Đa cấp, trò đỏ đen bủa vây sinh viên

16/02/2020 - 19:34

PNO - Ôm nợ, tự tử, bị bạn bè xa lánh, lừa gạt người thân… là hậu quả khi sinh viên trót dính vào cờ bạc, cá độ, bán hàng đa cấp…

Tối 13/2, một sinh viên năm thứ ba của Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã treo cổ tự vẫn. Theo tìm hiểu của nhà trường, T. từng dính vào cá độ bóng đá phải vay tiền nóng. Mới trước tết, gia đình phải chạy vạy để thay T. trả 500 triệu đồng. Nhưng T. lại tiếp tục lún sâu vào trò đỏ đen và dưới áp lực nợ nần, T. đã chọn cách ra đi.

Từ bỏ dở việc học đến… quyên sinh

Không khó để thấy hình ảnh sinh viên sát phạt đỏ đen tại các quán cà phê, quá trà sữa… gần các trường đại học. Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết: không riêng gì T. mà còn nhiều sinh viên khác đang vướng vào những thói hư tật xấu, càng ngày càng lún sâu. Không chỉ cờ bạc, sinh viên còn dính vào bán hàng đa cấp dẫn đến nợ nần, stress và đưa đến những hệ quả đau lòng.

Cách đây vài tháng, một sinh viên K19 Khoa Điện - điện tử của Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, đã lừa gia đình 400 triệu đồng làm hồ sơ du học nhưng thực chất là để đầu tư vào bán hàng đa cấp. Bà T.L. (ngụ ở tỉnh Bình Thuận) cho biết đã không liên lạc được với con sau khi chuyển tiền.

Sinh viên mê đỏ đen đưa đến những hậu quả khó lường
Sinh viên mê đỏ đen đưa đến những hậu quả khó lường

Trước đó, con trai bà báo tin vừa trúng tuyển học bổng du học Canada trị giá 80.000 USD/4 năm, trong khi học phí của chương trình gần 100.000 USD/năm, nên sinh viên phải đóng khoản chênh lệch hơn 18.000 USD. Do vậy, con bà xin thêm hơn 400 triệu đồng để làm hồ sơ. Vài ngày sau, con bà gọi qua Zalo báo: “Con xin lỗi mẹ và xin mượn số tiền này để đi tạo dựng tương lai”. Bà L. nói sẽ báo công an vì lo lắng thì con bà nhắn lại: “Làm như vậy sẽ không bao giờ gặp lại con nữa. Mẹ muốn cả nhà mình chết hay sao?”.

K.Đ, cựu sinh viên năm thứ ba ngành điện - điện tử Trường đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, được dẫn dắt vào con đường đa cấp để làm giàu không khó nhưng giàu đâu không thấy, chỉ thấy mất toi 50 triệu đồng và phải nghỉ học vì nợ môn. K.Đ kể: “Họ nói đủ thứ để mình thấy tương lai xán lạn với thu nhập vài trăm triệu đồng/tháng. Điều kiện là em phải bỏ vốn đầu tư 50 triệu đồng để mua các sản phẩm thực phẩm chức năng, cà phê của công ty”. K.Đ được “dạy” đủ cách để kiếm số tiền trên, như cầm giấy tờ xe được 10 triệu đồng, về nói cha mẹ lỡ làm mất laptop của bạn phải đền; đi đường bị cướp giật đồ, mượn bạn học… kiếm thêm được 40 triệu đồng. Thậm chí, K.Đ. còn được khuyên bỏ học để tập trung vào kinh doanh.

Sau ba tháng theo đuổi, K.Đ. nợ hàng chục môn và buộc phải nghỉ học. Bạn bè “block” mọi liên lạc của em. Đỉnh điểm vụ việc khiến em thức tỉnh là lần mẹ bị cấp cứu phải phẫu thuật gấp nhưng họ không cho em chăm sóc mẹ vì sợ lơ là việc làm, nên em đã quyết liệt phản đối rồi tự rút lui.

Theo K.Đ, chỉ riêng công ty em gia nhập đã thấy có hàng chục bạn học cùng trường, chưa kể những tân sinh viên của các trường đại học khác. Hầu hết đều có kết cục như em: bị bạn bè xa lánh, lừa gạt gia đình, nợ đầm đìa và bỏ dở việc học.

Nhà trường chỉ có thể cảnh báo

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Tuyển sinh - Truyền thông Trường đại học Công nghệ TP.HCM, kể: “Trường tôi có vài người chuyên “phòng chống đa cấp” bởi những tay này liên tục vào trường chiêu dụ sinh viên. Phòng Công tác học sinh - sinh viên thường xuyên tiếp nhận chất vấn của phụ huynh vì sao dạo này trường thu nhiều khoản phí A, B? Rồi sinh viên đi học sao hay bị trộm cướp… Thật ra, sinh viên đã sử dụng tiền vào mục đích khác”.

Dù đưa ra nhiều cảnh báo, sinh hoạt đầu khóa, tổ chức nói chuyện chuyên đề nhưng những hoạt động này vẫn chưa đủ sức “kéo” sinh viên khỏi cám dỗ.

Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ đào tạo và hỗ trợ sinh viên Trường đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho biết: “Đối tượng mà những công ty đa cấp lôi kéo thường là các tân sinh viên, sinh viên từ tỉnh lên đang thiếu thốn tiền nhưng có nhu cầu kiếm tiền nhanh. Vì vậy, ngoài việc lồng vào các tiết dạy kỹ năng, chúng tôi cử các cộng tác viên thường xuyên theo dõi trên Facebook, các group của các trường xem comment của sinh viên để để có thể ngăn ngừa, đi trước một bước”.

Tuy nhiên, bà Thoa cũng thừa nhận, không thể ngăn chặn một cách triệt để, bởi những đơn vị đa cấp vẫn đánh trúng tâm lý và tìm đúng đối tượng.

Lãnh đạo Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng đau đáu tìm cách kéo sinh viên thoát khỏi những cám dỗ cờ bạc, đa cấp bằng nhiều cách nhưng dường như vẫn chưa thật sự hiệu quả. “Chúng tôi cố gắng tìm hướng để cứu các em khỏi các khó khăn trong cuộc sống như mời chuyên gia tâm lý nói chuyện, tạo đam mê và thú vui trong giảng đường, việc làm thêm để tránh sa vào cám dỗ… cũng là cách hy vọng giúp được sinh viên”, phó giáo sư Dũng trăn trở.

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI