Rộ dịch vụ kinh doanh đa cấp
Trần Thanh Cường - sinh viên một trường đại học ở TP.HCM - hào hứng khoe trên mạng xã hội Facebook rằng mình vừa ra Hà Nội dự tọa đàm mang tên “Mạng xã hội phân quyền 4.0 Vitae”. Theo lời Cường, mạng xã hội Vitae là của Thụy Sĩ, đang hoạt động trên khắp thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Mạng này sinh lời bằng tất cả hoạt động xem, đăng tin, like của nhau nên bất kỳ ai tham gia cũng có cơ hội sở hữu tài sản khổng lồ. Theo Cường, tham gia mạng này, chỉ cần ngồi nhà, tiền cũng sẽ tự sinh sôi.
|
Những buổi hội thảo giới thiệu về mạng xã hội Vitae diễn ra công khai với quy mô hàng ngàn người nhưng không bị cơ quan nào “hỏi thăm” |
Ngoài việc lôi kéo thành viên qua mạng xã hội, Vitae còn tổ chức hội thảo trực tiếp vào sáng thứ Hai và thứ Sáu hằng tuần tại TP.Hà Nội. Tỏ ý muốn gia nhập Vitae, tôi được Cường đưa ngay vào một nhóm chat trên mạng xã hội Zalo. Cường hướng dẫn trên nhóm này rằng, chỉ cần đăng ký, tôi sẽ trở thành thành viên của “cây ma trận 5*5”.
Mỗi cây có năm tầng. Để cây ma trận này đầy, tôi phải chia sẻ đường link đăng ký để thu hút người tham gia. Tầng một có năm người, mỗi người tham gia thì tôi được hoa hồng 0,1 USD; tầng hai có 25 người, tôi được hưởng 0,04 USD/người; tầng ba có 125 người, tôi được hưởng được 0,06 USD/người; tầng bốn có 625 người, tầng năm có 3.125 người, tôi cũng được hưởng tiền trên mỗi người tham gia. Khi đầy cây ma trận này, tôi sẽ được tổng cộng 346,5 USD. Nếu người thuộc tầng một của tôi giới thiệu được người và cũng đầy cây ma trận, tôi có thêm 101 USD nữa.
Nếu người tham gia đóng phí 200 USD (khoảng 5 triệu đồng), sẽ được vào “cây ma trận 3*8”. Nếu giới thiệu người tham gia đầy cây ma trận này (6.561 người), chúng tôi sẽ nhận đều đặn mỗi tháng 28.000 USD đến trọn đời. Càng đóng nhiều phí, quyền lợi trên “cây ma trận” càng nhiều.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, do đưa ra mức lợi nhuận khủng nên mạng xã hội này đã thu hút hàng ngàn thành viên đăng ký tham gia. Hầu hết các thành viên đều khoe số tiền trong tài khoản tăng lên hàng ngàn USD/tháng, nhưng việc thu hồi vốn ra sao thì không nghe ai nhắc đến.
Chilimall - một sàn thương mại điện tử - cũng đang rầm rộ lôi kéo người tham gia bằng lời chào mời hấp dẫn: “Mùa dịch COVID-19, kiếm ngay 50 triệu đồng/tháng tại nhà”.
Thực tế, đây là ứng dụng mua bán giống như MyAladdinz, người tham gia chỉ cần tải ứng dụng về điện thoại, đăng ký tham gia và đăng sản phẩm muốn bán lên đây. Mỗi thành viên tham gia phải đóng phí theo mức từ vàng, bạc đến kim cương; thành viên vàng đóng phí 250 USD, thành viên kim cương đóng phí 500 USD để mua đồng tiền mã hóa có tên là siling (mỗi siling tương đương 1 USD), sau đó dùng đồng siling này để mua sản phẩm trên Chilimall. Tùy theo cấp hạng thành viên, chủ cửa hàng sẽ được hoàn từ 30-150% số tiền khi khách mua sản phẩm. Đồng thời, tùy số thành viên mới được giới thiệu, chủ cửa hàng sẽ nhận được hoa hồng từ 0,25-2%.
Mặc dù đồng tiền ảo siling này được quảng cáo đến tháng 12/2020 mới có giá trị nhưng số người tham gia trên sàn thương mại điện tử “chui” này cũng lên con số hàng ngàn. “Tôi đã đầu tư vào đó 15 triệu đồng, hệ thống thông báo số tiền đang nhân đôi gấp vài chục lần. Tôi muốn quy đổi số tiền này thành tiền thật để rút ra xài nhưng trưởng nhóm cứ kêu tôi giữ, chờ đồng này có giá rồi bán. Cũng có người hướng dẫn cứ rao bán đồng tiền ảo này trên cộng đồng Chilimall để lấy tiền thật nhưng tôi rao nửa tháng nay, không ai bỏ tiền thật ra mua” - chị Ng., một người tham gia ứng dụng này, kể.
Trang web onelinknetwork.com cũng đang kêu gọi giới trẻ đầu tư bằng hình thức sinh lời thông qua tiền điện tử có tên OneLink Coin, người tham gia lôi kéo càng nhiều người thì hưởng hoa hồng càng lớn.
|
Một thành viên trong nhóm mà chúng tôi tham gia đăng giới thiệu về mô hình đầu tư Vitae |
Mô hình kinh doanh tiếp thị liên kết chia sẻ đám đông Crowd1 thì lôi kéo thành viên bằng cách nạp tiền để mua cổ phiếu, càng nhiều người cùng mua gói đầu tư thì người giới thiệu càng hưởng nhiều hoa hồng. Crowd1 đã bị chính phủ Namibia cấm hoạt động vì kinh doanh lừa đảo đa cấp nhưng lại đang mở rộng hoạt động sang Việt Nam.
Mờ mắt vì lợi nhuận ảo
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), các dự án trên đều có dấu hiệu kinh doanh đa cấp và chưa được cấp giấy chứng nhận hoạt động buôn bán hàng đa cấp. Cục vừa cảnh báo về những rủi ro khi tham gia các mô hình đa cấp trên.
Chuyên gia tài chính - đầu tư Doãn Hữu Tuệ cho rằng, cơ quan chức năng chỉ đưa ra cảnh báo mà không quyết liệt kiểm tra thì không thể dẹp được các dự án huy động vốn đa cấp trên. Dự án mạng xã hội phân quyền Vitae vừa tổ chức hội thảo quy mô hàng ngàn người vào ngày 3/7 tại TP.Hà Nội, địa điểm tổ chức nằm gần trụ sở một cơ quan nhà nước nhưng không cơ quan nào đến kiểm tra dù nhà tổ chức công khai kêu gọi góp vốn đầu tư. Nếu không dẹp bỏ những hội thảo như thế này, chắc chắn sẽ còn nhiều người tham gia, nguy cơ dẫn đến “bể hụi” giống như vụ vỡ đường dây tiền ảo iFan 15.000 tỷ đồng cách đây mấy năm.
“Nhiều người chưa phân biệt rõ được “tiền điện tử” và “tiền ảo”, dẫn đến nhầm lẫn. Do đó, nên tiếp tục hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý về tiền điện tử theo hướng phát triển loại hình thanh toán này một cách hợp pháp” - chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, các khoản tiền của người tham gia vào các dự án onelinknetwork.com, chilimall.net, vitae.co, crowd1.com, winvest.io… không được ghi nhận trên bất kỳ tài liệu chính thức nào mà chỉ được ghi nhận thông qua tài khoản của người tham gia hiển thị trên giao diện website. Hệ thống máy chủ lưu trữ dữ liệu các dự án này thường được đặt ở nước ngoài, chủ đầu tư cũng không hiện diện tại Việt Nam hoặc không có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi các website này sập thì người đầu tư mất trắng. Do đó, để tránh rủi ro về mặt pháp lý, vật chất, người dân không nên tham gia đầu tư vào các dự án trên.
Thanh Hoa