Đã có bao nhiêu bài học rồi sao vẫn còn vận động viên dính doping?

05/05/2023 - 19:34

PNO - 5 vận động viên điền kinh không được tham dự SEA Games 32 vì dính doping tại SEA Games 31. Việt Nam bị tước huy chương vàng do các VĐV đạt thành tích sử dụng doping.

Hội đồng thể thao Đông Nam Á và Ban tổ chức nước chủ nhà Campuchia vừa công bố danh sách vận động viên sử dụng doping (chất cấm trong thể thao) tại SEA Games 31. Trong 10 vận động viên dương tính với doping, có 5 vận động viên Việt Nam.

5 vận động viên là Quách Thị Lan (huy chương vàng nội dung 400m rào, huy chương vàng nội dung tiếp sức 4x400m, huy chương đồng nội dung 400m), Khuất Phương Anh (huy chương vàng nội dung 800m, huy chương bạc 1.500m), Vũ Ngọc Hà (Huy chương vàng nhảy xa, huy chương bạc nhảy 3 bước), Hoàng Thị Ngọc (huy chương vàng tiếp sức 4x400m) và Lê Ngọc Phúc (huy chương bạc 400m, huy chương bạc nội dung tiếp sức 4x400m).

Dính doping, Quách Thị Lan bị cấm thi đấu tại SEA Games 32
Dính doping, Quách Thị Lan bị cấm thi đấu tại SEA Games 32

Liên đoàn Điền kinh quốc tế (IAAF) đã cấm thi đấu 4 năm (từ năm 2022 đến năm 2026) đối với 5 vận động viên này.

Tại sao, vấn đề doping không còn mới mẻ nhưng vẫn có vận động viên vô tình "dính". 5 vận động viên Việt Nam dương tính với 1 loại chất cấm. Và họ cho biết đã cùng sử dụng một loại thực phẩm chức năng mà không hề biết trong đó có chứa chất cấm. Nên hiểu thế nào về điều này?

Có một điều hiển nhiên là, muốn dùng doping để nâng cao thành tích, chắc hẳn các vận động viên phải có sự tính toán, đó là liều lượng chất cấm đưa vào cơ thể, điều này không thể thực hiện ngày một ngày hai mà cần có thời gian. Và nếu vậy, họ cần có chỉ định sử dụng thuốc, có hướng dẫn của bác sĩ. 

Trong lịch sử, thể thao Việt Nam từng có nhiều vận động viên vướng doping.

Là tuyển thủ thể dục dụng cụ duy nhất Đông Nam Á tham dự Olympic Bắc Kinh (được đặc cách khi giành 3 huy chương vàng trong 3 kỳ SEA Games liên tiếp), Đỗ Thị Ngân Thương dương tính với furosemide sau khi kết thúc vòng loại. Cô bị trục xuất khỏi Olympic và bị cấm thi đấu 1 năm. Sau đó, Ngân Thương cho biết cô đã dùng thuốc lợi tiểu để giảm cân.

Một trường hợp khác là Hoàng Anh Tuấn, vận động viên cử tạ từng giành HC bạc Olympic Bắc Kinh 2008. Tại giải vô địch thế giới ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 9/2010, anh được phát hiện dương tính với doping. Hoàng Anh Tuấn dương tính với Oxilofrine. Đây là chất nằm trong danh mục cấm, nhưng lại không giúp nâng thành tích thi đấu. Trước giờ khai mạc Asiad 16 Trung Quốc, anh bị loại khỏi đoàn thể thao Việt Nam. 

Anh giải trình rằng, trong thời gian tập huấn tại Trung Quốc, anh có uống đồ ngọt và uống thuốc cảm cúm. Hoàng Anh Tuấn bị cấm thi đấu 2 năm và phải nộp số tiền 5.000 USD.

Năm 2019, Trịnh Văn Vinh bị kết luận sử dụng chất cấm, bị cấm thi đấu 4 năm và mất suất tham dự Olympic Tokyo. Sau này, Trịnh Văn Vinh cho biết, anh dính doping do sử dụng 1 loại thuốc giúp nhanh lành vết thương. 

Quay trở lại câu chuyện của 5 vận động viên Việt Nam vừa dính doping tại SEA Games 31. Có thể thấy một thực trạng rằng, hiện nay, nhiều người tự ý dùng thuốc, dùng thực phẩm chức năng mà không hề tham khảo hay có chỉ định của bác sĩ. Họ cũng không cập nhật các thực phẩm chức năng có chứa chất cấm mà Bộ Y tế công bố. Với các vận động viên, cũng không ít trường hợp không cập nhật danh mục chất cấm mà ban tổ chức giải đấu đưa ra, dẫn đến những kết quả đáng tiếc.

Mong rằng, sau sự cố này, các vận động viên Việt Nam sẽ rút ra bài học cho mình, để chu đáo hơn trong việc chăm sóc sức khỏe, và cẩn thận hơn trong việc dùng thuốc hay các thực phẩm bổ sung hỗ trợ sức khỏe.

Vân Đặng

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI