'Đả đảo' Valentine, nhưng phụ nữ Nhật vẫn mua sôcôla

14/02/2019 - 09:51

PNO - Phụ nữ Nhật Bản “nổi loạn” chống lại truyền thống tổ chức lễ Tình nhân Valentine vốn có lịch sử hàng chục năm nay, buộc họ phải tặng sôcôla cho nam giới.

'Da dao' Valentine, nhung phu nu Nhat van mua socola
Quà Valentine trưng bày tại một cửa hàng bách hóa ở Tokyo.

Vào ngày Valentine 14/2, những phụ nữ Nhật làm việc tại công sở sẽ tặng "giri choco" hoặc “sôcôla nghĩa vụ” cho các đồng nghiệp nam của mình. Ngoài ra, họ còn mua “sôcôla chân thành” (honmei choco) để tặng người yêu hoặc bạn bè thân thích.

"Valentine - lễ Tình nhân, ở Nhật Bản đã bị đảo lộn để trở thành một biểu tượng của chế độ phụ hệ ở nước này”, Jeff Kingston, một chuyên gia Nhật Bản học tại Đại học Temple ở Tokyo cho biết. Năm nay, phụ nữ Nhật kêu gọi đã đến lúc chấm dứt tập tục tốn kém này.

Khảo sát gần đây do một cửa hàng bách hóa ở Tokyo tiến hành cho thấy khoảng 60% phụ nữ thay vì mua sôcôla cho các đồng nghiệp nam, sẽ mua sôcôla cho bản thân họ trong ngày lễ Tình nhân. Chỉ có 35% người được hỏi cho biết sẽ tiếp tục mua sôcôla cho các đồng nghiệp mày râu của mình.

Lễ Tình nhân hay ngày vàng cho các nhà sản xuất sôcôla?

'Da dao' Valentine, nhung phu nu Nhat van mua socola
Sôcôla Nhật Bản Miya Fujimoto.

Nhật Bản bắt đầu kỷ niệm ngày lễ Tình nhân vào năm 1958, sau khi công ty bánh kẹo Mary Chocolate của nước này thực hiện một chiến dịch gợi ý phụ nữ tặng sôcôla cho đàn ông.

Điều đó đi ngược lại tinh thần ngày Valentine của phiên bản phương Tây, ngày đàn ông tặng hoa và sôcôla, sau đó mời người họ yêu quý đi ăn tối.

Vào những năm 1980, các công ty sôcôla đã cố gắng khắc phục sự cân bằng trong việc mua món quà này. Họ lập ra Ngày Trắng 14/3 như một dịp để đàn ông đáp lễ sự ưu ái của phụ nữ, mặc dù vậy, chuyên gia Kingston nói rằng phụ nữ thường tặng nhiều sôcôla hơn họ nhận được. Cả hai ngày đó hóa ra đều mang lại lợi ích cho ngành công nghiệp sôcôla!

Theo Trung tâm quốc tế Nagoya, ngày lễ Tình nhân hiện chiếm một phần tư doanh số sôcôla hàng năm của Nhật Bản. Theo báo cáo của Mordor Intelligence, Nhật Bản tiêu thụ 5,39 tỷ USD cho món kẹo ngọt ngào này trong năm 2017, nhiều hơn cả Trung Quốc hay Ấn Độ.

Cấm “sôcôla nghĩa vụ”

'Da dao' Valentine, nhung phu nu Nhat van mua socola
RAUP xuống đường hô to các khẩu hiệu phản đối ngày Valentine ở Tokyo, Nhật Bản.

Thứ Bảy tuần trước, Liên minh những người không nổi tiếng (RAUP) đã tổ chức cuộc biểu tình thường niên lần thứ 12 phản đối "chủ nghĩa tư bản lãng mạn" ở Tokyo.

Takeshi Akimoto, thành viên một nhóm nhỏ gồm chín sinh viên và công nhân, nói: "Chúng tôi phản đối các công ty khai thác các sự kiện như Ngày Valentine để thúc đẩy văn hóa tiêu dùng quá mức và những quan hệ tội lỗi trong ngày này”.

Một trong những phàn nàn của nhóm là một số nhân viên dường như cảm thấy giá trị của họ được quyết định bởi số lượng sôcôla họ nhận được trong ngày Valentine.

Tâm trạng của RAUP được nhiều người trên khắp Nhật Bản chia sẻ. Nhiều công ty hiện đã cấm tập quán tặng "giri choco" cho đồng nghiệp nam, họ nói rằng làm như vậy sẽ gây nên sự chia rẽ khi người ta so sánh số sôcôla nhận được.

Từ “sôcôla nghĩa vụ” đến “sôcôla chân thành"

Số người không kỷ niệm ngày Valentine ở Nhật Bản ngày càng tăng.

Theo Viện nghiên cứu an sinh xã hội và dân số quốc gia, năm 2015, 23% nam giới và 14% phụ nữ Nhật chưa kết hôn dưới tuổi 50 tuyên bố không theo tập tục này.

Kết quả là, ngay cả tục tặng “sôcôla chân thành” cũng bị công kích. Erico Mori, một người viết về thực phẩm Nhật Bản hiện ở Paris, nói rằng một xu hướng mới đang xuất hiện: đó là tặng “sôcôla tình bạn”, hay "tomo choco".

Chuyên gia nghiên cứu Kukhee Choo nhận định: xu hướng này là tích cực theo một cách nào đó, vì nó tránh xa các tập quán gia trưởng, còn đối với các công ty sôcôla, đơn giản đây chỉ là một sự thay đổi trong cách tiếp thị.

Hoàng Diệu (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI