Đã có cách 'chạy' khỏi cơn trầm cảm

25/11/2019 - 12:00

PNO - Để giảm bớt các cơn trầm cảm, ngay cả ở những ngưới có nguy cơ mắc bệnh do di truyền, lời khuyên của các nhà nghiên cứu mới đây là tăng cường hoạt động thể chất với chỉ khoảng 35 phút mỗi ngày.

Cứ sau bốn giờ tập thể dục mỗi tuần, nguy cơ bệnh nhân trải qua giai đoạn trầm cảm kế tiếp giảm 17%. Cả hai dạng bài tập: cường độ cao như tập thể dục nhịp điệu, sử dụng máy tập và cường độ thấp như yoga hoặc kéo giãn người, đều giúp giảm nguy cơ trầm cảm.

Nghiên cứu do nhóm tác giả từ Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở Boston (Mỹ) thực hiện - công bố trên tạp chí Depression and Anxiety.

Hoạt động thể chất có thể ảnh hưởng tích cực đến nguy cơ trầm cảm, ngay cả khi cá nhân có nguy cơ di truyền cao. Tác giả chính, tiến sĩ Karmel Choi và các đồng nghiệp tham khảo dữ liệu hồ sơ sức khỏe từ gần 8.000 người tham gia chương trình Partners Biobank tại Mỹ.

Trong thời gian theo dõi hơn hai năm, nhóm xác định những người trải qua triệu chứng liên quan đến trầm cảm, đồng thời tính toán điểm rủi ro di truyền dẫn đến trầm cảm của mỗi người tham gia thông qua việc kết hợp thông tin trên toàn bộ bộ gen.

Da co cach 'chay' khoi con tram cam
Bạn thực sự có thể “chạy” khỏi nguy cơ trầm cảm, ngay cả khi căn bệnh mang tính di truyền

Khi xem xét những người tham gia có điểm nguy cơ trầm cảm di truyền cao, các nhà nghiên cứu thấy rằng, số đối tượng này có nhiều khả năng phát bệnh trong vòng hai năm tiếp theo.

Tuy nhiên, hồ sơ bệnh án lại cho thấy những người chăm hoạt động thể chất có tỷ lệ mắc trầm cảm thấp, ngay cả khi họ có điểm nguy cơ trầm cảm cao. Thậm chí, những người có điểm rủi ro trầm cảm di truyền cao nhất cũng ít phát bệnh nếu thường xuyên hoạt động thể chất.

Tiến sĩ Karmel Choi nhận xét: “Khi nói đến trầm cảm, gen di truyền không phải là yếu tố quan trọng nhất và hoạt động thể chất có khả năng vô hiệu hóa nguy cơ phát bệnh gia tăng ở những cá nhân dễ bị tổn thương di truyền. Trung bình, khoảng 35 phút hoạt động thể chất mỗi ngày có thể giúp mọi người giảm thiểu rủi ro và bảo vệ chống lại các giai đoạn trầm cảm trong tương lai”.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 300 triệu người trên thế giới bị trầm cảm vào năm 2017. Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia Mỹ xem trầm cảm là một vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến và nghiêm trọng.

Các triệu chứng bệnh bao gồm tâm trạng buồn bã, lo lắng hoặc trống rỗng kéo dài; cảm giác tội lỗi, vô giá trị, hoặc bất lực; khó tập trung, ghi nhớ hoặc đưa ra quyết định.

Một người rơi vào trầm cảm có thể cảm thấy cáu kỉnh, mệt mỏi và mất hứng thú với các hoạt động mà trước đây họ rất thích. Những bệnh nhân cũng có thể gặp các triệu chứng vật lý bao gồm đau nhức, các vấn đề về tiêu hóa, chuột rút và thèm ăn hoặc thay đổi cân nặng.

Cần lưu ý rằng không phải ai cũng thể hiện các triệu chứng trầm cảm. Một số người chỉ có vài triệu chứng, trong khi những người còn lại trải nghiệm nhiều dấu hiệu khác nhau.

Đơn thuốc bao gồm hoạt động thể chất có thể là lựa chọn tối ưu cho bác sĩ và bệnh nhân, vì mọi người đều có thể hưởng lợi từ hoạt động thể chất, đặc biệt đối với những người có khuynh hướng di truyền dễ phát triển bệnh trầm cảm.

Tiến sĩ Karmel Choi kết luận: “Mức độ trầm cảm gia tăng trên toàn thế giới nhấn mạnh sự cần thiết phải có các chiến lược hiệu quả tác động đến càng nhiều người càng tốt. Chúng tôi tin rằng hoạt động thể chất có thể là một phần của chiến lược tổng thể để cải thiện khả năng phục hồi và ngăn ngừa trầm cảm”. 

Tấn Vĩ (theo Medical News Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI