Đa dạng hình thức gây quỹ chăm lo cho phụ nữ, trẻ em

07/09/2022 - 06:29

PNO - Nhờ đa dạng các hình thức gây quỹ mà các cấp Hội Phụ nữ tại TP.HCM đã thực hiện được nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ, trẻ em.

Trồng cây gây quỹ giúp chị em nghèo  

Hơn hai tháng nay, khoảng 100 phụ nữ trên địa bàn P.11, Q.3 đã cùng nhau ươm trồng, nhân giống và chăm sóc hơn 200 chậu cây con, cây hoa kiểng các loại, để chuẩn bị khởi động lại mô hình “Trồng cây gây quỹ - Tích lũy chăm lo” dự định diễn ra vào tháng Chín này. 

Hội LHPN P.11, Q.3 bán cây kiểng các loại gây quỹ chăm lo phụ nữ và trẻ em
Hội LHPN P.11, Q.3 bán cây kiểng các loại gây quỹ chăm lo phụ nữ và trẻ em

Dẫn chúng tôi lên khu vườn trên sân thượng nhà mình tại khu phố 6, P.11, chị Lý Thủy Hồng Nhung khoe, sân thượng chỉ hơn 10m2 nhưng được chị trồng các loại cây như táo, thanh long, cây kiểng, rau gia vị. Cây được sắp xếp gọn gàng, hài hòa, tạo nên một không gian xanh mát. “Tôi ở nhà nội trợ nên có nhiều thời gian trồng tỉa, chăm sóc. Cảm giác đợi đến ngày gặt hái thành quả vui lắm. Dây thanh long đã cho một trái chín đỏ, nay lại ra thêm ba bông” - chị Nhung vui sướng. 

Điều đặc biệt là hầu hết các loại cây trong khu vườn đều được trồng trong chậu tái chế. Để làm nên mỗi chiếc chậu tái chế, chị Nhung tận dụng các chai nước, chai sữa của con rửa sạch, phơi khô, cắt tạo hình, tạo lỗ thoát nước rồi chiết cây trồng vào từng chậu. 

Ban đầu chị Nhung chỉ chiết cây đem tặng hoặc trao đổi với bạn bè. Nhưng từ đầu năm 2022, Hội Phụ nữ phường phát động mô hình “Trồng cây gây quỹ - Tích lũy chăm lo”, chị mạnh dạn chiết tách nhiều cây con hơn. Các loại cây được chiết đều dễ trồng như hoa mười giờ, lược vàng, phụ tử, đinh lăng… Cây sau khi chiết đưa vào chậu, chị tiếp tục chăm sóc cho tới khi cứng cáp (khoảng hơn một tháng) mới đem tặng cho Hội Phụ nữ phường. Trung bình mỗi tháng chị tách khoảng 20-30 chậu cây.

Chị Nhung chuẩn bị sang chậu những cây ngò gai để góp cùng  chương trình “Trồng cây gây quỹ - Tích lũy chăm lo” của Hội LHPN phường
Chị Nhung chuẩn bị sang chậu những cây ngò gai để góp cùng chương trình “Trồng cây gây quỹ - Tích lũy chăm lo” của Hội LHPN phường

Cũng như chị Nhung, chị Nguyễn Thị Kim Thoa (khu phố 2, P.11) cũng dành hẳn khoảng sân trước, sân sau và sân thượng để trồng cây. Không có nhiều thời gian nên chị trồng chủ yếu là các loại cây dễ chăm như nha đam, lược vàng, lan chi, lưỡi hổ… Chị Thoa nói: “Mỗi khi cây nhảy nhiều cây con, tôi tặng và hướng dẫn chị em trong tổ cùng trồng để có mảng xanh trong nhà. Từ khi có chương trình “Trồng cây gây quỹ - Tích lũy chăm lo”, tôi đã vận động thêm nhiều chị em khác tham gia. Trung bình mỗi tháng, chị em chúng tôi tặng Hội từ 50-70 cây con các loại”. 

Hằng ngày, chị Thoa đều dành thời gian chăm sóc,  chiết cây giống để tặng cho Hội LHPN phường
Hằng ngày, chị Thoa đều dành thời gian chăm sóc, chiết cây giống để tặng cho Hội LHPN phường

Chị Lê Thị Hoa - Chủ tịch Hội LHPN P.11 - cho biết, chương trình “Trồng cây gây quỹ - Tích lũy chăm lo” đến nay đã có gần 100 chị em tham gia. Cứ khoảng ba tháng một lần, Hội thu về hơn 200 cây và tổ chức bán để gây quỹ chăm lo cho phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi cây bán với giá từ 10.000-50.000 đồng. Cùng đó, Hội vận động các chị thu gom bình, chai, ly nhựa không còn sử dụng để tái chế thành chậu trồng cây. Qua hai lần tổ chức bán cây gây quỹ, Hội đã bán hơn 400 chậu cây các loại, thu về gần 5 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, Hội Phụ nữ phường cùng với chi, tổ Hội khảo sát, hỗ trợ xây sửa được hai căn “bếp yêu thương” cho gia đình hội viên phụ nữ nghèo và cận nghèo. Các chị em tham gia cảm thấy vui với công việc mình làm, vì vừa giúp xây dựng thói quen, ý thức bảo vệ môi trường, vừa mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác. 

Từ bữa tiệc buffet chay ngộ ra nhiều điều 

10g30 ngày 25/8, tại trụ sở Hội LHPN Q.5 (118 Ngô Quyền, P.8, Q.5), dưới bóng mát của những tán cây cổ thụ trong khuôn viên, hơn 40 món chay như cà ri chay, bún bò Huế, cơm chiên, cơm cuộn, gỏi cổ hủ dừa, các loại bánh Huế… được bày biện sẵn sàng và đẹp mắt. Khi bữa tiệc buffet chay với chủ đề “Ngày hội ẩm thực vì cộng đồng” được khai mạc thì cũng là lúc nhiều thực khách có mặt. Một phụ nữ trung niên cho biết, bà ở khá xa, biết đến bữa tiệc qua những người bạn trên Facebook, và đến tham gia như một cách đóng góp cho hoạt động thiện nguyện. Nhiều người dân tại địa phương, nhân viên các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn cũng đến dự tiệc. Một thanh niên lên tiếng: “Tôi không biết trước, chỉ thấy ở đây đông người nên ghé vào, thấy hoạt động “hay hay” nên muốn trải nghiệm”. Nhìn mười bộ bàn ghế, tương ứng với 100 chỗ ngồi, đang dần lấp đầy khách, chị Trần Thị Tuyết Hạnh - Chủ tịch Hội LHPN Q.5 - ngần ngại khi phải từ chối từng người. Chị hối tiếc, vì lượng thức ăn chuẩn bị chỉ cho khoảng 500 người, trong đó, có 450 vé đã bán trước, nên nếu nhận thêm khách, e rằng việc phục vụ sẽ không được chu đáo.

“Ngày hội ẩm thực vì cộng đồng” được Hội LHPN Q.5 tổ chức thành công nhờ huy động nguồn lực từ các tổ chức tôn giáo, các nhóm thiện nguyện và thành viên 14 cơ sở Hội
Ngày hội ẩm thực vì cộng đồng” được Hội LHPN Q.5 tổ chức thành công nhờ huy động nguồn lực từ các tổ chức tôn giáo, các nhóm thiện nguyện và thành viên 14 cơ sở Hội

90 triệu đồng thu được từ ngày hội, chị Tuyết Hạnh cho biết sẽ chia làm nhiều phần để hỗ trợ chị em phụ nữ khuyết tật, bệnh nan y, tặng phương tiện sinh kế cho phụ nữ khó khăn, trao học bổng cho trẻ em mồ côi vì COVID-19. Nhưng ý nghĩa hơn là ý tưởng gây quỹ của Hội LHPN Q.5 đã mang lại nhiều cảm xúc cho cả người làm chương trình lẫn người tham dự.

Mặc dù đã về hưu nhiều năm và ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng bà Lý Kim Mai - nguyên Chủ tịch Hội LHPN Q.5 - vẫn sát cánh với các hoạt động của Hội Phụ nữ quận nhà và không ngừng truyền lửa cho những cán bộ trẻ. Bà nói: “Tôi rất tâm đắc với ngày hội ẩm thực này bởi tính thực tế. Khách tham gia chương trình không chỉ được trải nghiệm ẩm thực mà còn góp một phần chia sẻ với cộng đồng, cũng qua đó mà hiểu và đến gần với Hội Phụ nữ hơn”. Sư cô Thích Nữ Chấn Tịnh - trụ trì tịnh xá Quan Âm - chia sẻ: “Khi được Hội LHPN Q.5 mời tham gia, tôi ủng hộ ngay vì đây là hoạt động rất ý nghĩa trong mùa Vu lan báo hiếu. Trước là để quyên góp cho các hoạt động an sinh, sau là vận động người dân ăn chay. Khi tôi mời các phật tử tham gia, họ rất hào hứng. Nhiều phật tử còn xin góp sức nấu nướng ủng hộ chương trình”. Tham gia ngày hội với hai món ăn, sư cô cho biết, mười mấy phật tử đã tập trung chuẩn bị nguyên liệu, sơ chế từ hôm trước, đến sáng sớm ngày hội thì tập trung nấu nướng nên các món ăn đều đã chỉn chu trước giờ khai mạc.

Họ đạo Cao Đài Sài Gòn Q.5 cũng phối hợp với Hội LHPN P.1 góp vào ngày hội món bún bò Huế chay và cơm chiên ngũ sắc. Tham gia chương trình không chỉ có nữ họ đạo đồng hành mà có cả đại diện ban cai quản nam họ đạo đứng ra phụ nấu nướng và phục vụ khách. Lễ sanh Ngọc Vàng Thanh - Phó Cai quản nam họ đạo Cao Đài Sài Gòn Q.5 - nói: “Chúng tôi rất vui khi chung tay giúp sức với Hội Phụ nữ tổ chức ngày hội vì ý nghĩa thiết thực. Những chương trình như thế này sẽ giúp Hội Phụ nữ gắn kết hơn với các tổ chức, cộng đồng tôn giáo, và đó cũng là cách để các tôn giáo chung sức cùng chính quyền thực hiện những hoạt động vì cộng đồng, để từ đó, lan tỏa truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái”.

27 đơn vị, bao gồm Hội LHPN 14 phường, chợ, các tổ chức tôn giáo, các nhóm thiện nguyện và nhiều cá nhân đã đăng ký tham gia ngày hội bằng cách góp vào bữa tiệc một đến hai món ăn. Chị Tuyết Hạnh cho biết, đây là năm đầu tiên Hội LHPN Q.5 tổ chức “Ngày hội ẩm thực vì cộng đồng” bằng cách vận động lực lượng nữ tu trên địa bàn cùng chung tay góp sức. “Tôi nhận thấy, sự thành công của chương trình phần lớn nhờ vào sự đóng góp của các sư cô, ban quản lý họ đạo. Nhờ vào sức ảnh hưởng của họ đối với phật tử và thành viên họ đạo mà chương trình diễn ra một cách thuận lợi” - chị Tuyết Hạnh chia sẻ. 

Thông qua bữa tiệc buffet chay, chị Tuyết Hạnh cũng nhận ra: Ngay tại địa bàn có rất nhiều người sẵn sàng đồng hành với những hoạt động ý nghĩa của Hội, nhưng trước nay hoạt động của Hội chưa đủ sức thu hút. “Truyền thông đầy đủ và rộng khắp hơn về chương trình cho người dân biết để cùng tham gia, cũng như mạnh dạn nối kết đa dạng các nguồn lực, sáng tạo trong cách làm là điều chúng tôi phải tính đến cho lần tổ chức sau” - chị Tuyết Hạnh nói. 

Thiên Ân - Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI