Da cá măng biển có thể điều trị phỏng nặng, vết thương ngoài da

22/01/2025 - 11:12

PNO - Các nhà nghiên cứu Philippines cho biết da cá măng có thể được sử dụng để điều trị phỏng nặng, vết thương ngoài da.

Cá măng chiếm khoảng 18 phần trăm tổng sản lượng cá của Philippines. ST PHOTO: RAUL DANCEL
Cá măng chiếm khoảng 18% tổng sản lượng cá của Philippines - Ảnh: Raul Dancel

Mới đây, các nhà khoa học tại một viện nghiên cứu hàng đầu ở Philippines đã tìm ra một nguồn da ghép mới, rẻ và phổ biến: cá măng, được người dân địa phương gọi là “bangus”.

Ghép da là một thủ thuật phẫu thuật để điều trị phỏng, chấn thương, loét mãn tính và ung thư.

Nhưng các nguồn vật liệu ghép truyền thống - da người, da lợn và da nhân tạo - thường đắt tiền và không dễ kiếm, đặc biệt là ở các quốc gia nghèo như Philippines.

Từ năm 2015, các bác sĩ ở Philippines đã sử dụng da cá rô phi sông Nin như một loại băng thay thế, được chứng minh là tốt như da người.

Nhưng mới đây, các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Tài nguyên thủy sản Ateneo ở Manila cho biết da cá măng biển - thường bị vứt bỏ như rác thải - có tiềm năng rất lớn.

Tiến sĩ Janice Ragaza - nhà nghiên cứu chính - cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi phát hiện ra rằng da cá măng đã khử trùng vẫn giữ được độ toàn vẹn của collagen cao và không bị nhiễm khuẩn, tương đương với da cá rô phi".

Da cá măng biển giúp vết thương mau lành hơn và ít nguy cơ nhiễm trùng hơn - Ảnh: Ateneo Aquatic and Fisheries Resources Laboratory
Da cá măng biển giúp vết thương mau lành hơn và ít nguy cơ nhiễm trùng hơn - Ảnh: Ateneo Aquatic and Fisheries Resources Laboratory

Giống như da cá rô phi, da cá măng biển giúp vết thương phục hồi nhanh hơn và bảo vệ vết thương khỏi bị nhiễm trùng vì nó ngăn ngừa mất độ ẩm và protein.

Nó cũng có hàm lượng collagen loại I cao, thúc đẩy sự phát triển của nguyên bào sợi, một loại tế bào trong mô liên kết, giúp vết thương mau lành và tạo ra các lớp da mới.

Theo các nhà nghiên cứu tại Singapore, chỉ 10g da cá có thể tạo ra khoảng 200mg collagen.

Da cá cuối cùng sẽ khô. Điều đó có nghĩa là không cần phải thay kem và gạc thường xuyên.

Giống như da cá rô phi, da cá măng cũng có thể tốt hơn da lợn và da cóc, những loại da có nguy cơ lây nhiễm bệnh ở động vật cao hơn.

Da cá măng cũng khắc phục được những hạn chế về văn hóa và tôn giáo liên quan đến collagen có nguồn gốc từ lợn, bò và cừu. Trong khi đó, ngân hàng da người phụ thuộc rất nhiều vào người hiến tặng.

Ngược lại, da cá măng có thể được lấy miễn phí từ các trang trại nuôi cá trên khắp Philippines, nơi sản xuất cá măng hàng đầu.

Theo Cục Thủy sản và Tài nguyên nước Philippines, cá măng biển chiếm khoảng 18% tổng sản lượng cá của cả nước, đóng góp khoảng 43,5 tỉ peso (gần 1 tỉ USD) vào tổng sản phẩm quốc nội.

Khoảng 10% lượng cá tiêu thụ trung bình của một hộ gia đình Philippines là cá măng sữa.

Trong khi đó, sản lượng cá măng biển đánh bắt được đã tăng vọt 80% trong 20 năm qua.

Tiến sĩ Ragaza cho biết: “Với hàm lượng collagen dồi dào và tiềm năng, da cá măng mang đến cơ hội quý giá để mở rộng nguồn cho mục đích ghép da”.

Tiến sĩ Ragaza nói rằng bước tiếp theo sẽ là tiến hành thử nghiệm lâm sàng, xin phê duyệt theo quy định và thiết lập các giao thức sản xuất. “Nếu da cá măng đi theo quỹ đạo thông thường và nhận được đủ nguồn tài trợ và hỗ trợ, thực tế có thể mất từ ​​7 đến 10 năm trước khi nó được sử dụng rộng rãi trong các bệnh viện và phòng khám” - bà cho biết.

Trọng Trí (theo Strait Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI