Đã có 7 người nộp hơn 10 tỉ đồng tiền trúng đấu giá biển số xe

26/09/2023 - 12:57

PNO - Đại diện Bộ Công an cho biết hiện đã có 7 người trúng đấu giá biển số xe nộp tiền, với số tiền hơn 10 tỉ đồng.

Sáng 26/9, Bộ Công an tổ chức tọa đàm trao đổi về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV, gồm luật Căn cước, luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Cục CSGT Bộ Công an giám sát các phiên đấu giá biển số
Cục CSGT Bộ Công an giám sát các phiên đấu giá biển số

Dự thu hơn 133 tỉ đồng từ đấu giá biển số

Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT Bộ Công an) - đã thông tin và giải đáp một số thắc mắc của dư luận về việc đấu giá biển số xe ô tô.

Theo đại tá Nhật, việc đấu giá biển số xe ô tô đã được tổ chức 4 ngày. Trong 4 ngày đấu giá đã đấu thành công 95 biển số với tổng số tiền trúng đấu giá hơn 133 tỉ đồng, đây cũng là số tiền dự thu về.

Đại tá Nhật cho hay, theo quy định của Nghị định 39/2023 và quy chế đấu giá, người trúng đấu giá có tối đa 15 ngày để hoàn thành việc nộp tiền, làm thủ tục nhận biển trúng đấu giá.

"Hiện đã có 7 người trúng đấu giá nộp tiền, với số tiền hơn 10 tỉ đồng. Trong đó có một trường hợp ở Hải Phòng đã hoàn thành việc cấp biển số đấu giá" - đại tá Nhật nói.

Về thắc mắc của dư luận về một số biển số có số tiền trúng đấu giá rất cao, liệu họ có bỏ cọc, đại tá Nhật cho hay, theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Đấu giá tài sản, Nghị quyết 73/2022 và Nghị định 39/2023 thì không cấm người trúng đấu giá bỏ cọc. Trường hợp bỏ cọc, biển số sẽ được đưa về kho để tiếp tục đấu giá lại. Tuy nhiên, nếu không nộp tiền nhận biển số thì người trúng đấu giá sẽ mất 40 triệu đồng tiền đặt cọc.

Không bắt buộc xe cá nhân lắp camera giám sát

Bộ Công an cũng đang xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Điều 33 của dự thảo nêu: xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe; dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình.

Đại diện Cục CSGT Bộ Công an cho hay, đối với xe kinh doanh vận tải, pháp luật hiện hành đã quy định bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát; dữ liệu được truyền về Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) để phục vụ công tác quản lý nhà nước. Điều này không cần bàn luận.

Còn với xe ô tô cá nhân, Bộ Công an chỉ khuyến khích người dân tự lắp camera hành trình để tự bảo vệ mình trong các tình huống mất an toàn giao thông, chứ không bắt buộc.

Trên thực tế, hiện đã có rất nhiều phương tiện cá nhân tự trang bị camera giám sát hành trình, nhằm mục đích ghi lại hình ảnh, sự cố xảy ra trên đường.

Với việc này, người điều khiển phương tiện có thể chứng minh được đúng hay sai trong các tình huống bất ngờ xảy ra trên đường, có thể lưu lại bằng chứng khi có kẻ gian xâm hại xe của mình hoặc của người khác…

Những bằng chứng từ camera giám sát hành trình cũng có thể cung cấp cho các cơ quan chức năng để xử lý, góp phần bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của lái xe và người khác.

Về dữ liệu thu thập được từ thiết bị giám sát hành trình, đại diện Cục CSGT cho hay, cơ quan chức năng sẽ không thu thập mà chỉ đề nghị người dân hợp tác, cung cấp khi xảy ra các sự cố trên đường hoặc ghi nhận được các sự cố của xe khác…

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI