Đa dạng hóa các loại hình trường mầm non

27/02/2014 - 21:50

PNO - PNO - Gần 100 đại biểu là cán bộ quản lý, các doanh nghiệp tại 5 tỉnh thành phía Nam tham dự hội thảo về quản lý nhóm, lớp mầm tư thục (MNTT) do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 27/2 tại TP.HCM.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm và khó khăn trong công tác quản lý nhóm, lớp MNTT, tìm kiếm các giải pháp tổng thể để phát triển mạng lưới trường MNTT ổn định, bền vững.

Cần đa dạng hóa loại hình trường MN

Đánh giá về quy mô và mạng lưới trường, lớp MNTT vốn phát triển nhanh chóng trên cả nước trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT khẳng định công tác quản lý tại các địa phương đang thật sự gặp khó.

Hiện tại, một số tỉnh, thành có tình trạng tăng dân số cơ học cao, hệ thống trường lớp MN chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc giáo dục trẻ, hoạt động của các nhóm trẻ tự phát, chưa được cấp phép gây ra tình trạng mất an toàn cho trẻ. Đặc biệt, tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN), tỉ lệ lớn trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi không được chăm sóc, nuôi dạy một cách an toàn đang là vấn đề hết sức nhức nhối.

Da dang hoa cac loai hinh truong mam non

Cho con em vào được trường công lập là niềm mơ ước của nhiều phụ huynh - Ảnh: Phùng Huy

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, đến tháng 5/2013, cả nước có 13.741 trường MN, tăng 765 trường so với năm 2011; số trẻ MN được huy động tăng 523.313 cháu. Còn theo báo cáo của 36 tỉnh thành, đến tháng 2/2014, các tỉnh thành có 16.012 nhóm lớp độc lập, có 1.372 trường MNTT (110 trường tại các KCX, KCN) với tỉ lệ trẻ (trong độ tuổi đến nhà trẻ) đến trường chiếm khoảng 10%. Trong khi đó, ở không ít địa phương, số nhóm trẻ không phép vẫn còn rất cao.

Điển hình như TP.HCM còn tới 453 nhóm; Đồng Nai còn 179 nhóm; Bình Dương 347 nhóm trong khi không thể dẹp bỏ vì nhu cầu gửi con của phụ huynh là quá lớn, chủ yếu là trẻ trong độ tuồi 12 - 24 tháng tuổi. Điều đó cho thấy, việc đa dạng hóa các loại hình trường MN như: mô hình doanh nghiệp tham gia xây trường cho con em công nhân, doanh nghiệp xây trường rồi chuyển giao cho địa phương hay cho một đơn vị khác quản lý, trường học trong cơ sở tôn giáo…cần sớm được thúc đẩy.

Mở “nút thắt” thủ tục để doanh nghiệp xây trường

Tại hội thảo, đại biểu các tỉnh thành như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương đã phản ánh những bất cập trong việc xây dựng trường MN như: các doanh nghiệp không mặn mà với chủ trương này, không có quỹ đất trong khu công nghiệp để xây trường; không chuyển đổi được đất cho công nghiệp thành đất phục vụ công tác giáo dục; thiếu nguồn nhân lực MN; vướng mắc trong các thủ tục xây trường MN của các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài… khiến việc xây trường gặp nhiều khó khăn.

Do đó, các đại biểu đề xuất với Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về quản lý MN; có chính sách hỗ trợ giáo viên MN; giao quyền cho địa phương có những quy định quản lý MN ngoài công lập; quy chế quản lý MNTT phải phù hợp với thực tế tại các thành phố lớn.

Bà Phạm Thị Hải, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai chia sẻ: Sở GD&ĐT đã nhiều lần làm việc với ban quản lý các KCN để tìm biện pháp, nhưng vấn đề quỹ đất sạch trong KCN vẫn đang là bài toán khó. Rất nhiều doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, mong muốn xây dựng trường cho con em công nhân của họ nhưng vẫn vướng rất nhiều thứ. Vì thế, lãnh đạo các sở GD&ĐT đề nghị Chính phủ cần xem xét để điều chỉnh một số điều trong Nghị định 29.

Phát biểu tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhận định: loại hình nhóm trẻ gia đình dù tiềm ẩn một số nguy cơ, nhưng phần nào giải được bài toán khó về việc tìm nơi gửi trẻ dưới 18 tháng tuổi của phụ huynh. Chính vì thế, địa phương cần tạo điều kiện, hướng dẫn các thủ tục, kiến thức trong việc nuôi giữ trẻ đồng thời phải tăng cường hơn nữa trong công tác quản lý.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị lãnh đạo các sở GD&ĐT cần tham mưu và có chính sách hỗ trợ cho các nhóm lớp, trường MNTT hoạt động, tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn ngắn và dài hạn. Đặc biệt, công tác quản lý (kiểm tra, xử lý) cần phải nghiêm khắc và quyết liệt hơn theo các điều lệ quản lý, hoạt động của trường MN. Riêng với các KCN, KCX có ký túc xá cho công nhân ở, thứ trưởng đề nghị ngành giáo dục địa phương sớm xúc tiến, đề nghị các đơn vị trên nên dành ít nhất một cơ số phòng làm nơi giữ trẻ để giải quyết bài toán quá tải.

Tiến Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI