Khi kết hôn, hầu hết phụ nữ (PN) đều mơ về một ngôi nhà xinh xắn, ấm êm, nơi những đứa trẻ ngoan lớn lên, trưởng thành, nơi vợ chồng có nhau, nương tựa vào nhau cho đến lúc “đầu bạc răng long”.
Vì giấc mơ đó, họ có thể tận tụy hy sinh cho gia đình. Nhưng không phải ai cũng may mắn biến được giấc mơ thành hiện thực. Không ít người đã buông tay. Vì sao? Phóng viên báo Phụ Nữ có cuộc trò chuyện với thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm – Giám đốc Trung tâm tư vấn Hồn Việt để 'giải mã’ nguyên nhân này.
Vì đâu phụ nữ có ý niệm 'buông'?
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm: Xuất hiện ý niệm buông là do tiếng nói từ bên trong của người phụ nữ: cảm thấy quá mệt mỏi, nặng nề, cạn kiệt năng lượng cho việc bị tràn ứ cảm xúc tiêu cực, những cơn giận dữ, nhàm chán, tổn thương, nuối tiếc…
Buông khi không thể chịu đựng và dồn nén hơn được nữa mối quan hệ mà trong đó PN phải chấp nhận nuốt vào mọi sự phi lý từ người đàn ông của mình: sự phản bội, trăng hoa, ăn chơi, cờ bạc, cá độ, nghiện ngập, bạo lực, ăn bám, vô trách nhiệm… mà vẫn đầy uy quyền và thống trị mọi thứ trong gia đình.
Là khi có yếu tố bên ngoài tác động như cơ hội mới đến, có đối tác mới, cảm xúc mới, cha mẹ, người thân, bạn bè, đồng nghiệp khuyên can, hoàn cảnh tác động làm nảy sinh sự so sánh, nghĩ lại, quyết liệt, mạnh mẽ hơn.
Có khi nào họ buông khi chưa đến mức phải buông?
- Có chứ, rất nhiều người, nhất là giới trí thức, cái tôi / bản ngã, lòng tự ái của họ rất cao, khi bị động chạm, tổn thương, họ dễ dàng tung hê, họ thường ra quyết định quá sớm, vội vàng… Nhiều người có tính cách nóng nảy, hoặc quá tự tin, lòng tự tôn quá cao nên hễ ai chạm vào là họ quyết liệt cắt đứt, không tha thứ, không thể chấp nhận được.
Và có khi nào đã đến mức cần buông rồi mà họ vẫn ráng giữ?
- Cũng nhiều, điều này tùy thuộc vào tính cách và kiểu người, có nhiều người buông mà không bỏ, trong lòng cứ níu kéo vì những ký ức, kỷ niệm cứ trở đi trở lại trong tâm thức, họ bị tình cảm sâu đậm chi phối rất mạnh.
Sống chung là một quá trình, nên rất khó quyết định chấm dứt, buông chỉ là một lời nói, một quyết định, một dấu chấm than, còn bỏ là sự cắt đứt, một dấu chấm hết. Tình cảm là thuộc tính của cảm xúc mà lý trí con người không kiểm soát được.
Người ta không buông được còn do bản thân không chấp nhận sự mất mát mà họ cho rằng rất to lớn, quan trọng. Do sợ hãi cuộc sống một mình, không chịu được sự cô đơn vì cảm giác lệ thuộc vào đối tác quá sâu.
Họ sợ phải một mình gánh quá nhiều trách nhiệm với con cái, gia đình, tài chính, sợ trong tương lai không biết xoay xở ra sao; sợ không dạy được con, sợ con cái bị tổn thương mất mát và thiếu thốn; sợ mất hết uy tín, danh dự, sợ bị dư luận cười chê, bạn bè dè bĩu, cha mẹ khổ tâm…
Vậy thì buông vào thời điểm nào hợp lý, hợp tình nhất?
- Khi nguồn yêu thương ở một trong hai người hoặc cả hai đã cạn. Khi quyết định buông này là giải pháp tốt nhất cho cả ba bên. Khi đó là quyết định nhận được sự đồng thuận, nhất trí của cả hai người.
Tình yêu, hôn nhân là mối quan hệ song phương, hai chiều, nên lúc quyết định chia tay phải là thời điểm mà cả hai cảm thấy không còn có thể chung sống được nữa, sự đồng thuận chia tay sẽ thông báo cho người trong cuộc biết rằng mối quan hệ của họ đã phá sản, không còn có thể níu kéo hay hàn gắn được nữa.
Trước khi buông, cần chuẩn bị gì về mặt tâm lý, vật chất...?
- Trước khi quyết định buông, cần thời gian để lắng lòng, tự hỏi mình thật kỹ và rõ: mình muốn gì, mối quan hệ đổ vỡ tới mức nào, nếu buông thì tình trạng sẽ thế nào, ở hiện tại và sau này cho cả bản thân mình và con cái, nghĩa là phải phân tích thật kỹ vấn đề.
Khi quyết định buông, cần chuẩn bị đón nhận đời sống một mình, thiếu sự cậy dựa, sẻ chia cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Phải bàn bạc, nhất trí về cách nuôi dạy con, chia sẻ trách nhiệm từ chu cấp vật chất đến nuôi dưỡng đời sống tình cảm cho con, chuẩn bị cả việc sẽ ứng xử với nhau như thế nào sau khi buông, và phải chuẩn bị nền tảng tài chính ổn định, vững vàng và độc lập cho mình và con.
Sau khi buông rồi thì sống thế nào đây cho 'sung sướng cuộc đời'?
- Cuộc sống vẫn luôn tiếp diễn cho dù bạn có quyết định thế nào với đời mình. Cho nên, hễ buông thì phải tha, buông thì phải bỏ, buông là xả. Nhiều người buông rồi mà vẫn không sống an yên vì: đã buông mà vẫn nuôi cảm xúc oán hận, trách móc, nuối tiếc, bới móc chuyện xưa tích cũ, kể lể khóc than với mọi người về đối tác cũ. Chúng ta chỉ thực sự buông khi trong lòng mình, mọi cảm xúc tiêu cực, mọi nỗi oán hận, giận hờn, trách móc đều đã được tha thứ, xóa bỏ, không phải cho đối phương mà là cho chính mình trước hết. Chúng ta tha thứ cho những sai lầm của mình, cho những thương tổn mà người khác đã gây ra cho mình. Làm được vậy, khi đó chúng ta mới thực sự sống phần đời còn lại trong an nhiên, sung sướng.
Trường Sơn
(thực hiện)
*Theo Thông tin Gia đình & Đời sống - Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM