Đa dạng các chương trình giáo dục thường xuyên

06/12/2024 - 16:32

PNO - Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Hoàng Đức Minh, chính sách phát triển trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới cần tập trung tạo ra một hệ sinh thái giáo dục linh hoạt, bền vững và hiệu quả...

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Bộ GD-ĐT
Quang cảnh hội nghị - Ảnh: Bộ GD-ĐT

Ngày 6/12, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị Giám đốc các trung tâm giáo dục thường xuyên toàn quốc.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm học 2023-2024, cả nước có 92 trung tâm giáo dục thường xuyên, 526 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; số phòng học và phòng chức năng tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là 10.658; phòng thí nghiệm, thư viện, máy tính là 4.438. Cơ bản đến nay điều kiện cơ sở vật chất của các trung tâm đã đảm bảo tối thiểu cho việc dạy học các chương trình giáo dục thường xuyên.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Hoàng Đức Minh cho biết: Trong 3 năm gần đây, số lượng các trung tâm ổn định về quy mô và số lượng. Đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, sau khi sáp nhập đã từng bước đi vào ổn định.

Hiện nay, hệ thống trung tâm (giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng và các trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên) thực hiện các chương trình giáo dục thường xuyên gồm: Chương trình xóa mù chữ; chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ; chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp; chương trình giáo dục thuộc chương trình để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân.

Vụ trưởng Hoàng Đức Minh nhận định, dù đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập và phát triển nguồn nhân lực, song trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp cũng có những hạn chế cần khắc phục như: Chất lượng giáo dục chưa đồng đều; cơ sở vật chất và trang thiết bị thiếu thốn; khả năng cập nhật và ứng dụng công nghệ thông tin hạn chế; một số địa phương còn thiếu cơ chế giám sát, kiểm tra chất lượng giảng dạy và học tập hiệu quả…

Ông nhấn mạnh, chính sách phát triển trung tâm trong thời gian tới cần tập trung tạo ra một hệ sinh thái giáo dục linh hoạt, bền vững và hiệu quả, với sự kết hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Các giải pháp chính sách phải hướng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện học tập cho mọi đối tượng, cũng như đảm bảo các trung tâm có thể cung cấp những chương trình giáo dục và đào tạo phù hợp với nhu cầu thay đổi của xã hội và thị trường lao động.

M. Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI