôi cố nắm lấy những tâm trạng ấy và những người làm nên tâm trạng ấy ở Hà Nội.
* Xin cảm ơn chị và chúc chị thành công với những tác phẩm mới!
Cao BẢO HÂN